25/12/2024

Room cho khối ngoại – cửa mới hé

Một năm trôi qua, nhưng chỉ có 4% doanh nghiệp trên sàn chứng khoán mạnh dạn nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại lên mức tối đa 100%.

 

Room cho khối ngoại – cửa mới hé

Một năm trôi qua, nhưng chỉ có 4% doanh nghiệp trên sàn chứng khoán mạnh dạn nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại lên mức tối đa 100%.



Bỏ giới hạn sở hữu của khối ngoại sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển mạnh hơn  /// Ảnh: Gia Khiêm

 

Bỏ giới hạn sở hữu của khối ngoại sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển mạnh hơnẢNH: GIA KHIÊM

 

Dưới mở, trên chưa thông
Theo thống kê của Vụ Phát triển thị trường thuộc Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, sau hơn 1 năm từ khi Nghị định 60/2015/NQ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của luật Chứng khoán có hiệu lực, chỉ có 25 doanh nghiệp (DN) trong tổng số 639 đơn vị trên 2 sàn nộp hồ sơ nới tỷ lệ sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) lên 100%. Như vậy, số lượng DN niêm yết nới room lên mức tối đa quá ít, ngược với sự kỳ vọng về một cú hích lớn trong việc thu hút mạnh dòng vốn ngoại cho thị trường chứng khoán trước đó. 



Room cho khối ngoại - cửa mới hé - ảnh 1
Hy vọng luật đầu tư chuẩn bị được sửa đổi sẽ công bố rõ danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện kèm theo tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trong từng ngành. Có như thế thì cả các doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư ngoại cũng dễ dàng thực hiện trong hoạt động giao dịch, hợp tác đầu tư

Room cho khối ngoại - cửa mới hé - ảnh 2

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch VAFI


Điều quan trọng là bản thân nhiều DN cũng muốn mở room nhưng chưa thực hiện được. Chẳng hạn, đầu năm nay, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) cũng đã nới room khối ngoại từ mức 43,7% lên 49% và tỷ lệ này đã được lấp đầy. Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc REE, DN có muốn nới room cũng khó vì vướng ngành nghề kinh doanh có điều kiện là bất động sản. Theo quy định, DN khi muốn nâng tỷ lệ sở hữu phải loại bỏ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ví dụ trước khi công bố chính thức gỡ bỏ trần giới hạn tỷ lệ sở hữu của các NĐTNN vào giữa năm nay, Công ty cổ phần sữa VN (Vinamilk) đã phải xin ý kiến cổ đông loại bỏ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó có quy định hạn chế việc nới room (lên 100%) cho nhà đầu tư nước ngoài, như in ấn, chăn nuôi, trồng trọt… Đồng thời công ty này cũng phải rà soát điều chỉnh các hoạt động kinh doanh về vận tải hàng hoá bằng đường bộ và kinh doanh bất động sản để đảm bảo theo đúng quy định về sở hữu của nhà đầu tư ngoại.
Tương tự, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC) hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm cũng phải thực hiện điều chỉnh ngành nghề kinh doanh. Cụ thể DMC đã điều chỉnh giấy phép đăng ký kinh doanh – đối với mặt hàng thuốc công ty chỉ bán buôn các sản phẩm tự sản xuất, đồng thời rút bớt ngành nghề kinh doanh bất động sản thay bằng kho bãi và lưu giữ hàng hóa để được chấp thuận mở room lên mức tối đa 100%…
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, cũng lý giải 2 vướng mắc lớn nhất khiến cho việc nới room khựng lại. Thứ nhất là liên quan đến ngành nghề kinh doanh của DN. Trên thực tế, nhiều DN kinh doanh đa ngành, đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh. Vì có sự khác nhau trong việc áp dụng tỷ lệ sở hữu tối đa đối với NĐTNN, nên đang gặp lúng túng ở chỗ chốt room ở tỷ lệ nào? Chưa kể hiện còn có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa có quy định cụ thể về tỷ lệ này nên DN càng khó triển khai. Chẳng hạn, đối với các DN ngành dược, theo quy định, NĐTNN chỉ cần sở hữu 1 cổ phiếu là DN sẽ trở thành công ty có vốn ngoại và sẽ không được phép thực hiện chức năng phân phối dược phẩm. Đây là vấn đề rất phức tạp để gỡ vướng.
Thứ hai, vướng mắc lớn hơn là room của nhà đầu tư ngoại tại DN Việt đến bao nhiêu thì được coi là nhà đầu tư nước ngoài? Theo quy định hiện hành, nếu nước ngoài sở hữu 51% trở lên thì DN đó sẽ được xếp vào nhóm các DN có vốn nước ngoài và tất yếu sẽ bị áp các quy định hạn chế về đầu tư. “Hoạt động mua bán cổ phiếu diễn ra hằng ngày, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại biến động trồi sụt thường xuyên, nên căn cứ nào để chốt khi có thể hôm nay DN là NĐTNN, nhưng qua ngày mai lại là nhà đầu tư trong nước”, ông Vũ Bằng nói.
Cần sửa đổi triệt để
Theo thống kê, trên hai sàn chứng khoán hiện nay có gần 50 DN đã bị đầy và gần đầy room của khối ngoại. Nghĩa là NĐTNN muốn mua thêm cổ phiếu của các DN này cũng không được hoặc phải chờ khi có nhà đầu tư ngoại khác bán ra. Do đó việc mở room là điều kiện cần thiết nếu muốn có sự tham gia của khối ngoại.
Bà Lê Hồng Liên, Giám đốc nghiên cứu khách hàng tổ chức Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, vẫn còn nhiều DN chưa bị đầy room sở hữu của khối ngoại nên họ không quá cấp bách trong vấn đề mở room. Tuy nhiên những quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay liên quan đến nhà đầu tư ngoại đang có khác biệt khi soi chiếu giữa các luật như luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp, luật Chứng khoán… khiến thủ tục pháp lý như mớ bòng bong. Điều đó khiến cho nhiều DN lại càng không mặn mà. Do đó, bà Liên cho rằng Chính phủ cần xem xét rà soát và thống nhất về khung pháp lý để thúc đẩy việc mở room nhanh hơn. Điều này sẽ có lợi lớn cho thị trường chứng khoán VN vì khi được mua bán dễ dàng hơn, dòng vốn ngoại sẽ có nhiều cơ hội tham gia mạnh hơn.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI), bổ sung thêm một trong những lý do khiến việc nới room chưa được nhiều DN thực hiện. Đó là một số DN đã cổ phần hoá nhưng nhà nước vẫn còn đang nắm số lượng cổ phần chi phối thì việc nới room nếu có cũng như không. Ông Hải ví dụ: Vinamilk đã bỏ trần về room cho khối ngoại (là mở lên tỷ lệ tối đa 100%) nhưng nhà nước hiện vẫn nắm giữ 45% lượng cổ phần tại đây. Như vậy khối ngoại dù rất muốn mua thêm cổ phần của Vinamilk nhưng vẫn chỉ biết đứng nhìn và chờ đợi chỉ khi nào nhà nước bán bớt thì họ mới có hàng để mua.
“Hy vọng luật đầu tư chuẩn bị được sửa đổi sẽ công bố rõ danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện kèm theo tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trong từng ngành. Có như thế thì cả các DN lẫn nhà đầu tư ngoại cũng dễ dàng thực hiện trong hoạt động giao dịch, hợp tác đầu tư. Tôi tin rằng khi đó, cơ hội dòng vốn ngoại tham gia vào VN sẽ mạnh hơn, nhất là từ các đối tác chiến lược của từng DN thông qua cơ hội mua bán sáp nhập rộng mở hơn khi trần về tỷ lệ sở hữu được gỡ bỏ hoàn toàn”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Ông Vũ Bằng nhận xét: Vướng mắc lớn nhất nằm ở luật Đầu tư. Như quy định trường hợp có quy định khác nhau với luật khác về ngành nghề, thì những thủ tục đầu tư kinh doanh có thể theo luật chuyên ngành, còn lại phải thực hiện theo quy định của luật Đầu tư, dẫn đến hạn chế tính hiệu lực của các luật chuyên ngành. Vì vậy, sắp tới sẽ sửa luật Chứng khoán để tháo gỡ triệt để vướng mắc về những vấn đề này.


Mai Phương – Hồng Sương