27/01/2025

Giao tiết học cho học sinh

Đó là cách nói của cô Nguyễn Thị Thu Hương, giáo viên văn lớp 11H Trường phổ thông Chuyên ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội, khi trao đổi về phương pháp đổi mới dạy học môn ngữ văn theo hướng để học sinh tự tổ chức hội thảo và sân khấu hoá tác phẩm văn học.

 

Giao tiết học cho học sinh 

Đó là cách nói của cô Nguyễn Thị Thu Hương, giáo viên văn lớp 11H Trường phổ thông Chuyên ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội, khi trao đổi về phương pháp đổi mới dạy học môn ngữ văn theo hướng để học sinh tự tổ chức hội thảo và sân khấu hoá tác phẩm văn học.

 

 

 

Giao tiết học cho học sinh 
Học sinh lớp 11 Trường THPT Chuyên ngữ Hà Nội dựng vở Chí Phèo và thảo luận về tác phẩm này trong hai tiết học – Ảnh: VĨNH HÀ

Bài học về tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao diễn ra trong hai tiết tại lớp 11H do cô Thu Hương phụ trách được bắt đầu với màn diễn dài chừng 12-13 phút, gồm 4 cảnh. Tất cả các khâu cho việc “sân khấu hóa tác phẩm văn học” này đều do các em học sinh thực hiện.

“Các em tự xây dựng kịch bản, tôi chỉ duyệt. Việc chuẩn bị phục trang, dựng cảnh, phân vai diễn xuất, rồi chọn nhạc, làm tiếng động… để tạo nên một vở diễn ngắn ấn tượng đều là sáng tạo của học sinh” – cô Thu Hương cho biết.

Đã có rất nhiều anh “Chí Phèo” khác nhau

Chỉ với 4 cảnh nhưng các học sinh đã nắm bắt được những tình huống, chi tiết đắt, ấn tượng nhất của tác phẩm để có thể bộc lộ tính cách nhân vật, đẩy kịch tính và chuyển tải được thông điệp theo cách hiểu, cách cảm tác phẩm.

Ví dụ chi tiết “bát cháo hành” của Thị Nở, cảnh Chí Phèo gặp gỡ Thị Nở được các học sinh diễn theo cảm nhận mới mẻ hơn, nhí nhảnh, trẻ trung hơn đúng với lứa tuổi các em nhưng vẫn bám sát tác phẩm.

“Tất cả các tác phẩm văn học được học sinh triển khai theo hướng sân khấu hóa và thảo luận, giáo viên sẽ không dạy mà giao hẳn cho các em tự triển khai, điều hành. Giáo viên thì góp ý, điều chỉnh ở từng khâu chuẩn bị”

Cô Thu Hương

Cô Thu Hương cho biết việc sân khấu hóa tác phẩm văn học là một sáng tạo trong phương pháp dạy học văn mà thầy Nguyễn Quang Trung khi còn làm việc ở trường đã đề xuất và triển khai trong nhiều năm qua. Trường chỉ áp dụng với lớp 10, lớp 11 và mỗi học kỳ một lớp chỉ chọn 1-2 tác phẩm văn học để thực hiện việc sân khấu hoá như thế này.

Mỗi lớp sẽ được chia nhóm thành các êkip. Trong êkip có các ban khác nhau như viết kịch bản, phụ trách diễn xuất, media, hậu cần, ban tổ chức hội thảo… Cứ ba năm trường sẽ tổ chức một lần hội thi các tiết mục do học sinh dàn dựng từ chính tác phẩm văn học các em đang học trong trường.

“Trong các năm qua, có nhiều nhóm học sinh đã chọn Chí Phèo để sân khấu hoá. Nhưng điều làm tôi rất ngạc nhiên là các em không bị lặp lại, “Chí Phèo” của năm trước khác biệt với “Chí Phèo” của năm sau. Mỗi nhóm học sinh nhìn nhận theo một cách riêng, mỗi nhóm chọn những điểm nhấn khác nhau. Bởi vậy, chính các em đã là “đồng sáng tạo” với nhà văn” – cô Thu Hương nhận xét.

Học là… thảo luận

Tiết học Chí Phèo dành hẳn 2/3 thời gian cho việc tổ chức buổi thảo luận về tác phẩm này. Để chuẩn bị cho phần thảo luận, nhóm học sinh được phân công đã phải nghiên cứu tác phẩm và viết tiểu luận về tác phẩm.

Tiểu luận được học sinh chuẩn bị công phu khoảng 30-40 trang, trong đó ngoài các nghiên cứu về tác giả, tác phẩm, các em còn tìm hiểu, sưu tầm các vấn đề về văn bản xung quanh việc công bố tác phẩm, phân tích tác phẩm với điểm nhấn vào các tình tiết, hình tượng đắt giá, liên hệ với cuộc sống hôm nay…

Nhóm tổ chức thảo luận sẽ phải trình bày tiểu luận bằng Powerpoint để cả lớp quan sát. Nhóm này sẽ đặt các câu hỏi để những học sinh khác trả lời. Các bạn nằm ngoài nhóm chuẩn bị sẽ phản biện. Học sinh sẽ có một khoảng thời gian để tranh luận. Chỉ những vấn đề đi quá sai lệch hoặc không tìm được đồng thuận thì cô giáo phụ trách mới bày tỏ ý kiến hoặc gợi ý định hướng cho học sinh.

Ở tiết thảo luận về “Chí Phèo”, nhiều học sinh đã rất sôi nổi khi bàn tới “tình yêu của Chí Phèo và Thị Nở”. “Chẳng có gì là mãi mãi cả”, một học sinh làm cả lớp cười ồ khi trả lời câu hỏi: “Nếu Thị Nở không bị bà cô ngăn cản thì thị ta có gắn bó với Chí Phèo mãi mãi không?”.

Từ câu chuyện “tình yêu Thị Nở, Chí Phèo”, điều thú vị là học sinh đã bộc lộ quan điểm của mình về tình yêu, về hành xử, lý giải những nguyên nhân khiến hai con người “ở đáy xã hội” kia có thể xích lại gần nhau theo lăng kính riêng.

Một câu hỏi của nhóm chủ trì thảo luận khiến nhiều học sinh bàn tán, xôn xao: “Nếu trong lớp ta có một “Chí Phèo” thì chúng ta có kỳ thị như làng Vũ Đại kỳ thị Chí Phèo của Nam Cao không?”. Với câu hỏi này có nhiều ý kiến trái chiều. Theo cô Thu Hương, tùy theo tình huống, phải chấp nhận những ý kiến cá nhân của học sinh chứ không ép các em phải hiểu theo một cách cứng nhắc, đó là quan điểm của người dạy.

Một số học sinh thẳng thắn bày tỏ quan điểm về kết truyện. “Nếu được viết lại kết truyện Chí Phèo, em muốn bỏ chi tiết Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng và nhớ tới hình ảnh cái lò gạch cũ vì nó cho chúng ta liên tưởng tới việc có những “Chí Phèo con” ra đời với số phận bi thảm như thế” – Bảo Ngọc, một học sinh, bày tỏ.

Tác phẩm văn học không xa rời thực tế

Cô Lê Thanh Hà, tổ trưởng tổ xã hội Trường THPT Chuyên ngữ Hà Nội, cho biết sân khấu hóa tác phẩm văn học đã thành việc quen thuộc đối với thầy trò Trường Chuyên ngữ trong nhiều năm qua.

Nhưng khác với việc chỉ dừng lại ở dựng tiểu phẩm tham dự các hội thi, sân khấu hoá tác phẩm văn học được thực hiện tại từng lớp học và trở thành một phần của bài học. Với cách thức này, tất cả học sinh đều phải đọc tác phẩm để nắm nội dung, tìm những chi tiết đắt giá góp ý cho kịch bản.

Việc dựng lại những câu chuyện trong bối cảnh thực tại của hàng chục năm trước trong cái nhìn mới mẻ của chính các em học sinh đã thổi luồng gió mới vào tác phẩm văn học, khiến tác phẩm văn học không xa rời thực tế cuộc sống hiện tại, không nhàm chán, đơn điệu mà có sức hấp dẫn mới.

VĨNH HÀ