Ngậm ngùi bán điều non trang trải nợ nần
Lúc khó khăn, cần giải quyết tài chính, hàng trăm nông dân ở xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) đã ngậm ngùi giao vườn điều của mình cho thương lái.
Ngậm ngùi bán điều non trang trải nợ nần
Lúc khó khăn, cần giải quyết tài chính, hàng trăm nông dân ở xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) đã ngậm ngùi giao vườn điều của mình cho thương lái.
Vườn điều của Thị Deng ở bon Phi La Te đã bán nhiều năm nay cho thương lái – Ảnh: B.D. |
Chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ theo dõi, nắm tình hình về việc một số đối tượng lợi dụng hoàn cảnh éo le, khó khăn của dân để dụ dỗ bán rẻ điều non, sau đó tiến tới thôn tính luôn toàn bộ diện tích đất của dân. Đây là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện kéo dài ở địa phương |
Một lãnh đạo Công an huyện Tuy Đức |
Đề cập chuyện bán điều non của người dân trong xã, Bí thư Đảng uỷ xã Đắk Ngo Lê Văn Minh lắc đầu nói rằng: “Đó là hiện trạng làm đau đầu cán bộ. Có nhà bán trước một năm, có nhà bán tới cả chục năm. Có giai đoạn mà cả xã gần như 90% chủ vườn điều đều bán điều non cho thương lái thay vì tự mình làm để hái tận ngọn”.
Cứ cần tiền là bán
Có mặt tại tuyến đường dẫn qua trung tâm xã Đắk Ngo trong những ngày này, dễ dàng chứng kiến cảnh người dân tập trung từng nhóm trước thềm nhà ngồi uống rượu.
Là vùng chuyên canh nổi tiếng về cây điều, khoai lang và một số nông sản khác, nhưng rất hiếm thấy cảnh nông dân tất bật trên nương rẫy. Cạnh những ngôi nhà đơn sơ, nhiều vườn điều cũng đang trong thời điểm cho trái, hạt điều rụng đầy gốc nhưng dân không buồn ra thu hoạch.
Chúng tôi hỏi lý do vì sao thì một người bán hàng tạp hoá ở bon (buôn) Phi La Te trả lời: điều trên nương rẫy thì của dân, nhưng tới mùa thu hoạch thì chỉ thương lái mới được phép thu hoạch.
14g, nhưng trong nhà của ông Điểu Bloi vẫn còn năm người lớn ngồi uống nước chè xanh, tựa cửa nhìn ra.
Hỏi sao không đi làm, ông Điểu Bloi nói giọng buồn buồn: “Nhà chỉ trồng ít điều mà đã bán cho người ta gần hết rồi nên không có cái để làm nữa”.
Ông Điểu Bloi là một trong nhiều hộ dân ở Phi La Te chấp nhận cảnh bán điều non cho thương lái từ Bình Phước.
Ông Điểu Bloi cho biết nhà mình trồng 2ha điều, cả gia đình mấy miệng ăn trông chờ vào số cây này nhưng năm 2012 trong lúc quá túng quẫn, ông đã cắn răng bán để lấy tiền chữa bệnh cho con trai.
Nhắc lại chuyện mình bán vườn điều, ông Điểu Bloi kể: “Nhà mình chỉ có vườn điều nuôi sống cả nhà chứ không dư giả gì. Giữa năm 2012, thằng Dinh – con trai mình – chạy xe máy bị tai nạn, gãy chân phải nhập viện cấp cứu, xoay không ra tiền nên phải nghĩ tới cách cuối cùng là bán vườn điều”.
Ông Điểu Bloi tỏ ra ngạc nhiên vì không hiểu sao chuyện gia đình ông khó khăn thương lái mua điều lại biết rất sớm và tìm tới “hỏi thăm”.
“Họ tới tận nhà mình hỏi rồi bảo có bán vườn điều không, con trai mình đi viện hết 20 triệu đồng, không nhìn ra cái gì để bán cả. Trong khi bán vườn điều mỗi năm 1ha thì mình có 8 triệu đồng, bán bốn năm thì họ trả 35 triệu đồng nên mình quyết định bán” – ông Điểu Bloi nhớ lại.
“Thế nếu để tự mình chăm sóc vườn điều đó tới lúc thu hoạch thì được bao nhiêu tiền?” – chúng tôi hỏi. Ông Điểu Bloi nhìn lên trần nhà, đưa ngón tay lẩm bẩm rồi trả lời: “Được 30 triệu đồng/năm!”.
Ở bon Phi La Te của ông Điểu Bloi, rất nhiều hộ gia đình hiện cũng còn vườn điều nhưng khá oái oăm là gần như không ai được quyền đi thu hoạch. Cứ đầu vụ, thương lái rảo khắp các thôn bon, săm soi các vườn điều “khỏe” và tìm cách rủ rê để người dân gật đầu bán.
Ông Điểu Hưng – trưởng bon Điêng Đu – nói ở bon mình có 200 hộ dân nhưng hơn một nửa số đó đã cầm cố vườn điều của mình lấy tiền lo việc khó khăn trước mắt.
Hầu hết các hộ dân đã bán trong thời gian 2 – 10 năm. Tình trạng bán vườn điều phổ biến đến nỗi cán bộ các thôn, bon phải lập danh sách các chủ vườn bán điều non để báo cáo lên xã.
Cầm mảnh giấy viết tay “Bản hợp đồng bán điều non”, ông Điểu Điền (bon Điêng Đu) nói rằng mình vừa ký giấy bán 1,2ha điều với giá 12 triệu đồng/năm, bán liên tục trong ba năm cho một thương lái.
“Mình biết bán thế là thiệt vì giá điều bây giờ đang rất cao, nhưng không bán thì không có tiền” – ông Điểu Điền than vãn. Cạnh đó, gia đình Điểu Noi cũng vừa bán 3ha điều, thời gian ghi bán trên giấy tờ tới… năm 2023 mới hết hạn.
“Hồi xưa mình nợ người ta 50 triệu đồng mà không có trả, tới hạn trả tiền bí quá nên mình gán vườn điều cho họ luôn” – Điểu Noi nói gọn lỏn.
Phó chủ tịch Mặt trận xã Đắk Ngo Điểu Hot vừa bán vườn điều non của mình – Ảnh: B.D. |
Cán bộ cũng phải bán điều non
Ông Lê Văn Minh cho biết có thời điểm nông dân xã này bán điều non tới 90% hộ gia đình, cán bộ phải xuống tận từng thôn tỉ rê, nói nhẹ rồi nói nặng, làm đủ cách nhưng người dân vẫn lấy khó khăn trước mắt để giải quyết chuyện lâu dài.
“Người dân ở đây hầu như chưa có thói quen tích lũy, làm được đồng nào xào đồng đó nên cứ thấy có tiền trước mắt là họ bán, đói cũng bán, thậm chí có hộ không mấy khó khăn cũng bán”.
Lý giải phương thức bán điều non, ông Lê Văn Minh nói: “Người dân trồng vườn điều lên đến tuổi điều cho thu hoạch thì thương lái tìm tới.
Thay vì tiếp tục chăm sóc và thu hoạch điều rồi đem nhập theo kiểu “chăm tận gốc, bán tận ngọn” thì người dân lại đồng ý giao vườn điều cho thương lái, giao càng nhiều năm thì tiền càng cao lên.
Ví dụ: 1ha nếu dân tự chăm sóc, trừ công cán và phân tro ra thì cho lãi khoảng 30 triệu đồng. Nhưng khi dân đã bán cho thương lái thì số tiền chỉ còn lại 1/3. Bán nhiều năm thì cộng số tiền theo từng năm đó, thương lái trả một lần rồi thu hoạch vườn điều của dân”.
Trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng bán điều non, giúp các hộ dân bớt phần thua thiệt, các bí thư chi bộ, cán bộ từ xã đến thôn, buôn phải có trách nhiệm hướng dẫn bà con giữ vườn điều. Nhưng oái oăm thay, thuyết phục dân đâu chưa thấy, chỉ thấy nhiều cán bộ ngậm quả đắng “dâng” vườn điều của mình cho thương lái.
Hôm chúng tôi đi vào Đắk Ngo, ngôi nhà to nhất xã của Điểu Hot – phó chủ tịch Mặt trận xã Đắk Ngo – đang trong giai đoạn xây dựng.
Hỏi làm cán bộ xã tiền đâu nhiều thế, Điểu Hot gãi đầu cười, bảo: “Vợ chồng mình tích cóp mấy năm nay, mới bán thêm vườn điều non mới dám gọi thợ tới dựng nhà”.
Điểu Hot nói anh vừa bán 2ha điều non cho thương lái, số tiền được trả là 40 triệu đồng. Hot nói bán như thế là quá rẻ.
Điểu Hot không phải là cán bộ duy nhất vừa bán điều non của mình, vừa đi tuyên truyền cho bà con giữ vườn điều. Điểu Hưng, trưởng bon Điêng Đu, cũng vừa dứt ruột bán đi vườn điều. Lý do: “Túng quá mà”.
Mua rẻ điều non rồi thôn tính luôn đất đai.