Nguy cơ chạy đua vũ trang Armenia – Azerbaijan
Tên lửa hiện đại và vũ khí cảm tử không người lái đã xuất hiện trong cuộc kèn cựa giữa Armenia và Azerbaijan, khiến tình hình khu vực thêm trầm trọng.
Nguy cơ chạy đua vũ trang Armenia – Azerbaijan
Tên lửa hiện đại và vũ khí cảm tử không người lái đã xuất hiện trong cuộc kèn cựa giữa Armenia và Azerbaijan, khiến tình hình khu vực thêm trầm trọng.
Không khí căng thẳng đang bao trùm quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan liên quan đến vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh, bất chấp thoả thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian cách đây 22 năm. Bên cạnh các hoạt động vi phạm lệnh ngừng bắn diễn ra liên tục trong thời gian gần đây, hai nước có nhiều động thái cho thấy đang xô đẩy nhau vào cuộc chạy đua vũ trang mới, khiến dư luận bên ngoài hết sức lo ngại.
Theo Bloomberg, Armenia tích cực mua tên lửa đạn đạo Iskander của Nga; trong khi Azerbaijan thừa nhận thử nghiệm thiết bị bay chiến đấu không người lái do Israel cung cấp, đồng thời xúc tiến các thoả thuận vũ khí với Pakistan. “Chúng ta đang đối diện với nguy cơ chạy đua vũ trang có thể làm tăng nguy cơ bùng nổ xung đột nghiêm trọng”, chuyên gia Zaur Shiriyev thuộc Viện Hoàng gia các vấn đề đối ngoại (Anh) nhận định.
Điểm nóng xung đột
Hồi tháng 4, tại Nagorno-Karabakh đã bùng nổ đợt giao tranh ác liệt nhất kể từ sau thoả thuận ngừng bắn năm 1994. Từ ngày 2 – 5.4, Armenia và Azerbaijan điều động hàng trăm xe tăng, chiến đấu cơ, trực thăng quân sự và đại pháo cùng nhiều khí tài khác để oanh kích qua lại. Hậu quả là hơn 200 binh sĩ và nhiều dân thường của cả hai bên thiệt mạng. Sau đó, Azerbaijan tuyên bố giành lại quyền kiểm soát một số ngọn đồi ở đông nam Nagorno-Karabakh bị mất trong cuộc chiến 1988 – 1994.
Đến nay, dù xung đột đã phần nào tạm lắng nhưng Baku và Yerevan vẫn liên tục lên án nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Ngày 16.11, trang tin Trend News Agencydẫn tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc lực lượng Armenia đã “59 lần vi phạm lệnh ngừng bắn” dọc theo giới tuyến ở Nagorno – Karabakh bằng súng máy cỡ nòng lớn và súng cối 60 – 82 mm.
Cũng trong cuộc xung đột hồi tháng 4, lần đầu tiên giới quan sát phát hiện Azerbaijan sử dụng thiết bị bay cảm tử không người lái. Cụ thể, thiết bị bay lắp chất nổ đâm vào một xe buýt chở “quân tình nguyện” từ Armenia đến để chi viện cho lực lượng địa phương tại Nagorno-Karabakh.
Giới truyền thông loan tin vũ khí này chính là thiết bị bay Harop do Israel sản xuất, nhưng cả Baku và Tel Aviv khi đó đều từ chối bình luận. Tuy nhiên đến tháng 9, Azerbaijan tuyên bố sẽ chế tạo hàng trăm thiết bị bay đánh bom cảm tử với công nghệ Israel.
Ngoài ra, ngày 12.11, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đích thân thị sát các đơn vị đồn trú tại khu vực những ngọn đồi vừa giành được hồi tháng 4. Sau đó, ông tuyên bố nước này đã mua các lô vũ khí hiện đại trị giá hàng tỉ USD để phục vụ kế hoạch hiện đại hóa quân đội, đồng thời khẳng định sẽ lấy lại quyền kiểm soát Nagorno – Karabakh, theo Bloomberg.
Tăng tốc quân sự
Azerbaijan, nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ ba trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), đang ra sức tận dụng nguồn thu từ dầu khí để phục vụ ý định trở thành cường quốc quân sự trong khu vực. Trong thập niên qua, nước này trở thành một trong những khách hàng vũ khí chính của châu Âu lẫn Israel. Chỉ tính riêng năm 2015, chính quyền Baku đã chi đến 22,7 tỉ USD cho tăng cường sức mạnh quốc phòng, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm.
Mặt khác, tuy Nga là đồng minh lớn nhất của Armenia nhưng Azerbaijan cũng mua vũ khí của nước này thông qua Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể, theo tờ Vedomosti. Hôm 11.11, Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã tổ chức cuộc tập trận kéo dài đến 18.11 với một trong những nội dung chủ yếu là diễn tập triển khai sử dụng hệ thống phòng không S-300 do Moscow sản xuất.
Có quy mô được đánh giá là lớn nhất trong 10 năm qua, cuộc tập trận quy tụ hơn 60.000 quân, hơn 50 máy bay và trực thăng, 150 xe tăng và thiết giáp cùng 700 hệ thống tên lửa. Đồng thời, quân đội nước này cảnh báo sẵn sàng rót hàng ngàn tên lửa về phía Armenia trong trường hợp đối thủ ra tay trước.
Về phần mình, Armenia cũng cấp tập tăng cường quân sự, chủ yếu nhờ sự hỗ trợ từ Nga. Trong lễ diễu binh hồi tháng 9 ở thủ đô Yerevan, quân đội Armenia trình làng các khẩu đội tên lửa đạn đạo siêu thanh Iskander, tầm bắn 500 km. Chỉ cần bố trí tên lửa này tại Nagorno-Karabakh, Armenia đã có thể đặt nhiều tuyến khai thác dầu khí quan trọng của Azerbaijan vào tầm ngắm.
Ngoài ra, theo Interfax, Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 12.11 thông qua đề xuất thành lập lực lượng vũ trang chung với Amernia. Trong số các sứ mệnh được liệt kê của lực lượng này có mục tiêu đảm bảo an ninh biên giới giữa hai nước và các hoạt động trong phạm vi của Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể.
Nagorno – Karabakh là vùng lãnh thổ nằm gần biên giới Armenia và Azerbaijan. Khu vực có đến 80% dân số là người Armenia này tuyên bố ly khai khỏi Azerbaijan từ năm 1991 nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận. Tranh chấp liên quan đến Nagorno – Karabakh đã dẫn tới cuộc chiến giữa hai nước kéo dài từ tháng 2.1988 đến tháng 5.1994, khiến 30.000 người thiệt mạng và 1 triệu người phải tha hương.
Hiện ngoài thỏa thuận ngừng bắn năm 1994, hai bên vẫn chưa đạt được hiệp ước hòa bình bất chấp các cuộc đàm phán đa phương với sự tham gia của Nga, Mỹ và Pháp. Armenia là đồng minh thân thiết và đang cho Nga đặt căn cứ quân sự. Trong khi đó, Azerbaijan có quan hệ gần gũi với Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là khách hàng mua vũ khí của Nga.
|
Thuỵ Miên