Công an tỉnh Quảng Ninh vừa có cảnh báo tình trạng vàng giả, vàng kém chất lượng được làm cực kỳ tinh vi, khiến người mua phải sẽ thiệt hại nặng nề.
Cảnh giác kim loại lạ trong vàng
Công an tỉnh Quảng Ninh vừa có cảnh báo tình trạng vàng giả, vàng kém chất lượng được làm cực kỳ tinh vi, khiến người mua phải sẽ thiệt hại nặng nề.
Cảnh báo được đưa ra hôm 16.11, tại cuộc họp sơ kết 10 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu gian lận thương mại hàng giả 389 tỉnh Quảng Ninh. Theo đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, những miếng vàng trộn bột kim loại vào trong được sản xuất bằng công nghệ tinh vi. Đáng lưu ý, loại bột lạ này chưa xác định được là chất gì và chìm trong vàng khi nóng chảy ra; khi đưa vàng vào máy kiểm tra thì cho kết quả 99% nhưng thực tế đưa ra phân kim thì chỉ có khoảng 40% vàng.
“Một thỏi vàng bán từ 400 – 500 triệu đồng thì loại vàng dởm này có giá trị chỉ khoảng từ 105 – 120 triệu đồng. Ngay cả người buôn bán vàng lâu năm có kinh nghiệm cũng khó có thể phát hiện được. Thủ đoạn này tiếp tục có diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng và người dân cần đề cao cảnh giác, đặc biệt vào những tháng cuối năm nhu cầu tiêu thụ vàng rất lớn”, đại tá Quyên lưu ý.
Kiểm tra kỹ vàng trước khi muaẢNH: NGỌC THẠCH
Tiệm vàng, cầm đồ cũng “khóc ròng”
Tình trạng gian lận, lừa đảo bán vàng kém chất lượng có pha các tạp chất kim loại đã được cơ quan chức năng phát hiện trước đây, nay với cảnh báo “kim loại lạ” khiến các chủ tiệm vàng, người tiêu dùng hết sức cảnh giác. Bà Huê Thanh, chủ một tiệm vàng tại Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết các tiệm thường mua vàng nguyên liệu dạng thỏi trên thị trường để sản xuất nữ trang. Trước đây, tiệm của bà từng phát hiện thủ đoạn lừa đảo bán vàng có tạp chất kim loại. “Một khách hàng mang vàng thỏi đến bán, tiệm thử bằng phương pháp thông thường trên bề mặt thì cho kết quả là vàng 99,99%. Thế nhưng khi nấu lên thấy vàng khó chảy nên thử nấu lại lần nữa thì vàng chỉ còn 40 – 50% chất lượng”, bà Thanh kể và tỏ ra lo lắng: “Tình trạng này diễn ra khá phổ biến rồi lắng xuống, nay lại có dấu hiệu trở lại”.
Một thỏi vàng bán từ 400 – 500 triệu đồng thì loại vàng dởm này có giá trị chỉ khoảng từ 105 – 120 triệu đồng. Ngay cả người buôn bán vàng lâu năm có kinh nghiệm cũng khó có thể phát hiện được
Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh
Cũng theo bà Thanh, trong trường hợp tiệm vàng phát hiện có nhiều tạp chất thì dù giá thấp hơn 50% thị trường cũng không dám mua, bởi khi phân kim ra sẽ không biết được lượng vàng nguyên chất còn lại bao nhiêu. “Chiêu thức dùng vàng bẩn, vàng độn tạp chất không những diễn ra tại các tiệm vàng, mà ngay cả các tiệm cầm đồ cũng là đối tượng kẻ lừa đảo hướng đến. Trong quá trình kinh doanh, các tiệm cầm đồ mang vàng mà khách không đến chuộc ra bán cũng là vàng thỏi và miếng. Nhiều lần, chúng tôi kiểm tra thấy vàng độn tạp chất, có chủ tiệm cầm đồ khóc tại chỗ luôn”, bà Thanh kể.
Chủ một tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1 (TP.HCM) cho biết, ngoài cách độn kim loại lạ vào trong vàng như Công an Quảng Ninh cảnh báo, kẻ lừa đảo còn làm giả vàng của một tiệm vàng nổi tiếng, có cả hóa đơn giả rồi mang đến tiệm cầm đồ. Tiệm cầm đồ thấy vàng thương hiệu nổi tiếng nên kiểm tra nhanh rồi cho cầm luôn. Thế là bị “dính đòn”. Một cách lừa khác, kẻ lừa đảo biết nghề kim hoàn sẽ làm nhẫn bọng có đính hột nên độn vàng giả hay đồng, bạc bên trong. Những tiệm vàng, tiệm cầm đồ nhỏ, ít kinh nghiệm hay người mua sẽ chỉ thử ở bề mặt bên ngoài mà không biết phía trong của sản phẩm đó. “Kiểu lừa đảo này là phổ biến nhất trên thị trường. Vàng từ các tiệm cầm đồ cũng bị các tiệm vàng cảnh giác nhất, đặc biệt là thời điểm cuối năm khi nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất tăng cao”, ông này nói.
Vàng giả xuất phát từ nước ngoài
Ông Dương Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc phụ trách khối sản xuất kỹ thuật Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji, cho hay cách đây mấy năm, chiêu độn vonfram vào vàng khá phổ biến. Gần đây thì việc độn kim loại “cao cấp” hơn. “Với chiêu thức đưa vào vàng tỷ lệ bột kim loại gần 60% mà người thợ không phát hiện được bằng các phương pháp đo thì kỹ thuật sản xuất các loại vàng này của bọn tội phạm khá tinh vi”, ông Tuấn thừa nhận. Theo ông, tỷ lệ bột kim loại cao sẽ thay đổi tính chất bề mặt của vàng và dễ bị phát hiện, những mẫu “vàng lạ” mà Doji đã kiểm định trước đây, tỷ lệ bột kim loại pha vào chỉ ở mức 10 – 20% là bị phát hiện ngay.
“Các mẫu vàng “rởm” được phát hiện trước đây dùng bột kim loại mịn, trong nhóm Pt. Nhóm kim loại Pt tồn tại trong vàng miếng, vàng thỏi dưới dạng hạt sạn màu ánh kim. Để phát hiện loại vàng “rởm” này, người mua quan sát bề mặt vàng không được sáng bóng. Khi cắt ngang miếng vàng và kiểm tra dưới kính hiển vi, cường độ phân giải cao có thể phát hiện một số dấu vết “lạ” rất nhỏ bên trong. Với những dấu hiệu như vậy, người mua cần kiểm tra bằng các phương pháp khác kỹ hơn”, ông Tuấn lưu ý.
Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM, qua những vụ việc vàng có tạp chất kim loại lạ được phát hiện cho thấy với trình độ trong nước hiện chưa thể làm được. “Những thỏi, miếng vàng độn tạp chất tinh vi này có thể được xâm nhập vào VN, bởi chúng được làm từ công nghệ khá tinh vi. Một thỏi vàng trọng lượng 1 kg tương đương 26,6 lượng vàng, đo bề mặt bên ngoài sẽ rất khó phát hiện được phía trong thỏi vàng đó có gì. Để kiểm tra kỹ buộc phải cắt miếng vàng ra mà như vậy thì người bán không chịu nên rất dễ rơi vào bẫy”, ông Dưng phân tích. Cũng theo ông, doanh nghiệp hiện nay mua vàng trôi nổi trên thị trường từ nguồn vàng tái chế phân kim lại hay nguồn vàng không chính thức. Chính vì tâm lý lo sợ nên người mua thường không kiểm tra kỹ khi mua dẫn đến mua phải vàng kém chất lượng. “Doanh nghiệp nào mua trúng vàng như vậy sẽ lỗ rất nặng mà vẫn không dám công khai. Hội Kim hoàn TP.HCM cũng đã có kiến nghị lên cơ quan ban ngành về việc thành lập sàn giao dịch vàng vật chất do nhà nước quản lý để có nguồn vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh”, ông Dưng nói.
Ông Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết trong điều kiện giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 3 triệu đồng/lượng và giá vàng nữ trang cao hơn giá thế giới 1,3 triệu đồng/lượng, các doanh nghiệp cần vàng nguyên liệu để sản xuất hàng cuối năm thì khả năng vàng lậu sẽ tràn vào, kéo theo đó là những sản phẩm “vàng lạ” như trên. “Khách hàng mua nữ trang nhỏ lẻ, tốt nhất là tìm đến các doanh nghiệp uy tín để tránh dính hàng giả, hàng kém chất lượng”, ông Tín khuyến cáo.