Tự tạo cơ hội: Làm giàu từ lúa giống
Ông Nguyễn Văn Đức ở Tiền Giang suy nghĩ nếu chỉ trồng lúa như đa số nông dân ở xứ ông thì khó làm giàu, cho dù mỗi năm làm 3 vụ. Thế là ông chuyển sang trồng lúa giống, giá bán cao hơn.
Tự tạo cơ hội: Làm giàu từ lúa giống
Ông Nguyễn Văn Đức ở Tiền Giang suy nghĩ nếu chỉ trồng lúa như đa số nông dân ở xứ ông thì khó làm giàu, cho dù mỗi năm làm 3 vụ. Thế là ông chuyển sang trồng lúa giống, giá bán cao hơn.
Khởi đầu từ 0,8 ha ruộng của gia đình để lại, ông Đức (68 tuổi, ngụ ấp Bắc, xã Tân Phú, TX.Cai Lậy, Tiền Giang) tích lũy và mua thêm 0,5 ha vườn và 1,4 ha ruộng. Khi cán bộ Viện Lúa ĐBSCL tới địa phương mở lớp tập huấn kỹ thuật nhân lúa giống, ông liền đăng ký tham dự. Học xong, ông nhận giống nguyên chủng từ Viện Lúa ĐBSCL đem về nhân ra trên mảnh ruộng của mình rồi giao lại cho Trung tâm giống Tiền Giang.
Ông Đức cho biết những năm đầu ông chủ yếu nhân giống IR-50404, bởi đây là giống lúa đa số nông dân trong vùng thích làm, do đặc điểm năng suất cao, nấu cơm gạo nở. Làm được hơn 10 năm, đến năm 2012, ông tách ra làm tổ lúa giống riêng. Hiện tổ lúa giống của ông có 14 thành viên tham gia, canh tác tổng cộng 16 ha, mỗi năm làm 3 vụ, nhưng lúa giống làm ra vẫn không đủ cung ứng cho khách hàng ở nhiều tỉnh như Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh, Đồng Nai…
Với năng suất bình quân 8 tấn, riêng vụ đông xuân một số giống lúa có thể đạt tới 10 tấn/ha, ông Đức cho biết mỗi vụ tổ giống của ông cung cấp ra thị trường khoảng 130 tấn giống xác nhận. Tổng cộng mỗi năm trên 300 tấn và riêng năm 2016 hơn 400 tấn. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông còn dư 300 – 400 triệu đồng. Khác với lúa thường, lúa giống sau khi sơ chế xong (sấy khô, quạt sạch) thì 10 tấn hao hụt chỉ còn khoảng 8 tấn. Nhưng bù lại giá trị tăng gấp đôi. Ví dụ giá lúa thường là 5.000 đồng/kg thì lúa giống 10.000 đồng/kg, giao tận nơi cho khách hàng. Việc giao dịch, mua bán chủ yếu qua điện thoại, tiền thanh toán qua tài khoản.
Điều trăn trở đối với ông Đức là lâu nay tổ nhân giống của ông chủ yếu cung cấp giống cho các tỉnh xa. Trong khi đa số bà con nông dân ở vùng Cai Lậy, Cái Bè quê ông vẫn còn thói quen canh tác giống IR-50404, mặc dù giống lúa này đã thoái hóa, nhưng nông dân lại không chuộng các giống lúa hạt dài. Lý do là giống IR-50404 cho năng suất cao, dễ canh tác, nhưng ngược lại giá bán thấp, không xuất khẩu được, vì hạt gạo tròn và cứng cơm. Cũng chính vì vậy mà ĐBSCL mặc dù là nơi sản xuất lúa gạo, nơi làm ra hàng triệu tấn gạo xuất khẩu mỗi năm, nhưng bữa cơm trong các gia đình nông dân khó mà có được nồi cơm với gạo hạt dài, thơm, dẻo. Ngay cả các quán ăn dọc quốc lộ hoặc trong thành phố cũng vậy, chủ yếu là gạo IR-50404.
Đối với những hộ nông dân tham gia sản xuất lúa giống, ông Đức cho biết ngoài việc được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, ngay từ đầu vụ mỗi héc ta sẽ nhận được 100 kg lúa giống và 2 triệu đồng tiền phân bón, đến cuối vụ trả lại, không tính lãi. Từ 14 hộ nông dân tham gia ban đầu, tổ lúa giống của ông Đức hiện có 20 thành viên. Ông Đức cũng vừa nhận Huân chương Lao động hạng ba do Chủ tịch nước tặng.
Ông Đức sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân qua số điện thoại: 0908204900.
Phương Hà – Gia Bảo