24/12/2024

Thay đổi ở chợ đêm Phú Quốc

Sau hơn một tháng tiếp nhận các tiểu thương từ chợ đêm Dinh Cậu chuyển sang, chợ đêm Bạch Đằng đã chính thức đổi tên thành chợ đêm Phú Quốc và đang dần trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn…

 

Thay đổi ở chợ đêm Phú Quốc 

Sau hơn một tháng tiếp nhận các tiểu thương từ chợ đêm Dinh Cậu chuyển sang, chợ đêm Bạch Đằng đã chính thức đổi tên thành chợ đêm Phú Quốc và đang dần trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn…

 

 

 

Thay đổi ở chợ đêm Phú Quốc 
Du khách chọn mua hải sản ở chợ đêm Phú Quốc – Ảnh: Hoàng Trung

Như Tuổi Trẻ từng phản ánh, UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đã chính thức “khai tử” chợ đêm Dinh Cậu từ ngày 1-10 và bố trí các hộ tiểu thương sang khu vực mới, sáp nhập với chợ đêm Bạch Đằng thành một chợ chung lấy tên là chợ đêm Phú Quốc.

Với quy mô lớn hơn và được đầu tư khang trang hơn, chợ đêm Phú Quốc không những đang dần thay thế chợ đêm Dinh Cậu vốn quen thuộc gần 10 năm qua, mà còn tạo nên một diện mạo mới cho Phú Quốc.

Cải thiện vệ sinh môi trường

Theo UBND huyện Phú Quốc, chợ đêm Dinh Cậu thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 9-2007, nằm trên trục đường Võ Thị Sáu dẫn ra danh thắng Dinh Cậu và ngay trước hàng rào trụ sở của huyện.

Do không được đầu tư đúng mức, nhất là hệ thống thu gom rác thải, nước thải nên theo thời gian, khu chợ này đã gây mất mỹ quan và ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường.

Vì vậy việc giải tỏa chợ đêm Dinh Cậu để chỉnh trang đô thị là nhu cầu có thật, nhất là trong bối cảnh Phú Quốc đang chuyển mình thành một đặc khu hành chính kinh tế.

Anh Nguyễn Duy Dũng – quản lý nhà hàng Thiên Thanh, nhiều năm kinh doanh ở chợ đêm Dinh Cậu – thừa nhận sự hạn chế về hạ tầng ở khu chợ này đã không ít phen khiến du khách lẫn tiểu thương bối rối: ở chợ đêm Dinh Cậu, nước thải được xả chảy thẳng ra biển.

Khu chợ có gần 70 gian hàng và hàng ngàn lượt du khách mỗi đêm nhưng chỉ có một nhà vệ sinh di động, thường xuyên quá tải khiến nhiều lúc du khách phải chen chúc đứng chờ.

Chợ đêm Phú Quốc (ban đầu là chợ đêm Bạch Đằng) nằm trên hành lang đường Bạch Đằng, chạy dọc bờ sông Dương Đông nay đã có hẳn hệ thống thu gom và xử lý nước thải đồng bộ.

“Tất cả các loại nước thải từ chế biến thức ăn đến rửa rau, rửa chén đều phải thu gom vào hệ thống xử lý. Chỉ duy nhất nước từ các bể kính trưng bày hải sản mới được xả ra cống chung” – ông Trần Quốc Bình, trưởng ban quản lý chợ đêm Phú Quốc, nói.

Rác thải cũng được quản lý nghiêm ngặt hơn. Theo ông Bình, một vài nhân viên phục vụ khi dọn bàn vứt rác ra sông đã bị phát hiện và chấn chỉnh ngay.

Riêng nhà vệ sinh miễn phí cho du khách tại chợ đêm Phú Quốc được xây dựng cố định, khang trang. Hiện chủ đầu tư cũng đang triển khai xây dựng thêm nhà vệ sinh trên tuyến đường Nguyễn An Ninh để tăng khả năng phục vụ du khách dịp cao điểm cuối năm.

Nên hình thành phố đi bộ

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, sau khi hợp nhất, du khách đã dần quen với chợ đêm Phú Quốc và tỏ ra thiện cảm với khung cảnh thoáng mát, rộng rãi, khang trang của khu chợ mới này.

Anh Trần Thế Dũng, du khách đến từ Hà Nội, thích thú nhận xét: “Chợ đêm này ngăn nắp, khang trang. Nếu xung quanh mở rộng thành phố đi bộ luôn thì càng hay”.

Nhiều du khách mà chúng tôi tiếp xúc cũng cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu quy hoạch khu vực tiếp giáp chợ đêm Phú Quốc thành một khu phố đi bộ, tạo không gian mở để du khách dạo chơi mỗi tối.

Bởi dù không gian chợ đêm có mở rộng hơn so với chợ đêm Dinh Cậu cũ, nhưng với lượng khách hằng đêm dồn về quá đông vẫn tạo cảm giác chật chội.

Ông Trần Quốc Bình cho hay theo quy hoạch, chợ đêm chỉ gồm một nửa lòng đường Bạch Đằng ra đến bờ kè sông Dương Đông, phần còn lại phía đối diện là nhà dân không thuộc phạm vi chợ. Nhưng hầu hết nhà dân dọc đường Bạch Đằng đều cho thuê mặt bằng, vỉa hè kinh doanh nên ai nhìn vào cũng tưởng tất cả hàng quán hai bên đường đều thuộc chợ đêm.

Theo ông Bình, nếu không kiểm soát tốt rác thải, nước thải từ phía bên kia đường thì khu vực chợ đêm sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, một số tiểu thương còn lo ngại nếu chẳng may du khách sau khi ăn uống ở hàng quán đối diện mà bị ngộ độc thực phẩm thì cái tiếng “ăn ở chợ đêm” sẽ khiến tất cả bị vạ lây.

Theo ông Bình, việc hình thành khu phố đi bộ về ban đêm là cần thiết và ban quản lý chợ hoàn toàn ủng hộ, bởi khi đó quyền lợi kinh doanh của người dân trong khu vực được san sẻ và nhân lên.

Đồng thời khi quy hoạch một khu vực khép kín thì các vấn đề về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm đối với du khách sẽ được kiểm soát tốt hơn.

Giao lưu thúc đẩy “du lịch xanh”

Ngày 7-11, tại thị trấn Dương Đông, Phú Quốc diễn ra buổi giao lưu giữa các chuyên gia du lịch VN, Nhật Bản với các hộ kinh doanh, du khách chợ đêm Phú Quốc và người dân thị trấn Dương Đông.

Đây là hoạt động tiếp nối của chương trình “Du lịch xanh Phú Quốc 2016” (do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang tổ chức, với sự đồng hành của Vinpearl Phú Quốc),

Buổi giao lưu nhằm kêu gọi các tiểu thương nâng cao chất lượng phục vụ du khách, ý thức bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm… nhằm xây dựng chợ đêm và các khu chợ thường có khách du lịch đến tham quan thành những điểm đến du lịch xanh – sạch – đẹp.

Cùng ngày, tại Trường THPT An Thới (thị trấn An Thới), một buổi giao lưu với chủ đề “Đồng hành cùng du lịch xanh Phú Quốc” cũng được tổ chức nhằm giúp học sinh và người dân An Thới ý thức hơn về bảo vệ môi trường, hướng tới hình ảnh Phú Quốc xanh tươi, thân thiện và hiếu khách.

NGUYỄN TRIỀU