Theo Bộ Công thương, vẫn có một số doanh nghiệp lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động vốn nhằm thu lợi bất chính…
Quản chặt kinh doanh đa cấp
Theo Bộ Công thương, vẫn có một số doanh nghiệp lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động vốn nhằm thu lợi bất chính…
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được yêu cầu người tham gia đặt cọc hoặc mua hàng hoá, hứa hẹn cho tiền khi giới thiệu người khác… là một số điểm mới được đưa vào dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp do Bộ Công thương đang lấy ý kiến.
Cấm lấy tiền từ người tham gia
Theo Bộ Công thương, vẫn có một số doanh nghiệp (DN) lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động vốn nhằm thu lợi bất chính cũng như thực hiện các hành vi vi phạm mới, để lại hậu quả về kinh tế – xã hội. Do đó, dự thảo nêu rõ những hành vi bị cấm trong bán hàng đa cấp (BHĐC), bao gồm việc yêu cầu người tham gia mạng lưới phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời cấm DN yêu cầu người tham gia phải mua một số lượng hàng hóa nhất định và cho người tham gia nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động BHĐC mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người đó. Bên cạnh đó, DN phải công bố và tự chịu trách nhiệm về tình trạng hàng hoá và cập nhật giá bán của sản phẩm.
Có thể bổ sung thêm vào luật Hình sự trong tội lừa đảo là có hành vi bán hàng đa cấp trái pháp luật thì sẽ khởi tố ngay mà không cần phải chờ xem xét hay điều tra xác định hậu quả và nạn nhân
Luật sư Trương Thanh Đức
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, quy định này là cần thiết và quan trọng nhất để xác định hành vi BHĐC đúng chuẩn với hành vi BHĐC biến tướng mang tính lừa đảo. Vì vậy, chỉ cần chiếu theo quy định này, bất kỳ DN nào có hành vi vi phạm như trên phải bị xử lý ngay để bảo vệ quyền lợi cho nhiều người dân. Bởi nếu không bắt người tham gia phải nộp tiền cọc trước hay mua hàng hóa thì sẽ không có tình trạng hơn 60.000 người từ khắp vùng thôn quê ở Đắk Lắk đến Thanh Hóa, Thái Nguyên… đã nộp hơn 1.900 tỉ đồng cho Công ty Liên Kết Việt và đến khi cơ quan điều tra vào cuộc thì số tiền này cũng không thể lấy lại được.
Bên cạnh đó, chuyên gia Đinh Thế Hiển cũng nhấn mạnh rằng những quy định xoay quanh chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và nêu rõ thông tin, niêm yết giá về hàng hoá bán ra của các DN BHĐC rất quan trọng. “Chỉ cần vi phạm một trong 2 quy định là yêu cầu người tham gia mua hàng hóa hay đặt cọc hoặc bán hàng không có nguồn gốc rõ ràng với giá cắt cổ thì rõ ràng DN đó có hành vi lừa đảo, phải bị xử lý nghiêm”, chuyên gia Đinh Thế Hiển nói.
Với yêu cầu DN trả thưởng cho người tham gia không quá 10 cấp và phải quy định rõ hoa hồng chi trả cho từng cấp trong dự thảo mới, theo TS Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng, cần nêu rõ hơn về tổng số tiền chi trả hoa hồng, tiền thưởng cho người tham gia vào mạng lưới BHĐC. Bởi trong điều kiện thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt như hiện nay, bình quân lợi nhuận ròng của các DN chỉ khoảng 10 – 15%/năm thì việc hứa hẹn chi trả hoa hồng lên đến hơn 100% hay thậm chí 200% là chuyện quá phi lý.
Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, hoạt động BHĐC tại VN đã có quá nhiều biến tướng và lừa đảo, thông qua việc lấy lợi ích để làm mồi nhử cho nhiều người tham gia. Do đó việc sửa đổi các quy định nhằm đưa hoạt động này vào khuôn khổ là hợp lý. Đặc biệt dự thảo đã mở rộng phạm vi áp dụng và đưa tất cả hoạt động theo phương thức BHĐC, thay cho việc chỉ áp dụng cho các DN đăng ký BHĐC, là phù hợp với thực tế và là cơ sở cao nhất cho việc xử lý những vi phạm có liên quan đến hình thức bán hàng này.
Tăng cường hậu kiểm
Ngoài việc sửa đổi hoàn thiện hành lang pháp lý, các chuyên gia đều khẳng định phải tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đối với BHĐC.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật BASICO, hình thức BHĐC trong thực tế rất dễ phát sinh lừa đảo. Tuy nhiên trong thời gian qua, có nhiều vụ việc cứ nêu ra sai phạm nhưng vẫn để DN đó tiếp tục hoạt động trong một thời gian dài, dẫn đến họ có thời gian tiếp tục mở rộng sự lừa đảo đối với nhiều người. Điều này cho thấy công tác quản lý không đạt yêu cầu, khiến dư luận đặt vấn đề nghi ngờ có sự khuất tất. Vì vậy, khung pháp lý chỉ là công cụ, quan trọng nhất là phải kiểm tra giám sát trong quá trình hoạt động của các DN.
“Hoạt động BHĐC công khai và lôi kéo nhiều người nên khi có hành vi vi phạm cần phải ngăn chặn và lập tức cho dừng hoạt động ngay. Hơn nữa, đây là điển hình của hành vi lừa đảo nên có thể bổ sung thêm vào luật Hình sự trong tội lừa đảo là có hành vi BHĐC trái pháp luật thì sẽ khởi tố ngay mà không cần phải chờ xem xét hay điều tra xác định hậu quả và nạn nhân. Việc quản lý và xử lý hậu kiểm này phải được thực hiện quyết liệt hơn mới ngăn chặn được những kẻ cố tình lừa đảo người dân”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Bùi Quang Tín cũng nhận định trong thời gian qua, công tác quản lý hoạt động BHĐC còn lỏng lẻo và chỉ chạy theo đuôi các DN. Vì vậy để siết chặt hoạt động này nhằm bảo vệ người tiêu dùng, ngoài việc bổ sung về khung pháp lý, cần phải kiểm tra giám sát chặt chẽ hơn đối với hoạt động của từng đơn vị sau khi cấp phép hoạt động BHĐC. Riêng đối với những DN không hoạt động BHĐC nhưng có dấu hiệu BHĐC thì phải kiểm tra, xem xét tới cùng.
Khoảng 500.000 người tham gia vào mạng lưới BHĐC
Tính đến đầu tháng 11.2016, đã có 25 công ty BHĐC bị rút giấy phép và tạm ngừng hoạt động. Hiện tại, số DN hoạt động trong lĩnh vực này chỉ còn 42 so với 67 công ty năm 2015.
Theo thống kê của Bộ Công thương, tính đến giữa năm 2016 có khoảng 500.000 người tham gia mạng lưới BHĐC, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2015; doanh thu của các DN nước ngoài BHĐC là khoảng 1.800 tỉ đồng (chiếm 45% thị phần), doanh thu của các DN trong nước là khoảng 2.200 tỉ đồng (chiếm 55% thị phần). Các DN đã tiến hành chi trả tiền hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác với số tiền gần 712 tỉ đồng cho người tham gia BHĐC.