Dù có thể được quyền trả lương cao, tuyển dụng giảng viên giỏi khi theo mô hình tự chủ toàn diện, nhưng do vẫn tồn tại nhiều vướng mắc nên sau hơn một năm mới có hơn 10 trường ĐH công lập thực hiện, đa số các trường còn ngần ngại.
Tự chủ vẫn ’xin – cho’
Dù có thể được quyền trả lương cao, tuyển dụng giảng viên giỏi khi theo mô hình tự chủ toàn diện, nhưng do vẫn tồn tại nhiều vướng mắc nên sau hơn một năm mới có hơn 10 trường ĐH công lập thực hiện, đa số các trường còn ngần ngại.
Lương giảng viên gần 30 triệu đồng/tháng
Trong báo cáo Chính phủ tháng 7 vừa qua, các trường ĐH đã có những tổng kết cho thấy sự thay đổi sau thực hiện tự chủ toàn diện.
Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết nhờ mô hình này trường có điều kiện để thực hiện chính sách thu hút và giữ chân nguồn lao động chất lượng cao từ nước ngoài về làm việc. Trường xây dựng quy chế chi trả lương hằng tháng cho giảng viên với 3 nhiệm vụ: giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ sinh viên. Từ mức lương trên 11,4 triệu đồng/tháng năm 2008, lương giảng viên tăng liên tục và đạt mức trên 29 triệu đồng/tháng vào năm 2015. Với giảng viên nước ngoài và Việt kiều, trường có chính sách chi trả riêng từ 35 – 44 triệu đồng/tháng (học vị tiến sĩ), 39 – 52 triệu đồng/tháng (học hàm phó giáo sư) và 47 – 64 triệu đồng/tháng (giáo sư). Vì vậy, theo thống kê từ trường này, trong số 163 giảng viên có hơn 30% tốt nghiệp từ các nước châu Á, châu Âu trên 26%, châu Mỹ và châu Úc cùng ở mức 21%.
Tự chủ lẽ ra phải là điều bình thường của giáo dục ĐH nhưng thực tế từ nhiều năm nay nhiều trường sợ… tự chủ.
Dù mới chỉ một năm thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ nhưng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã có những kết quả rõ rệt. Trong đó, số giảng viên tiến sĩ tăng thêm 32,5% so với năm 2014. Nguồn kinh phí cho tái đầu tư phục vụ dạy học cũng tăng rõ rệt. Cụ thể, trong năm 2015, trường đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy trên 30 tỉ đồng (tăng 62% so với 2014) và chi hơn 11 tỉ đồng sửa chữa cơ sở vật chất dạy học.
Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong năm đầu tiên thực hiện tự chủ đã đầu tư trên 10 tỉ đồng cho thay đổi chương trình đào tạo và mua giáo trình nước ngoài. Dự kiến, từ năm sau trường sẽ đầu tư kinh phí xây dựng khuôn viên mới, tập trung rộng hơn 11 ha tại H.Bình Chánh, thay vì rải rác 10 cơ sở manh mún như hiện nay.
Hoạt động nghiên cứu khoa học tăng mạnh là chuyển biến rõ rệt ở các trường được tự chủ. Công bố khoa học Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm học 2015 – 2016 tăng 23,6% so với năm trước đó. Cũng tại trường này, lực lượng giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học tăng 7,4% và doanh thu nghiên cứu khoa học tăng 25,8% so với năm 2014. Điều này cũng thấy rất rõ qua một trường ĐH khác tại TP.HCM, từ con số 0 về công bố quốc tế trên tạp chí ISI năm 2010 đã tăng gấp đôi ở mỗi năm kế tiếp và đạt mức 113 bài nghiên cứu vào năm 2015.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phải thay đổi căn bản và toàn diện nền giáo dục. Trong đó, thực hiện tự chủ đại học (ĐH) sẽ góp phần nâng chất lượng đầu ra…
Vướng mắc cách làm cũ
Theo lãnh đạo một trường ĐH đang thực hiện tự chủ hoàn toàn, Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 – 2017 còn vướng mắc lớn nhất là chưa triển khai đến các bộ ngành liên quan. Nội dung của nghị quyết này chưa được điều chỉnh ở các văn bản pháp quy tương thích, nên khi giải quyết vấn đề xảy ra vẫn tiếp tục viện dẫn theo các quy định hiện hành. Do vậy, dù quy định mới cho phép các trường tự chủ toàn diện thì bộ, ngành vẫn yêu cầu thực hiện theo quy định hiện hành, tức quay trở lại với cách làm cũ. Lãnh đạo này lấy ví dụ trường tuyển dụng và ký hợp đồng dài hạn với chuyên gia nước ngoài nhưng phải trải qua thủ tục hành chính xin giấy phép lao động phức tạp và phiền hà. Đây chính là rào cản cho việc thu hút nhân lực cấp cao từ bên ngoài.
Trong báo cáo gửi Chính phủ, Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM cũng có đề xuất tương tự: “Việc chưa có nghị định riêng về cơ chế tự chủ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nên trường gặp không ít lúng túng và mỗi lần thực hiện vẫn phải hỏi ý kiến của Bộ GD-ĐT khi mở ngành đào tạo, cấp phát văn bằng, liên kết đào tạo nước ngoài…”.
Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, một trong những bài học sâu sắc nhất đối với ngành GD-ĐT thời gian qua là phải biết lắng nghe các phản biện xã hội.
Trong khi đó, những trường chưa chuyển đổi sang mô hình tự chủ lại có những băn khoăn khác. Theo đại diện một trường ĐH có đào tạo ngành sư phạm, thì dù chuyển qua tự chủ cũng không thể bắt buộc sinh viên phải đóng toàn bộ chi phí đào tạo vì người học ra trường làm việc trong môi trường hạn hẹp hơn và đa số sử dụng cho nhà nước. Vì vậy, nhà nước vẫn cần bỏ chi phí để chi trả suất đầu tư đào tạo, sinh viên có thể phải trả 40 – 50% học phí nhưng cần được hỗ trợ vay với lãi suất thấp. Chỉ như vậy trường mới dám chuyển sang tự chủ hoàn toàn.
Còn PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng không lo ngại việc bị cắt giảm chi phí ngân sách khi chuyển sang tự chủ. Ông Dũng lý giải, hiện nay mỗi năm trường được nhà nước cấp 55 tỉ đồng, tuy nhiên nếu chuyển sang tự chủ học phí tăng từ 7 lên 17 triệu đồng/sinh viên/năm thì với quy mô 4.500 sinh viên/năm tổng thu của trường sẽ tăng gấp 3 lần. “Lo lắng nhất của các trường ĐH công hiện nay vẫn là việc sinh viên phải đóng học phí cao. Tự chủ ĐH sẽ là con dao hai lưỡi nếu không có người học, số lượng sinh viên giảm dần. Vì vậy nếu không có chính sách cho sinh viên vay lãi suất thấp hoặc không lãi thì có thể dẫn đến nguy cơ khủng hoảng ĐH thời tự chủ, nhất là với các trường chất lượng chưa cao mà thu học phí cao, vì không thu hút được người học”, ông Dũng nói.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu từng trường đại diện cho các nhóm vấn đề nêu lên những vướng mắc, trên cơ sở đó yêu cầu các bộ, ngành liên quan đề xuất giải pháp tháo gỡ ngay lập tức.
Đẩy mạnh thực hiện tự chủ thực chất
Cuối tuần qua, tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam một lần nữa nhấn mạnh đến tự chủ ĐH. Phó thủ tướng cho rằng khái niệm tự chủ từng bị hiểu lầm là tự chủ tài chính, tức nhà nước không cấp tiền cho trường. Tuy nhiên, bản chất thực sự của tự chủ là tự quản và bỏ chủ quản từ Bộ chủ quản, còn ngân sách nhà nước không thể không tiếp tục đầu tư cho giáo dục, trong đó có giáo dục ĐH.
Phó thủ tướng cho rằng các trường thực hiện mới chỉ là những bước ban đầu của tự chủ, cần phải tiếp tục đẩy mạnh tự chủ cho thực chất và không nửa vời. Không chỉ nhà trường tự chủ mà cần đẩy tự chủ tới từng khoa, từng bộ môn và từng giảng viên. Đặc biệt là coi trọng vai trò của các bộ môn, tính sáng tạo và chủ động của từng giảng viên. Để làm được điều này, trường cần xây dựng quy chế hoạt động rất cụ thể trên tinh thần phát huy dân chủ thực sự cả về chuyên môn, tổ chức nhân sự và tài chính; đồng thời công khai để toàn xã hội biết và giám sát.