01/11/2024

Tự tạo cơ hội: Kiếm tiền từ nuôi nhím, hươu, nai

Tình cờ một lần nghe đài, biết thông tin con nhím dễ nuôi, lại cho thu nhập cao, phù hợp thổ nhưỡng địa phương nên ông Giảng Văn Nhản ở tỉnh Trà Vinh bỏ nuôi heo, nuôi bò, chuyển sang nuôi nhím rồi thêm hươu và nai.

 

Tự tạo cơ hội: Kiếm tiền từ nuôi nhím, hươu, nai

Tình cờ một lần nghe đài, biết thông tin con nhím dễ nuôi, lại cho thu nhập cao, phù hợp thổ nhưỡng địa phương nên ông Giảng Văn Nhản ở tỉnh Trà Vinh bỏ nuôi heo, nuôi bò, chuyển sang nuôi nhím rồi thêm hươu và nai.




Ông Nhản đang chăm sóc đàn nhím và hươu nai /// Ảnh: Nguyên Đạt

 

 

Ông Nhản đang chăm sóc đàn nhím và hươu naiẢNH: NGUYÊN ĐẠT

 

Ông Giảng Văn Nhản (72 tuổi, ngụ ấp Hội An, xã Hoà Tân, H.Cầu Kè, Trà Vinh) kể trước đây gia đình ông làm ruộng, trồng cây ăn trái nhưng thường xuyên gặp cảnh trúng mùa rớt giá nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Ông chuyển qua nuôi heo, bò cũng lỗ, phải bán hết đàn để trang trải nợ nần.
Năm 2012, thông qua người con làm việc tại TP.HCM, ông đến một trại nuôi động vật hoang dã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật và quyết định gom hết vốn đầu tư làm chuồng, mua 5 cặp nhím về nuôi thử. “Sau khi tham quan, tìm hiểu tôi thấy nhím nuôi không cần diện tích chuồng lớn, thức ăn rất dễ tìm, ít bị dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp. Chỉ cần chăm sóc tốt, cho ăn đầy đủ, vệ sinh chuồng sạch sẽ… thì nhím sẽ rất mau lớn và sinh sản nhiều”, ông Nhản kể thêm.
Tận dụng chuồng heo cũ, ông xây tường cao lên. Trong chuồng chia thành nhiều ô, mỗi ô diện tích 1,5 m2, cao 1 m, vách ngăn các ô làm bằng lưới sắt. Nhím là loại ăn tạp nên ông tận dụng các sản phẩm nông nghiệp như: rau, củ, quả, cám, gạo, bắp… Nhím con từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành khoảng 10 tháng, trọng lượng đạt từ 8 – 10 kg. Bình quân mỗi tháng nhím tăng trọng khoảng 1 kg. Sau thời gian mang thai 3 tháng, nhím sinh sản, mỗi năm sinh 2 lần. Nhím con từ lúc sinh ra đến khi biết ăn và bán được cho người nuôi phải từ 2 – 3 tháng.
Ông Nhản cho biết nuôi nhím không tốn nhiều thời gian. Mỗi ngày chỉ rửa chuồng 1 lần và cho nhím ăn 2 lần vào buổi sáng, chiều. Thức ăn đơn giản, dễ kiếm nên không tốn nhiều chi phí. Nhím ít khi mắc bệnh, lâu lâu bị tiêu chảy nhưng sẽ tự khỏi sau 1 – 2 ngày. Tuy nhiên, người nuôi nên rải vôi bột để tiêu độc, sát trùng chuồng mỗi tháng 2 lần. Nhím rất sợ nước nên khi rửa chuồng không để ướt nhím. Chuồng nuôi nhím phải thiết kế nửa sáng, nửa tối, trong chuồng nuôi phải có cục đá để nhím mài răng. Từ khi nuôi cho đến nay, ông Nhản đã bán được hơn 10 cặp nhím giống với giá 15 triệu đồng/cặp.
Sau khi thành công với con nhím, ông Nhản tiếp tục nuôi thêm hươu, nai và rất thành công. “Tìm hiểu kỹ thấy hươu, nai cũng dễ nuôi, thức ăn dễ tìm nên tôi quyết định đầu tư hết vốn tích luỹ ra tận Hưng Yên mua 4 con nai, 4 con hươu về làm chuồng để nuôi. Mục đích khi nuôi nai, hươu là để chúng sinh sản bán giống, ngoài ra còn có thể lấy nhung bán”, ông Nhản nói.
Lứa hươu, nai đầu tiên nuôi chưa đến 1 năm đã sinh sản. Sau đó khoảng 7 tháng chúng đẻ 1 lần, cứ thế ông để lại nhân đàn. Ngoài ra, ai có nhu cầu thì ông chia lại con giống với giá 40 – 45 triệu đồng/cặp nai và 30 – 35 triệu đồng/cặp hươu. Thức ăn cho 2 loài vật nuôi này cũng dễ như cỏ, lá cây… mà ông có thể tìm xung quanh nhà, nên không tốn chi phí thức ăn, chỉ tốn công chăm sóc. Tuy nhiên, chuồng nuôi hươu, nai phải làm chắc chắn, chú ý phòng ngừa bệnh tiêu chảy. Nếu muốn làm giống thì khi chúng đẻ ra phải làm dấu để sau này phối giống không trùng huyết, lúc con mẹ có thai không nên cho ăn nhiều chúng đẻ khó, sau đó sẽ bồi dưỡng sau.
Nhờ nuôi thêm hươu, nai đã tạo thêm thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm từ bán giống và nhung. Hiện trong chuồng của ông Nhản đang có 9 con nai, 10 con hươu. Khi người nuôi đến mua con giống sẽ được ông tận tình chỉ kỹ thuật nuôi, cách lấy nhung đồng thời ông bao tiêu luôn đầu ra. Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu về mô hình nuôi nhím, hươu, nai, có thể liên hệ với ông Nhản qua số điện thoại: 01658050804.

 

Nguyên Đạt