Thủ tướng Malaysia trong tâm bão
Bất chấp các động thái ngăn chặn của chính phủ, hàng chục ngàn người Malaysia ngày 19.11 đã xuống đường để bày tỏ phản đối lẫn ủng hộ Thủ tướng Najib Razak.
Thủ tướng Malaysia trong tâm bão
Bất chấp các động thái ngăn chặn của chính phủ, hàng chục ngàn người Malaysia ngày 19.11 đã xuống đường để bày tỏ phản đối lẫn ủng hộ Thủ tướng Najib Razak.
Cuộc biểu tình đòi ông Najib từ chức do nhóm đối lập có tên Bersih lĩnh xướng và được nhiều hội nhóm, tổ chức ủng hộ. Bersih, theo ngôn ngữ Malay có nghĩa là “trong sạch”, ra đời năm 2007. Cho đến nay, nhóm đã tổ chức 5 cuộc đại biểu tình.
Bersih lần thứ năm diễn ra ngày 19.11 đã được lên kế hoạch từ nhiều tháng trước. Lần này, thông điệp phản đối nhằm thẳng vào Thủ tướng Najib Razak, chứ không bóng gió kiểu “chính khách tham nhũng” như ở cuộc biểu tình lần thứ tư hồi tháng 8.2015. Trong khi đó, phong trào áo đỏ thuộc đảng cầm quyền UMNO chống Bersih cũng xuống đường để đối kháng lại.
Thủ tướng Najib trong hơn 2 năm qua đối mặt với các cáo buộc tham nhũng, biển thủ khiến quỹ đầu tư nhà nước 1MDB do ông sáng lập và làm chủ tịch hội đồng cố vấn rơi vào tình trạng nợ nần hơn 11 tỉ USD. Đỉnh điểm của sự bất mãn trong công chúng nổ ra hồi tháng 7.2015 khi tờ
The Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ cơ quan điều tra Malaysia cho hay tài khoản cá nhân của ông Najib đã nhận 5 khoản tiền tổng cộng gần 700 triệu USD và “liên quan đến Quỹ 1MDB” từ tháng 3.2013 – 2.2015. Ông Najib thừa nhận những khoản tiền này do một nhà hảo tâm Trung Đông tài trợ cho mục đích chính trị và không liên quan đến 1MDB. Ông cũng cương quyết bác bỏ mọi cáo buộc tham nhũng.
Đến tháng 7.2016, Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) yêu cầu toà án nước này tiến hành tịch biên các tài sản trị giá hơn 1 tỉ USD liên quan đến vụ bê bối 1MDB chuyển vào nước này. DoJ cũng nhắc đến một nhân vật dính líu đến vụ việc và gọi bằng cái tên “Quan chức số 1 Malaysia”. Phe đối lập tuyên bố “Quan chức số 1 Malaysia” chính là ông Najib nhưng phía chính phủ đã bác bỏ.
TIN LIÊN QUAN
Hàng ngàn người biểu tình đòi Thủ tướng Malaysia từ chức
Hàng ngàn người biểu tình đã tập trung tại trung tâm thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 19.11 kêu gọi Thủ tướng Najib Razak từ chức vì cáo buộc ông dính líu đến bê bối tài chính.
Siết chặt an ninh
Chiều 18.11, cảnh sát bất ngờ bố ráp trụ sở Bersih ở Kuala Lumpur, bắt nữ Chủ tịch Maria Chin Abdullah và thư ký Mandeep Singh, tịch thu nhiều máy tính và tài liệu.
Đến ngày 19.11, Bersih cho hay Chủ tịch Maria Chin bị bắt với cáo buộc phá hoại nền dân chủ theo đạo luật an ninh vốn cho phép giam giữ không xét xử đến 28 ngày. Chưa hết, sáng 19.11 ngay khi cuộc biểu tình sắp diễn ra, nhà hoạt động chính trị có tiếng và là thành viên Ban Chỉ đạo Bersih Hishamuddin Rais cũng bị bắt. Trước đó, lúc 1 giờ 30 phút sáng, lãnh đạo phong trào áo đỏ là ông Jamal Yunos cũng bị bắt tại một khách sạn trong thủ đô. Nhà chức trách thông báo ông này sẽ bị giam giữ trong 4 ngày. Tổng cộng, số người bị bắt từ ngày 18.11 lên đến 13 người, gồm cả các nghị sĩ đối lập.
Ngoài ra, lực lượng chức năng triển khai khoảng 7.000 cảnh sát trang bị vòi rồng và súng hơi cay tại những địa điểm trọng yếu ở thủ đô Kuala Lumpur như ga tàu điện Masjid Jamek, đại lộ Bangsar, quảng trường Padang Merbok, quảng trường Độc Lập… Giới chức tuyên bố động thái này nhằm ngăn chặn bạo lực cũng như sẵn sàng ứng phó nguy cơ đụng độ giữa các phe phái biểu tình đối nghịch nhau.
TIN LIÊN QUAN
Malaysia: Lãnh đạo đối lập lãnh 18 tháng tù vì tiết lộ bí mật vụ 1MDB
Rafizi Ramli, một lãnh đạo đối lập ở Malaysia đã lãnh án 18 tháng tù vì tiết lộ bí mật chính quyền liên quan đến thông tin kiểm toán Quỹ đầu tư nhà nước 1MDB. Quỹ này do Thủ tướng Najib Razak thành lập.
Ít tác dụng
Khoảng sau 9 giờ sáng 19.11, ủng hộ viên của Bersih trong màu áo vàng tụ tập về trung tâm Kuala Lumpur. Nhiều người biểu tình mang theo hoa vàng nhằm thể hiện chủ trương ôn hòa. Khoảng một giờ sau, lực lượng áo đỏ cũng khởi hành từ trụ sở UMNO.
Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, người từng ủng hộ mạnh mẽ cho Thủ tướng Najib nhưng nay chuyển qua phản đối dữ dội, tranh thủ về nước từ Sudan ngay sáng 19.11 để tham gia biểu tình. “Ông Najib không còn phù hợp với chiếc ghế thủ tướng nữa”, ông Mahathir tuyên bố, đồng thời chỉ trích việc chính quyền bắt giữ các thủ lĩnh Bersih.
Hình ảnh trực tiếp từ hiện trường cho thấy có lúc phe áo vàng đối mặt với lực lượng an ninh cũng như phe áo đỏ đối thủ. Không khí giữa 2 phe biểu tình khá căng thẳng, thậm chí nhiều người khích bác, gọi nhau là “khỉ” nhưng không xảy ra ẩu đả. Khoảng 14 giờ, cảnh sát tuyên bố quảng trường Độc Lập, nơi nhóm biểu tình dự kiến sẽ kéo đến vào cuối hành trình, là “bất khả xâm phạm”, nên người biểu tình kéo về tháp đôi Petronas rồi giải tán khoảng 17 giờ 30 phút. Không có đụng độ hay bắt bớ gì.
Báo Malaysiakini ước tính khoảng 40.000 người tham gia Bersih 5 nhưng phía cảnh sát nói chỉ có 15.500 người phe áo vàng và 2.500 người phe áo đỏ. So với Bersih 4 hồi tháng 8.2015 với trên 50.000 người tham gia (con số của cảnh sát), số người tham gia Bersih 5 giảm rõ rệt.
Tiến sĩ Oh Ei Sun từ Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (RSIS, Singapore) và từng là thư ký chính trị của Thủ tướng Najib, nhận định với Thanh Niên rằng các cuộc biểu tình chống ông Najib đã “mất lửa” do “không tạo được hiệu quả gì” sau Bersih 4 và “không huy động được người dân ở các vùng nông thôn do thiếu sự hậu thuẫn của đảng Hồi giáo PAS”.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)