25/12/2024

Trường CĐ, TCCN sư phạm ‘về’ đâu?

Đến 31.12 là kết thúc giai đoạn chuyển giao quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, các trường CĐ, TCCN sẽ do Bộ LĐ-TB-XH quản lý về mặt chuyên môn.

 

Trường CĐ, TCCN sư phạm ‘về’ đâu?

Đến 31.12 là kết thúc giai đoạn chuyển giao quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, các trường CĐ, TCCN sẽ do Bộ LĐ-TB-XH quản lý về mặt chuyên môn.




Các trường CĐ sư phạm vẫn thuộc quản lý của Bộ GD-ĐT  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Các trường CĐ sư phạm vẫn thuộc quản lý của Bộ GD-ĐTẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Vấn đề đặt ra là các trường sư phạm cũng như khối trường đặc thù khác như y tế sẽ thuộc bộ nào? 

Theo con số thống kê mà Bộ GD-ĐT bàn giao cho Bộ LĐ-TB-XH, cả nước có 234 trường CĐ, 303 trường TCCN. Có 33 trường CĐ sư phạm (gồm 3 trường thuộc Bộ GD-ĐT và 30 trường thuộc các UBND địa phương) đang đào tạo 408 ngành giáo viên. Ngoài ra, còn có 24 trường CĐ đa ngành phát triển từ gốc trường sư phạm hiện đào tạo 139 ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên. Trong khối các trường TCCN thì có 2 trường trung cấp sư phạm và 41 trường trung cấp đa ngành (chưa kể 40 trường CĐ và 8 trường ĐH đang đào tạo ngành sư phạm trình độ TCCN). 

 
 
Trường CĐ, TCCN sư phạm ‘về’ đâu? - ảnh 1
Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục thực hiện chức năng quản lý nhà nước với 33 trường CĐ và 2 trường TCCN sư phạm
Trường CĐ, TCCN sư phạm ‘về’ đâu? - ảnh 2
 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga
 


Một trường hai bộ
Trả lời phóng viên Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT sẽ bàn giao nguyên trạng chức năng quản lý nhà nước đối với trường CĐ, TCCN và trình độ đào tạo này ở các trường ĐH cũng như các cơ sở giáo dục khác. Nhưng riêng 35 trường sư phạm (33 CĐ và 2 TCCN), Bộ GD-ĐT không bàn giao mà sẽ tiếp tục thực hiện chức năng quản lý nhà nước với những trường này. “Còn với những trường CĐ, TCCN đa ngành nhưng trong đó có đào tạo lĩnh vực giáo viên, tuy sẽ thuộc quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB-XH nhưng các hoạt động liên quan tới đào tạo sư phạm, chẳng hạn như quản lý ngành đào tạo, quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo, chuẩn đầu ra, tiêu chuẩn giảng viên sẽ phải tuân theo các quy định của Bộ GD-ĐT. Khi Bộ GD-ĐT tiến hành quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm chắc chắn phải tính toán đến cả các ngành sư phạm trong các trường CĐ, TCCN do Bộ LĐ-TB-XH quản lý”, ông Ga cho biết.


Còn ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo Bộ Y tế, cho rằng mối quan tâm của bộ này dành cho các trường CĐ, TCCN y dược hoặc có đào tạo y dược sẽ tiếp tục như khi Bộ GD-ĐT còn quản lý nhà nước đối với khối trường CĐ, TCCN. “Dù ở bộ nào thì Bộ Y tế vẫn sẽ phải có trách nhiệm quan tâm tới chất lượng đào tạo nhân lực ngành y dược và chăm sóc sức khỏe. Vì thế, chắc chắn lãnh đạo Bộ Y tế sẽ có những buổi làm việc với Bộ LĐ-TB-XH để đề xuất các giải pháp kiểm soát chất lượng các ngành này”, ông Lợi nói.
Tương lai nào cho trường CĐ sư phạm?
Tại tọa đàm về tương lai của các trường CĐ sư phạm diễn ra vào ngày 9.11, ông Trần Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Nghệ An, đặt vấn đề: “Theo Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đến năm 2020 giáo viên phổ thông phải có trình độ ĐH. Vậy trường CĐ sư phạm đào tạo ai? Có thể hiểu rằng đến năm 2020, nếu không còn các chương trình bồi dưỡng giáo viên thì sứ mệnh trường CĐ sư phạm chấm dứt?”.


Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Uỷ viên thường trực Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, chia sẻ thông tin về chủ trương quy hoạch lại các trường sư phạm của Bộ GD-ĐT. Theo đó, nhà nước chỉ giữ lại một số cơ sở đào tạo đảm bảo chất lượng và phù hợp với nhu cầu, đồng thời sẽ tìm kiếm giải pháp đồng bộ sắp xếp các cơ sở đào tạo sư phạm thuộc diện dôi ra như: sáp nhập với các cơ sở đào tạo khác, thành lập trường cộng đồng đào tạo đa ngành, chuyển đổi thành phân hiệu của các trường ĐH khác. Ông Khuyến cảnh báo: “Chủ trương này là dấu hiệu đáng lo ngại, đặc biệt đối với sự tồn vong của các trường CĐ sư phạm”.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện 35 trường sư phạm (33 CĐ và 2 TCCN), 19 trường CĐ có khoa sư phạm với chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm là khoảng trên dưới 25.000 sinh viên.
Trường CĐ, TCCN sư phạm ‘về’ đâu? - ảnh 5

TIN LIÊN QUAN

Bộ LĐ-TB-XH chính thức quản lý giáo dục nghề nghiệp

Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị quyết về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2016. Trong đó, Thủ tướng đã chính thức giao cho Bộ LĐ-TB-XH là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.


Lo chậm ban hành quy chế liên thông mới
Một vấn đề khác mà Bộ LĐ-TB-XH hiện còn ngần ngại là đào tạo liên thông TCCN-CĐ-ĐH. Hiện 2 bộ đã thống nhất những học sinh, sinh viên TCCN, CĐ tuyển sinh từ năm 2016 trở về trước nếu đủ điều kiện sẽ học liên thông lên ĐH, nếu có nguyện vọng. Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh chỉ tiêu liên thông của các trường ĐH để có thể tuyển sinh đào tạo liên thông TCCN-CĐ-ĐH cho các đối tượng này.
Việc đào tạo liên thông đối với học sinh, sinh viên thuộc giáo dục nghề nghiệp tuyển từ năm 2017 trở đi sẽ thực hiện theo quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ. Đây sẽ là quyết định ban hành quy chế đào tạo liên thông giữa các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp với giáo dục ĐH mà hiện Chính phủ đang giao cho Bộ GD-ĐT xây dựng dự thảo. Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, sau ngày 1.1.2017, những trường hợp có nguyện vọng học liên thông mà thuộc diện phải thực hiện theo quyết định mới, trong khi quyết định mới chưa được ban hành, thì nên cho phép người học được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT. “Đến khi Bộ GD-ĐT trình dự thảo, Thủ tướng có quy định mới thì thực hiện theo quy định mới. Tất cả vì lợi ích của người học chứ không vì chúng tôi hay vì Bộ GD-ĐT”, ông Dung đề xuất.

Quý Hiên