01/11/2024

Du lịch còn chạy theo khai thác, thả nổi bảo tồn

Đây là một trong những tồn tại được các đại biểu Quốc hội đưa ra trong phiên thảo luận tại tổ về dự án luật Du lịch (sửa đổi) sáng qua 8.11.

  

Du lịch còn chạy theo khai thác, thả nổi bảo tồn

Đây là một trong những tồn tại được các đại biểu Quốc hội đưa ra trong phiên thảo luận tại tổ về dự án luật Du lịch (sửa đổi) sáng qua 8.11.




 

Hướng dẫn viên du lịch người Hàn Quốc tự giới thiệu về lịch sử Văn Miếu, Hà Nội cho du khách Hàn QuốcẢNH: NGỌC THẮNG

 

Cấm các hành vi xâm hại danh dự, thể diện quốc gia
Theo đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), dự luật cần bổ sung cấm hành vi xâm hại đến danh dự, thể diện quốc gia và nhân dân VN. Dẫn chứng về vụ việc du khách Trung Quốc đốt tiền VN, ĐB Nghĩa cho rằng đó là hành vi xâm phạm thể diện danh dự của VN cần có quy định để xử lý. “Ngược lại trường hợp du khách VN ra nước ngoài có hành vi có thể không vi phạm pháp luật, nhưng làm xấu danh dự thể diện quốc gia thì phải có chế tài. Điều này sẽ làm gia tăng thiện cảm của quốc tế đối với VN để họ đến VN nhiều hơn”, ĐB Nghĩa nói.
ĐB Nghĩa nhận xét, dự thảo luật Du lịch chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề bất cập bức xúc hiện nay trong du lịch. Nếu không thay đổi triết lý và tái cơ cấu tư duy về du lịch thì không giải quyết được vấn đề, VN sẽ còn tiếp tục tụt hậu. Cụ thể, tư duy làm du lịch hiện nay còn chạy theo khai thác mà thả nổi bảo tồn, tập trung vào số lượng mà chưa để ý chất lượng, quan niệm không đúng về du lịch giá rẻ, đại trà… Tiêu biểu cho lối tư duy này là quy định một trong các điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia là “có diện tích tối thiểu 1.000 ha” và “có khả năng tiếp nhận tối thiểu từ 500.000 khách du lịch mỗi năm”…
Nhấn mạnh việc bảo tồn, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng tư duy du lịch của VN mới nặng về số lượng, về tiền bạc trong khi các giá trị văn hóa, lịch sử “đẻ” ra tiền lâu dài thì chưa được chú ý. ĐB Nghĩa cũng đề xuất các khu du lịch quốc gia quan trọng có giá trị văn hóa, lịch sử thiên nhiên, có yêu cầu bảo tồn cao thì phải do T.Ư trực tiếp quản lý hoặc uỷ quyền chứ không giao hoàn toàn cho các địa phương. Bởi thực tế, nhiều khu du lịch được khoán hẳn cho địa phương dẫn đến hệ quả nguy hiểm vì không có tầm nhìn, quản lý bất cập dẫn đến việc huỷ hoại, mất đi những giá trị văn hóa lịch sử.
Có quan điểm tương tự, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng linh hồn của dự luật là chính sách phát triển du lịch, nhưng lại chưa được làm rõ và chưa đủ minh bạch. Luật quy định một trong điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia hết sức trừu tượng, là “có tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn”. “Vậy thế nào là đặc biệt hấp dẫn? Điều kiện công nhận là nơi chạy, “xin – cho” cho nên cái này là mơ hồ, mơ hồ là làm khổ con người ta lắm”, ông Giàu phát biểu.
Nhiều khách đại trà, tour tự phát
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho rằng dù lượng du khách nước ngoài vào VN khá lớn nhưng ngành du lịch mới chỉ quan tâm đến số lượng mà không chú ý đến chất lượng. Hình ảnh chung của du lịch VN là “sao” thấp, ít có những tour cao cấp mà chủ yếu là khách đại trà, du lịch ba lô, tự phát. Chi phí của mỗi khách có khi chỉ dao động từ 5 – 7 USD/ngày. Trong khi các nước trong khu vực, điển hình là Thái Lan, mặc dù giá tour rất thấp, nhưng hầu như không ai đi Thái Lan mà không mang theo ít nhất 500 – 1.000 USD để mua sắm.
Góp ý cho dự luật, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) cho rằng hiện tại ngành du lịch đang mở quá rộng cho doanh nghiệp nước ngoài trong khi doanh nghiệp của VN đông nhưng tính cạnh tranh chưa tốt. Có tình trạng người nước ngoài sang VN rồi làm hướng dẫn viên du lịch luôn.
“Họ không am hiểu chính trị, lịch sử nên không kiểm soát được họ trao đổi thông tin gì với du khách. Hiện có tình trạng người Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia đưa khách đi xe của họ, ăn uống mua sắm cũng dẫn vào cửa hàng của họ khiến thất thoát cho du lịch VN, do đó cần quy định chặt chẽ”, ĐB Tuyết nói.
ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng, VN phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng trong dự luật cho thấy nhận thức về du lịch còn quá hạn chế. Dự luật định nghĩa du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc… nhưng lại bỏ đi 2 yếu tố quan trọng là xã hội và tự nhiên.
3,4 triệu hộ kinh doanh cá thể có là đối tượng của luật Hỗ trợ DNVVN ?
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tại Quốc hội chiều 8.11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung hộ kinh doanh cá thể vào luật vì số lượng hộ kinh doanh cá thể hiện nay của VN khá lớn, ước khoảng 3,4 triệu hộ đã được cấp mã số thuế, có đóng góp lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, với tên gọi luật Hỗ trợ DNVVN, đối tượng được hỗ trợ phải là DN. Riêng số DN thuộc diện này đã lên tới 520.000. Nếu quy định hỗ trợ cả hộ kinh doanh cá thể thì không khả thi.
Liên quan đến quy định về nguồn vốn hỗ trợ DNVVN, Ủy ban Kinh tế thấy rằng, dự thảo luật mới chỉ quy định chung về vấn đề hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Như vậy thì việc hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào tình hình cân đối ngân sách nhà nước hằng năm, chưa tạo ra tính định hướng, ổn định trong trung và dài hạn. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn vốn xã hội cũng chỉ mang tính khuyến khích nên tính khả thi chưa rõ ràng.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, việc hỗ trợ DNVVN là một vấn đề lớn, cấp thiết và lâu dài, thiếu nguồn lực khó có thể thực hiện được, do vậy cần nghiên cứu quy định cụ thể trong dự thảo luật về nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách để có cơ sở bổ sung một dòng ngân sách hỗ trợ cho DNVVN. Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế cũng yêu cầu cần rà soát, để tránh mâu thuẫn với luật Ngân sách nhà nước.

Có “quy trình đúng” nào lại gây chết người ?
Cùng ngày, thảo luận tại tổ về dự án luật Thủy lợi, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) thể hiện bức xúc về việc các công trình thủy điện, hồ chứa xả lũ “đúng quy trình” nhưng lại gây chết người, làm thiệt hại nặng cho vùng hạ du. Theo ĐB Sơn, khi giải trình về việc xả nước, các cơ quan, đơn vị luôn nói là “đúng quy trình”. “Làm gì có quy trình nào đúng nhưng lại gây chết người. Nếu nó đã gây ra chết người thì chắc chắn phải có sai ở điểm gì đó. Do đó, cần phải rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, không thể để mãi như thế được”, ĐB Sơn nói. Theo ĐB Sơn, dự thảo luật Thuỷ lợi giao cho các chủ đầu tư xác lập các quy trình, quy định vận hành hồ chứa là không phù hợp mà phải giao cho cơ quan quản lý nhà nước. “Nếu cứ để chủ đầu tư xác lập quy trình thì chắc chắn họ sẽ xây dựng theo hướng bảo vệ tốt nhất công trình của họ. Và khi xảy ra hậu quả gì đó thì câu chuyện đúng quy trình vẫn cứ diễn ra”, ĐB Sơn nói.
Theo ĐB Hồ Thanh Bình (An Giang), về mặt kỹ thuật, hoàn toàn có thể biết được lượng nước trong hồ là bao nhiêu, khi xả ra biết được quy mô tác động thế nào. ĐB Bình đề nghị Chính phủ phải quy định rõ việc vận hành đập an toàn. Quy định đánh giá tác động của từng công trình với xung quanh khi xảy ra sự cố. Từ đó có quy định như ở mức nào có cảnh báo nào, thông báo cho ai, trong thời gian bao lâu, phải có giám sát, theo dõi, phục vụ lợi ích của cả người vận hành đập và dân cư, các hoạt động sản xuất xung quanh.

 

Trường Sơn