Học giáo dục công dân bằng âm nhạc dân tộc
Hai tháng là quãng thời gian mà thầy trò Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cùng nhau thực hiện dự án “Giữ hồn quê Việt: Khám phá nét đẹp âm nhạc dân tộc Việt”.
Học giáo dục công dân bằng âm nhạc dân tộc
Hai tháng là quãng thời gian mà thầy trò Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cùng nhau thực hiện dự án “Giữ hồn quê Việt: Khám phá nét đẹp âm nhạc dân tộc Việt”.
Học sinh lớp 10A5 Trường THPT Phú Nhuận trình diễn tiết mục “Dạ cổ hoài lang” chiều 7-11 – Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN |
Dự án này được dạy trong bài số 7 SGK giáo dục công dân lớp 10 – Thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức.
“Chúng tôi muốn các em có hoạt động trải nghiệm, sáng tạo để tìm hiểu một kiến thức tưởng cũ nhưng lại gần như là mới với các em, đó là âm nhạc dân tộc” – cô Phan Thị Thu Hiền, tổ trưởng tổ giáo dục công dân đồng thời là người sáng lập dự án, chia sẻ về nguồn gốc ý tưởng của dự án.
Làm việc đúng năng lực
Dự án “Giữ hồn quê Việt: Khám phá nét đẹp âm nhạc dân tộc Việt” được thực hiện từ ngày 5-9 đến 2-11-2016, với sự tham gia của hơn 800 học sinh lớp 10 Trường THPT Phú Nhuận.
Mục đích của dự án là trang bị cho học sinh lớp 10 một số vốn kiến thức phổ thông về âm nhạc dân tộc, giáo dục cho học sinh lòng yêu nước thông qua tình yêu dành cho dòng âm nhạc nói trên. Từ đó, các em có ý thức bảo vệ và phát huy những di sản văn hoá vô cùng quý giá của cha ông bằng những hành động thiết thực.
Bên cạnh đó, dự án cũng giúp giáo viên và học sinh tìm hiểu thực trạng đời sống âm nhạc dân tộc trong lòng công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Trước khi bắt đầu thực hiện dự án, học sinh lớp 10 đã được thầy cô tổ giáo dục công dân cho làm trắc nghiệm về trí thông minh đa dạng, để các em biết được mình thuộc loại trí thông minh nào nhằm tham gia vai trò đúng với năng lực của bản thân.
Chẳng hạn, học sinh thuộc loại trí thông minh về ngôn ngữ và toán học sẽ có tên trong nhóm nghiên cứu; học sinh có trí thông minh vận động xã hội sẽ tham gia nhóm phóng viên tuyên truyền; còn thuộc trí thông minh về âm nhạc sẽ gia nhập nhóm văn nghệ…
“Khi các em chọn được công việc phù hợp với năng lực, sở trường thì sản phẩm của các em sẽ đạt chất lượng rất cao. Nếu giáo viên giao cho học sinh làm và biết cách động viên các em thì học sinh có thể phát huy tốt khả năng của mình, nghiêm túc và nhiệt tình làm việc, khơi dậy được tình yêu, hứng thú học tập nơi các em” – cô Hiền chia sẻ.
Cô Hiền cho biết hai tháng vừa rồi, email của cô ngập tràn mail bài tập của các học trò. Mỗi ngày cô sửa bài trên trường, về nhà học sinh sửa lại ngay, chỉnh sửa mười mấy lần mới ra được sản phẩm ưng ý khiến cô và trò đều hài lòng. Các em hào hứng tham gia thực hiện dự án: vẽ tranh bất cứ khi nào các em rảnh rỗi; thầy cô yêu cầu mỗi lớp khảo sát ý kiến khoảng 50 người, nhưng có lớp khảo sát tới 500 người.
“Bằng thái độ làm việc khoa học, trách nhiệm, đầy nhiệt tình, các em đã tạo ra những sản phẩm ý nghĩa và có chất lượng như: tập san tài liệu, poster, banner giới thiệu âm nhạc dân tộc ba miền; trang web và clip phỏng vấn, bảng khảo sát về thực trạng giới trẻ hiện nay ít hiểu biết và yêu thích âm nhạc dân tộc; những giải pháp mà các em đưa ra để dẫn dắt âm nhạc dân tộc đến gần hơn với giới trẻ” – cô Hiền đánh giá.
Tăng hiểu biết cho học sinh về âm nhạc dân tộc
“Các bạn có thể thuộc nhiều bài nhạc rap, pop, EDM (âm nhạc điện tử)… nhưng chúng ta cần phải giữ lại cái hồn dân tộc mình, để từ đó hoàn thiện hơn nhân cách của chúng ta trong quá trình hội nhập quốc tế như hiện nay”. Đó là lời gửi gắm của tập thể lớp 10A3 đến các bạn trẻ thông qua tập san “Khám phá âm nhạc dân tộc”.
Tập san này giới thiệu đến người đọc nét đẹp âm nhạc dân tộc từng vùng miền như quan họ, hát xoan, hò, lý, đồng dao, ví dặm, đờn ca tài tử…
Để ý nghĩa của dự án tác động đến học sinh toàn trường, các banner có thiết kế ngộ nghĩnh, đầy màu sắc, giới thiệu về nhiều loại hình âm nhạc dân tộc được treo khắp các dãy hành lang của trường. Mỗi lần đi ngang qua hành lang, học sinh đều đứng lại và chăm chú đọc những banner này, không ít học sinh còn đi một vòng sân trường đọc cho kỳ hết các banner.
“Sản phẩm của các bạn rất thú vị. Nhìn vào những sản phẩm này, em có thể thấy được sự nghiêm túc và tâm huyết mà các bạn đã bỏ ra để hoàn thành chúng. Lớp em làm về dân ca Nam bộ, khi làm dự án em đã hiểu biết thêm rất nhiều về các loại nhạc cụ ở Nam bộ, các vở cải lương… làm em thấy gần gũi với mảnh đất này hơn” – Đoàn Vũ Thanh Vân, học sinh lớp 10A18, chia sẻ.
Trong buổi báo cáo kết quả dự án vào chiều 7-11, thầy trò khối lớp 10 đã có một chương trình văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc với các tiết mục như lý cây đa, hò ba lý, lý kéo chài, đi cấy… Đặc biệt, khi đến tiết mục “Dạ cổ hoài lang” của lớp 10A5, cả sân trường đã “ồ” lên, hào hứng vỗ tay và hát vang theo lời bài hát.
“Từ khi tham gia dự án, các bạn trong lớp em thường mang đàn đến lớp tập hát cùng nhau, vui lắm và tăng thêm tình đoàn kết giữa mọi người nữa. Dự án này vô cùng bổ ích.
Thứ nhất, giúp người trẻ như tụi em hiểu biết về âm nhạc dân tộc. Trước đó em toàn nghe nhạc trẻ nhưng từ khi tham gia dự án này, em bắt đầu nghiên cứu âm nhạc truyền thống và càng lúc càng thấy yêu loại hình âm nhạc này hơn.
Thứ hai, khi nghiên cứu và hát lại các bài dân ca, em có cảm giác như mình đang “xuyên không” về quá khứ. Ví dụ, khi hát bài “Lý cây đa”, em thấy mình như sống lại không khí lễ hội ngày xưa, hiểu hơn về con người Việt Nam và thấy môn giáo dục công dân lớp 10 không còn là những bài lý thuyết khô khan, khó hiểu nữa” – Huỳnh Thị Anh Thư, học sinh lớp 10C3, bộc bạch.
Học sinh không còn ngán môn giáo dục công dân Nhìn những gương mặt rạng rỡ, hứng thú của học sinh trong chương trình văn nghệ dân tộc “cây nhà lá vườn”, cô Đặng Thị Yến, hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, phấn khởi nói: “Trong quá trình học sinh sử dụng công nghệ thông tin và vận dụng khả năng, năng khiếu của mình thực hiện dự án này, các em không còn ngán ngẩm bộ môn giáo dục công dân nữa. Tôi cũng muốn mời phụ huynh đến xem để phụ huynh hiểu được các em đã trưởng thành như thế nào, làm được những gì và tự tin ra sao. Ngoài ra, nhờ những dự án như thế này mà khoảng cách giữa thầy với trò ngày càng xích lại gần hơn”. |