Thi học kỳ 1 giống phương án thi THPT quốc gia
Để đón trước kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 với phương án thi tám trong số chín môn theo hình thức trắc nghiệm, nhiều sở GD-ĐT đã có chỉ đạo 100% các trường phải cho học sinh tập dượt hình thức trắc nghiệm ngay trong bài kiểm tra cuối học kỳ 1.
Thi học kỳ 1 giống phương án thi THPT quốc gia
Để đón trước kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 với phương án thi tám trong số chín môn theo hình thức trắc nghiệm, nhiều sở GD-ĐT đã có chỉ đạo 100% các trường phải cho học sinh tập dượt hình thức trắc nghiệm ngay trong bài kiểm tra cuối học kỳ 1.
Một tiết học lịch sử tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) – Ảnh: Hoài Nam |
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, bài kiểm tra cuối học kỳ 1 của học sinh lớp 12 trên toàn thành phố sẽ được tổ chức thi như phương án thi THPT quốc gia năm 2017.
Theo đó, học sinh lớp 12 hệ THPT sẽ kiểm tra với bốn bài thi. Trong đó có ba bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, tiếng Anh, chọn một trong hai bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Học sinh hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi ba bài, trong đó hai bài bắt buộc là toán, ngữ văn và chọn một trong hai bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Học sinh học các môn ngoại ngữ khác (không học tiếng Anh), sở GD-ĐT sẽ giao cho các trường chủ động kiểm tra.
Thi theo cụm trường
Ngoại trừ môn ngữ văn sẽ thi tự luận, các bài thi còn lại đều được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm. Trong đó bài kiểm tra toán có 50 câu làm trong 90 phút, bài tiếng Anh có 40 câu làm trong 50 phút, các bài tổ hợp có 120 câu làm trong 150 phút.
“Đề thi sẽ do sở GD-ĐT xây dựng chung cho tất cả khối 12 của các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên. Nhưng nội dung các câu hỏi chỉ ở cấp độ cơ bản, bám sát chương trình THPT chủ yếu lớp 12 tính tới thời điểm kết thúc học kỳ 1” – ông Chử Xuân Dũng, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết.
Lịch kiểm tra học kỳ 1 đối với khối 12 của Hà Nội ấn định trong hai ngày 14 và 15-12. Theo đó, học sinh lớp 12 trên toàn thành phố sẽ kiểm tra cùng giờ, cùng ngày, quy trình như thi THPT quốc gia.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, đợt kiểm tra cuối học kỳ 1 này sẽ chia theo các cụm trường. Trong đó các cụm phải cử cán bộ, giáo viên kiểm tra chéo giữa các trường khác nhau nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định về bố trí học sinh/lớp, số giám thị phòng thi, giám thị hành lang, đảm bảo mỗi học sinh trong một phòng thi có một mã đề khác nhau.
Việc chấm thi cũng sẽ được tập trung theo cụm trường, trong đó bài thi ngữ văn phải rọc phách theo đúng quy định.
Ngày 21-12, các cụm trường phải báo cáo kết quả kiểm tra học kỳ 1 về sở GD-ĐT.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, cho biết vì phương án thi năm 2017 có nhiều đổi mới nên từ đầu năm học, nhà trường đã có kế hoạch điều chỉnh việc dạy học kết hợp ôn tập, kiểm tra đánh giá.
“Về cơ bản, dù là hình thức thi nào thì học sinh cũng phải nắm vững kiến thức cơ bản. Cách thức kiểm tra học kỳ 1 chung trên toàn thành phố nhằm để học sinh làm quen với hình thức thi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chỉ đạo các tổ chuyên môn phải hướng dẫn học sinh xây dựng đề cương ôn tập của từng môn, chủ động tự học để không bị dồn vào cuối năm” – cô Nhiếp trao đổi.
Theo đại diện phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT Hà Nội, đề kiểm tra cho khối 12 đợt này được xây dựng trên cơ sở đề thi minh hoạ của Bộ GD-ĐT và sự hỗ trợ của các chuyên gia. Tuy nhiên mức độ câu hỏi chủ yếu bám sát kiến thức cơ bản, phù hợp với phạm vi một bài kiểm tra học kỳ.
Học sinh lớp 10, 11 bắt đầu làm quen
Ngoài việc tổ chức kiểm tra học kỳ cho khối 12, nhiều trường ở Hà Nội thời điểm này đã tiến hành việc kiểm tra học kỳ 1 đối với học sinh lớp 10, 11, trong đó các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân được kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm.
Ông Chử Xuân Dũng cho biết đã có công văn cho các trường chỉ đạo việc thay đổi phương pháp dạy học phù hợp với đổi mới thi, trong đó yêu cầu giáo viên phải tham gia tập huấn để có thể hướng dẫn học sinh làm quen với thi trắc nghiệm, nhất là các môn mới chuyển sang hình thức thi này. Thậm chí các trường có thể mời chuyên gia tới nói chuyện, giải thích trực tiếp.
Tuy không bắt buộc, nhưng Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường cho học sinh làm quen với hình thức trắc nghiệm khách quan trong quá trình học qua các bài kiểm tra đánh giá khác nhau.
“Thực chất học sinh vẫn phải nắm kiến thức cơ bản trong những bài đã học ở học kỳ 1 và được giáo viên bộ môn yêu cầu làm đề cương theo hệ thống câu hỏi – trả lời. Nhưng khác với hình thức kiểm tra tự luận, để đáp ứng bài kiểm tra trắc nghiệm, học sinh sẽ phải nắm kiến thức chắc và rộng hơn. Với học sinh lớp 10, 11, đây là hình thức tập dượt nhưng cũng mang lại ưu điểm là các em không dám học tủ” – một giáo viên dạy lịch sử Trường THPT Phan Đình Phùng trao đổi.
Cô Trần Thị Quyến, giáo viên dạy giáo dục công dân Trường THPT Kim Liên, cho biết việc cho học sinh làm quen với trắc nghiệm khách quan đã được đưa vào kế hoạch dạy học từ khi Bộ GD-ĐT chốt phương án thi THPT năm 2017.
Nhưng với học sinh lớp 10, 11 thì chỉ dừng lại ở việc làm quen với cách thức thi này, qua đó khuyến khích các em có thái độ học tập nghiêm túc.
Việc này không chỉ nhằm mục đích để “thi quốc gia”, mà còn là cơ hội để giáo viên bộ môn này thay đổi phương pháp, nội dung dạy học, rèn ý thức, đạo đức cho học sinh.
Tập huấn đối với toàn bộ giáo viên Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, để giúp các nhà trường tháo gỡ khó khăn trong việc đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá và tổ chức ôn tập cho học sinh cuối cấp THPT theo phương án thi THPT quốc gia năm 2017, sở sẽ tổ chức tập huấn cho toàn bộ giáo viên các môn toán, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân các trường THPT. Nội dung tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, xây dựng ma trận và biên soạn đề kiểm tra trắc nghiệm khách quan phục vụ ôn thi. Thời gian tập huấn từ ngày 7 đến 9-11. Dự kiến sau đợt tập huấn này, các trường phải có trách nhiệm chỉ đạo giáo viên các tổ bộ môn trên hoàn thành sản phẩm tập huấn bao gồm ma trận đề, đề kiểm tra các môn theo đúng cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT. |
“Lần đầu tiên bài kiểm tra học kỳ 1 được tổ chức theo chỉ đạo chung trên toàn thành phố. Việc này cũng có áp lực cho một số học sinh. Nhưng nếu nhìn vào mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia thì đây là việc cần để chuẩn bị tâm lý cho các em” Một hiệu trưởng trường THPT ở Hà Nội |