25/12/2024

Cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu cá tra

Trung Quốc hiện đang là thị trường lớn nhất của VN và đã vượt qua Mỹ về nhu cầu nhập khẩu cá tra. Trung bình mỗi tháng Trung Quốc nhập từ 40 – 50 triệu USD…

 

Cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu cá tra

Trung Quốc hiện đang là thị trường lớn nhất của VN và đã vượt qua Mỹ về nhu cầu nhập khẩu cá tra. Trung bình mỗi tháng Trung Quốc nhập từ 40 – 50 triệu USD…




 

Chế biến cá tra xuất khẩuẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Trái với cảnh báo về hiện tượng thương lái đang tìm mua cá cỡ nhỏ gây thiệt hại cho ngành cá tra, ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN, Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương, cho rằng đó là cơ hội lớn cho nông dân và ngành chế biến, xuất khẩu cá tra tại ĐBSCL.
Theo ông Dương Ngọc Minh, Trung Quốc hiện đang là thị trường lớn nhất của VN và đã vượt qua Mỹ về nhu cầu nhập khẩu cá tra. Trung bình mỗi tháng Trung Quốc nhập từ 40 – 50 triệu USD, bao gồm phi lê cắt miếng, phi lê còn da cắt miếng, cá phi lê và cá nguyên con xẻ bướm, rất đa dạng; trong khi thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu chỉ nhập cá phi lê. “Vấn đề hiện nay bắt nguồn từ nguyên nhân tài chính. Các thương lái mua cá cho Trung Quốc theo kiểu tiền trao cháo múc, mua xong trả tiền ngay. Trong khi các doanh nghiệp thường mua trước, trả sau. Dân sợ bán thiếu rồi không đòi được, vì đã có nhiều trường hợp bị mất tiền, nên chọn phương thức bán thẳng, lấy tiền mặt. Do đó dẫn đến những thông tin gây nhiễu kiểu như trên”, ông Minh lý giải.
Nông dân hưởng lợi


Cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu cá tra - ảnh 1
Phải xác định nếu họ tiêu thụ sản phẩm cá tra thì đây là cơ hội để mình bán, vì hiện nay nhu cầu chất lượng của Trung Quốc là tương đồng, thậm chí cao hơn châu Âu

Cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu cá tra - ảnh 2

Ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN

Để giải đáp câu hỏi vì sao Trung Quốc mua cá của VN với số lượng lớn, ông Minh cho biết gần đây ông đã đi Trung Quốc 3 lần khảo sát thị trường. “Đầu tiên là sản phẩm cá tra được đưa vào hệ thống nhà hàng và hệ thống bán lẻ tại các siêu thị. Thứ hai là họ đang thiếu hụt thuỷ sản nghiêm trọng. Bây giờ Trung Quốc không còn là nước xuất khẩu thủy sản nữa mà là nước nhập khẩu. Ví dụ như tôm nhập từ Ấn Độ, VN, Indonesia, Ecuador. Mực thì từ Argentina, Hàn Quốc, Bangladesh… và cá thì từ VN”, ông Minh phân tích.

Ngoài ra, theo ông Minh, Trung Quốc phát triển mạnh cá chép, cá rô phi nhưng bị dân chê vì cá chép xương quá nhiều. Vậy là họ chọn cá tra vì người già, trẻ con đều ăn được. “Phải xác định nếu họ tiêu thụ sản phẩm cá tra thì đây là cơ hội để mình bán, vì hiện nay nhu cầu chất lượng của Trung Quốc là tương đồng, thậm chí cao hơn châu Âu. Cụ thể như châu Âu hiện yêu cầu độ ẩm 86%, còn Trung Quốc thì có 2 dạng: một là 86% và cao cấp hơn là 85%, đi vào hệ thống chế biến và tiêu thụ của nhà hàng”, ông Minh nói.
Đặc biệt, theo ông Minh, thị trường Trung Quốc còn có một dạng được tiêu thụ rất mạnh, đó là con cá tra xẻ bướm để bán rộng rãi dưới hình thức cá quay: nướng lò. Sản phẩm này được bán ngoài phố và tại các trường học, bán nguyên con chứ không bán ký và người mua đứng cầm ăn tại chỗ. “Đây chính là lý do họ mua cá tra loại nhỏ, từ 0,4 tới 0,6 kg/con. Hiện nay, giá giao dịch loại cá này từ 35.000 – 36.000 đồng/kg. Nếu họ có nhu cầu lớn thì đây là cơ hội tăng vòng quay nuôi trồng cho nông dân. Ví dụ, thay vì nuôi con cá 1 kg thì phải mất một năm, con cá 0,6 kg chỉ mất thời gian 6 tháng. Nếu xét về hiệu quả kinh tế và quy ra tương đồng thì cá loại này giá bán cao hơn thị trường châu Âu và Mỹ, bởi vì 1,1 kg cá cho ra 1 kg thành phẩm, trong khi cá phi lê phải mất 2,3 kg mới ra 1 kg thành phẩm. Như vậy, hiệu quả tốt hơn cho nông dân, vì nuôi cá nhỏ hệ số thức ăn thấp, giá thành thấp. Cũng với 5.000 ha mặt nước nhưng nếu quay được 2 vòng sẽ khác với một vòng”, ông Minh phân tích.
Cái gì có lợi thì làm
Về tâm lý sợ thị trường Trung Quốc thường bấp bênh, ông Minh cho rằng trước hết phải đánh giá nhu cầu của họ là thật hay giả? Hiện nay, nhu cầu của Trung Quốc là thật và nếu có sự chọn lựa thì họ cũng không thể chọn nước thứ ba vì trong khu vực không ai nuôi cá tra. Riêng việc bị thương lái giật nợ, ông Minh cho rằng mua bán sòng phẳng, “tiền trao cháo múc” thì không có gì phải sợ. “Cái gì có lợi thì làm, không thể nào bỏ qua thị trường hơn 1,3 tỉ dân này”, ông Minh nói và lưu ý vấn đề còn lại là quản lý chất lượng. Phải kiểm soát chặt chẽ những nhà máy gia công bán cho Trung Quốc để không làm ảnh hưởng chung.
Là người làm ra sản phẩm cá tra, nhưng ông Minh thừa nhận trước khi sang Trung Quốc ông không hình dung được họ chế biến và tiêu thụ cá tra như thế nào. “Khi thấy rồi thì phải thừa nhận rằng ẩm thực Trung Hoa rất giỏi. Một ký cá mình bán cho họ chỉ hơn 2 USD, nhưng khi họ đưa vô nhà hàng thì giá trên 30 USD, tăng gấp 15 lần. Trong khi đó thì thực đơn tại các bàn tiệc ở các thành phố lớn đều có món cá tra. Ví dụ như món Tứ Xuyên, một đĩa chỉ có 200 gr thịt cá tra, còn lại là ớt, nhưng giá tới gần 20 USD. Tính ra, món ăn đó vừa ớt, bún, thịt cá tra, gần 100 USD. Còn ở đường phố thì người dân thích ăn cá tra nướng lò, mỗi người cầm một con đứng ăn, tự nhiên”, ông Minh cho biết.
Theo kế hoạch, năm 2016 ngành xuất khẩu cá tra đề ra chỉ tiêu 1,5 tỉ USD nhưng đến giờ đã đạt khoảng 1,4 tỉ USD. Tuy nhiên, hiện nay cả doanh nghiệp và nông dân đều gặp khó khăn về tài chính. Theo ông Minh, lý do vì ngân hàng sợ đầu tư vào nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên chính sách tín dụng bị thu hẹp. “Chính phủ cần có biện pháp thúc đẩy để có những doanh nghiệp chủ lực làm đầu tàu kéo sản xuất và xuất khẩu tăng lên. Chính phủ cần quan tâm hơn, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, nhất là những doanh nghiệp tạo được việc làm cho người lao động. Thậm chí, những lao động cho dù không làm trong nhà máy, nhưng họ tự đẩy xe cóc ngoài đường để mưu sinh, không cần trợ cấp, thì cũng là đóng góp, giải quyết một phần khó khăn, bớt gánh nặng cho xã hội”, ông Minh kiến nghị.
Trước tình hình chính trị thay đổi ở Mỹ sau bầu cử tổng thống, ông Dương Ngọc Minh cho rằng có TPP hay không cũng không ảnh hưởng đến ngành thuỷ sản của VN. “Bởi nếu hội nhập TPP thì sẽ dễ dàng hơn trong vận hành của 12 nước tham gia, nhưng luật thuế chống phá giá của Mỹ vẫn không thay đổi. Hơn nữa, TPP chủ yếu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành may mặc, giày da”, ông Minh nhận xét.

 

Hoàng Phương