25/01/2025

Ì ạch bãi đậu xe ngầm

Đã hơn 12 năm kể từ khi TP.HCM quy hoạch 8 bãi đậu xe ngầm nhằm giải quyết tình trạng thiếu chỗ đậu xe nhưng đến nay, các dự án vẫn nằm trên giấy.

 

Ì ạch bãi đậu xe ngầm

Đã hơn 12 năm kể từ khi TP.HCM quy hoạch 8 bãi đậu xe ngầm nhằm giải quyết tình trạng thiếu chỗ đậu xe nhưng đến nay, các dự án vẫn nằm trên giấy.



Ô tô đậu nối đuôi nhau trước cổng công viên Lê Văn Tám
 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ô tô đậu nối đuôi nhau trước cổng công viên Lê Văn TámẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Có thể thấy, tại hầu hết khu vực đã được quy hoạch các dự án bãi đậu xe ngầm nhằm giải quyết nhu cầu đậu xe rất lớn hiện nay.
Kẹt xe vì thiếu chỗ đậu
Đơn cử công viên Lê Văn Tám (Q.1), nơi được chọn làm bãi đậu xe ngầm và được động thổ năm 2008 đã phát sinh thêm bãi giữ xe máy ở đầu công viên phía đường Hai Bà Trưng. Thường ngày, bãi giữ xe chỉ phục vụ cho những người làm việc xung quanh khu vực này và người vào công viên. Thế nhưng, mỗi khi có những hoạt động lớn, tại đây phải rào chắn vỉa hè tăng thêm các bãi giữ xe khu vực xung quanh công viên. Còn xe ô tô phải đậu thành hàng dài san sát nhau phía trước mặt tiền hoặc nơi đầu cổng công viên, góp phần gia tăng kẹt xe tại các tuyến đường xung quanh như Điện Biên Phủ, Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu…
Tương tự, tại khu vực dự án bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống đồng (Q.1), dù không phải giờ cao điểm nhưng nhu cầu đậu xe ô tô rất cao. Nhà thi đấu Nguyễn Du cũng dành một phần đất và lòng đường Nguyễn Du (từ Trương Định đến đầu đường Cách Mạng Tháng 8) được phép đậu xe thu phí nhưng cũng không đủ đáp ứng nhu cầu chung của người dân. Nếu như có bãi đậu xe thì hai con đường Sương Nguyệt Ánh và Bùi Thị Xuân sẽ giảm rất nhiều lượng xe ô tô đậu tại đây và tình hình giao thông cũng bớt lộn xộn, bớt kẹt xe hơn.
 
 
Ì ạch bãi đậu xe ngầm - ảnh 1
Khi lập lại quy hoạch các bãi đậu xe, UBND TP.HCM nên chú trọng xã hội hóa, nghĩa là phải đưa luôn các vị trí đất trống của tư nhân, chú trọng các dự án theo hình thức PPP (hợp tác công tư), chứ không chỉ các công viên của nhà nước như lâu nay

Ì ạch bãi đậu xe ngầm - ảnh 2
 
TS Phạm Sanh

 

Đặc biệt, dự án tại Sân vận động Hoa Lư (Q.1) ban đầu được UBND TP giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, vì nhiều lý do công ty này đã trả lại dự án vào năm 2014. Theo ghi nhận, diện tích sân Hoa Lư khá lớn, nếu xây dựng thành công bãi đậu xe ngầm, có thể đáp ứng được lượng lớn xe ở các con đường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Bỉnh Khiêm…, do thường xuyên phải đậu lấn xuống lòng đường gây kẹt xe.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, tình trạng kẹt xe ngày càng gia tăng, nhất là khu trung tâm, trong đó có nguyên nhân thiếu chỗ đậu xe. Đáng lo ngại hơn, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đang được gấp rút xây dựng và sẽ vận hành năm 2020. Khi đó, nhu cầu gửi xe gắn máy, ô tô để đi metro sẽ rất lớn. Nếu không có các bãi đậu xe thì tình trạng ùn tắc, kẹt xe chắc chắn sẽ gia tăng mạnh mẽ.
Liên quan đến vấn đề này, KTS Nam Sơn cho rằng: “Tôi thấy lạ là ở VN rất ít bãi đậu xe nổi, trong khi ở nước ngoài tại các khu trung tâm rất nhiều bãi đậu xe nổi nhiều tầng, đi đâu cũng thấy. Thực ra bãi đậu xe nổi hiệu quả hơn bãi xe ngầm vì chi phí đầu tư rẻ hơn nhiều. TP.HCM đang rất thiếu bãi đậu xe nhưng lại không có quy định bắt buộc các toà nhà thương mại, chung cư phải có đủ chỗ đậu xe. Tất cả dự án bãi đậu xe ngầm theo kế hoạch có hoàn thành cũng không đủ chỗ đậu xe. Ngay cả các trường học, hiện cũng không có chỗ cho phụ huynh đậu xe”.
Theo KTS Nam Sơn, không nên khuyến khích xây dựng bãi đậu xe ngầm vì nhiều lý do. Trong đó, có nguyên nhân là bãi đậu xe ngầm không có chỗ chứa nước mưa rất dễ gây ngập, ảnh hưởng đến môi trường, nhất là tại các công viên. “TP.HCM nên xây dựng các bãi đậu xe nổi nhiều tầng vì chi phí thấp hơn, ít tác động môi trường, dễ dọn vị trí…”, KTS Nam Sơn góp ý.
Lỗi ở giá ?
Trả lời Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương (chủ đầu tư dự án bãi đậu xe ngầm Sân khấu Trống Đồng), cho rằng có 3 vấn đề vướng mắc. Thứ nhất, dự án bãi đậu xe ngầm hiện nay hiệu quả kinh tế thấp nên rất khó vay vốn ngân hàng. Thứ hai, theo quy định giá giữ xe lại do HĐND tỉnh, TP quyết định. Giá giữ xe ngoài đường với giá giữ xe trong các bãi đậu xe ngầm được đánh đồng nên rất khó cho nhà đầu tư. Thứ ba, dự án bãi đậu xe ngầm thường dành 70% diện tích để đỗ xe và 30% diện tích còn lại dùng làm thương mại để thu hồi vốn. Tuy nhiên, mấy năm nay mặt bằng thương mại ở TP.HCM bị bỏ trống khá nhiều. Vì vậy, khả năng cho thuê diện tích thương mại ngầm để bù chi phí đỗ xe rất thấp khiến thời gian thu hồi vốn kéo dài.
Đại diện chủ đầu tư dự án bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám (Q.1), ông Lê Tuấn, Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển Không Gian Ngầm, khẳng định cố gắng cuối năm 2017 sẽ khởi động lại dự án, mọi thủ tục đã xong. Tuy nhiên, ông Lê Tuấn cho rằng giá giữ xe là một bất cập lớn. Chỗ đậu xe ngoài đường chỉ có công giữ xe giá đã 20.000 đồng/lượt. Đem giá này so sánh với giá giữ xe tại các nhà xe thông thường đã thấy bất hợp lý, bởi nhà đầu tư phải bỏ vốn để đầu tư xây dựng. Còn nếu tính giá tại công trình đậu xe ngầm thì càng khập khiễng hơn nữa vì nhà đầu tư phải bỏ ra số vốn đầu tư lớn hơn nhiều lần.
Về vấn đề này, PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông – Trường đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng giữa nhà đầu tư và UBND TP phải thỏa thuận với nhau về mức giá giữ xe sao cho hợp lý. TP không thể áp mức giá quá rẻ khiến nhà đầu tư không thể thu hồi vốn. “Nhà nước phải thấy được mục tiêu sâu xa hơn là giảm được kẹt xe, nên phải có trách nhiệm chứ không nên khoán trắng cho nhà đầu tư. Tôi nghĩ nhà đầu tư cũng không dám lấy giá quá cao vì khách có quyền từ chối”, ông Mai nói.
Không đồng tình với lý do giá bị khống chế của các nhà đầu tư, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng ngay từ đầu các nhà đầu tư đã biết giá giữ xe công cộng do Sở Tài chính, Bộ Tài chính có quy định khung. “Đại diện UBND TP ngay từ đầu muốn có dự án nhưng lại không muốn bỏ tiền ngân sách ra. Còn nhà đầu tư cũng muốn có đất dự án để kinh doanh cái khác. Thế nhưng, trong quá trình triển khai, nhà đầu tư thấy khó nên trở lại các lý do về thủ tục. Theo tôi, các nhà đầu tư nếu không làm được thì trả lại chứ không nên ôm. Lãnh đạo UBND TP, các sở ngành nên kiên quyết thu hồi để làm lại quy hoạch”, TS Phạm Sanh thẳng thắn.
Theo TS Phạm Sanh, TP.HCM nên lập lại toàn bộ quy hoạch các bãi đậu xe trên địa bàn TP, bởi các dự án bãi đậu xe ngầm theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) không khả thi. Bởi chi phí để đầu tư hoàn thiện chỗ đậu cho một chiếc xe ô tô mất 2 – 3 tỉ đồng, trong khi nhà đầu tư chỉ được vài ba chục nghìn nên rất khó thu hồi vốn, chưa nói đến chuyện có lãi.
“Khi lập lại quy hoạch các bãi đậu xe, UBND TP.HCM nên chú trọng xã hội hoá, nghĩa là phải đưa luôn các vị trí đất trống của tư nhân, chú trọng các dự án theo hình thức PPP (hợp tác công tư), chứ không chỉ các công viên của nhà nước như lâu nay. Ngoài ra, để giải quyết bài toán chỗ đậu xe tại trung tâm thành phố, cần chú trọng đa dạng các hình thức đậu xe như bãi xếp xe tự động nhiều tầng theo dạng nổi, ứng dụng công nghệ tự động hoá…”,TS Sanh đề xuất.
Quy hoạch chồng chéo và lúng túng
TP.HCM đã quy hoạch 8 điểm làm bãi đậu xe ngầm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quy hoạch, do chồng chéo và không thống nhất trong quá trình lập quy hoạch nên sau đó UBND TP đã huỷ bỏ một số dự án như bãi đậu xe ngầm đường Nguyễn Huệ (do vướng phố đi bộ), công trường Lam Sơn (do vướng công trình metro Bến Thành – Suối Tiên), công viên Bách Tùng Diệp. Vì vậy TP.HCM chỉ còn lại 5 vị trí làm dự án bãi đậu xe ngầm. Mặc dù vậy, đến nay chỉ có 2 dự án được chủ đầu tư xúc tiến các thủ tục triển khai, số còn lại vẫn bất động.

 

Đình Mười – Phạm Hữu