27/12/2024

Học từ cuộc sống

Có một thầy giáo bỏ những cuộc hẹn tuổi trẻ, rong ruổi cùng học sinh từ bệnh viện, bến xe đến hẻm nhỏ, xóm nghèo… để tạo dựng những bài học trải nghiệm cuộc sống.

 

Học từ cuộc sống

Có một thầy giáo bỏ những cuộc hẹn tuổi trẻ, rong ruổi cùng học sinh từ bệnh viện, bến xe đến hẻm nhỏ, xóm nghèo… để tạo dựng những bài học trải nghiệm cuộc sống.


 

 

 

 

Tiết học đầy hứng thú của thầy Đức AnhẢNH: X.P

 

Nhờ đưa thực tế cuộc sống vào bài học, những tiết dạy văn của thầy Đỗ Đức Anh (28 tuổi), Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM luôn tạo sự hứng thú, yêu thích cho học trò.
Sáng tạo không ngừng
Trong tiết văn của lớp 10A2, với bài học về truyền thuyết An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thuỷ, thầy Đức Anh đã tổ chức thành… phiên toà giả định để học sinh (HS) lần lượt vào vai bị cáo, thẩm phán, luật sư, công tố viên… Qua đó các em được nói lên suy nghĩ của mình về tác phẩm ở nhiều khía cạnh khác nhau như tình yêu đôi lứa, tình yêu dân tộc, đất nước…
Không những vậy, thầy Đức Anh còn sáng tạo ra nhiều tiết dạy khác cũng theo hướng mới, để HS được trải nghiệm theo kiểu nhập vai. Có thể kể như trong bài Chiếc thuyền ngoài xa, thay vì giảng dạy theo cách thông thường, người thầy này đã tổ chức cho HS một buổi họp báo ra mắt phim.
Học từ cuộc sống - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Mong ước gì về thầy cô?

Thầy cô giáo, trong suy nghĩ của mọi thế hệ người Việt, gắn liền với những điều cao đẹp, đáng để tôn kính. Nhưng dường như ngày nay hình ảnh của thầy cô không còn lung linh như trước. 


Hoặc có khi thầy thiết kế tiết học mô phỏng theo chương trình Thay lời muốn nói để lắng nghe những chia sẻ, cảm nhận của HS về tác phẩm. Hay tổ chức “hỏi xoáy đáp xoay” trong các bài học để HS có nhiều góc nhìn và bộc lộ quan điểm.
Cũng có khi người thầy sáng tạo này lại tổ chức buổi ra mắt sản phẩm bằng hình thức làm phim quảng cáo cho bài Viết quảng cáo, hoặc biến tiết học thành một sân khấu của cuộc thi hùng biện cho bài Trình bày một vấn đề…
Đặc biệt nhất trong những phương pháp dạy học sáng tạo của Đức Anh có lẽ là dự án “Học văn từ cuộc sống”. Thầy Đức Anh cho biết đây là phương pháp học tập mới, tạo ra sự kết nối giữa sách vở và đời sống thực tế. Theo đó, HS được tập huấn, thực hành về các kỹ năng chụp ảnh để cho ra đời những bức ảnh giàu tính biểu cảm, được rèn luyện những kỹ năng như phỏng vấn, viết bản tin, giao tiếp, xử lý tình huống, làm việc nhóm, trình bày một vấn đề, làm phim, thiết kế quảng cáo…
Học từ cuộc sống - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Thầy giáo điển trai chế tạo thiết bị chống trộm xe

Để góp phần làm giảm những vụ mất trộm xe máy, Võ Quang Thu (giảng viên trẻ của Khoa Cơ điện – Điện tử, Trường ĐH Lạc Hồng, Đồng Nai) đã cho ra đời bộ sản phẩm chống trộm cho xe máy có tên là LH Smart Motor.  


Thầy Đức Anh còn giao cho HS những chủ đề như Nỗi đau màu mặt trời, để HS nói về các nạn nhân chất độc da cam, Lá vàng ngược gió nhằm giúp HS hiểu hơn về cuộc sống của những cụ già neo đơn mưu sinh nhọc nhằn giữa Sài Gòn…
Mỗi nhóm HS được phân vào những vai cụ thể gắn liền với nhiệm vụ của mình: phóng viên trẻ, người kể chuyện, người thiết kế mỹ thuật, nhà hoạt động xã hội, người khảo sát, người thuyết trình, nhiếp ảnh gia, đạo diễn, thư ký trường quay, nhà sản xuất phim…
Để học sinh không quay lưng với những giờ học
Trước khi đến với bục giảng, Đức Anh là nhà văn trẻ với nhiều tập truyện được yêu thích như: Không phải ma đâu, Những sắc màu của gió, Hãy im lặng và hôn em đi… Anh nghĩ rằng nếu một nhà văn cứ viết hoài một câu chuyện thì độc giả sẽ không thích. Và tương tự, nếu một giáo viên cứ dạy hoài một bài theo một kiểu, thì HS rất dễ nhàm chán.
“Vì thế, tôi tự đặt ra cho mình một cách tiếp cận tri thức mới. Tôi muốn HS học những tiết học của tôi với nhiều cảm xúc như xem một bộ phim hay. Ở đó các em được khóc, được cười và được sống với chữ nghĩa văn chương chứ không phải những trang giấy chết cứng”, Đức Anh chia sẻ.
Học từ cuộc sống - ảnh 3

TIN LIÊN QUAN

Thầy giáo tự tạo bể bơi di động tặng học sinh

Đau lòng trước tình trạng học sinh (HS) chết vì đuối nước, thầy giáo Ngô Minh Thanh (chuyên viên Phòng Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT Nghệ An) đã tự tạo bể bơi di động, với kinh phí chỉ hơn 10 triệu đồng.


Và rồi, giáo viên trẻ này xem bục giảng như là sân khấu và biến mỗi một bài giảng thành một chương trình, để HS cảm thấy thích thú.
Hằng ngày, thầy Đức Anh tự mày mò, biến giáo án thành một kịch bản lên lớp, với suy nghĩ phải cố gắng tạo nên những tiết dạy thú vị nhất, hay nhất, thu hút được HS, cho HS cơ hội phát huy lối suy nghĩ riêng, tư duy phản biện, và được học nhiều kỹ năng, tạo ra nhiều sản phẩm (bài báo, phim, phóng sự, sách…) chứ không chỉ là một bài văn với vài trang giấy.
Học từ cuộc sống - ảnh 4

Thầy giáo Đỗ Đức Anh


Với những cách dạy văn sáng tạo này, hầu hết HS từng học thầy Đức Anh đều tỏ ra thích thú khi nhận xét: “Học không nhàm chán”, “Chưa bao giờ thích học văn đến thế”, “Không phải chỉ lắng nghe, ghi chép, mà sẽ có cơ hội được phát biểu, trình bày chính kiến của bản thân”…
Thầy Đức Anh chia sẻ: “Tôi cảm thấy hạnh phúc vì nhiều trái tim héo rũ trong giờ văn như được tưới tắm bằng một thứ nước mát trong, len lỏi trong tâm hồn các em. Tôi thấy các em cười nhiều hơn, nghĩ nhiều hơn và chịu học văn hơn. Tôi tin mình đã gọi được các em trở lại khi mà nhiều em bây giờ quay lưng với môn học “sến như con hến” này”.
Khi được hỏi với cách dạy bằng những phương pháp độc đáo, tạo nên những tiết dạy khá lạ như thế liệu có ảnh hưởng đến thời lượng môn tiết học, thầy Đức Anh thừa nhận: “Ảnh hưởng rất nhiều, phải cân đối lại giờ dạy theo phân phối chương trình, thậm chí xin giờ, xin tiết”.
Đề cập đến việc hiện nay có không ít giáo viên dạy học chưa thu hút được HS, khiến HS chán ngán, thậm chí thường xuyên bỏ tiết, thầy giáo trẻ này chia sẻ: “Muốn HS không quay lưng với những giờ dạy thì giáo viên hãy thay đổi chính bản thân, hãy sáng tạo không ngừng. Hãy giảng bài bằng cả trái tim của người trồng hoa trên mảnh vườn tri thức. Hãy là một người thầy dí dỏm trong những kiến thức mình gieo trồng, và phải luôn luôn mới mẻ và sáng tạo trong từng tiết dạy”.


 

Xuân Phương