24/12/2024

Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck đi bán gạo

Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đến tận các vùng nông thôn thu mua gạo rồi bán lại ở Bangkok nhằm hỗ trợ nông dân trong cơn khủng hoảng giá gạo.

 

Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck đi bán gạo

Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đến tận các vùng nông thôn thu mua gạo rồi bán lại ở Bangkok nhằm hỗ trợ nông dân trong cơn khủng hoảng giá gạo.




Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bán gạo hỗ trợ nông dân tại Bangkok /// AFP

 

Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bán gạo hỗ trợ nông dân tại BangkokAFP

Cuối tuần qua, cựu thủ tướng Thái Yingluck Shinawatra đã hỗ trợ nông dân nước này bán hết 10 tấn gạo thơm Jasmine trong vòng khoảng một giờ đồng hồ, theo Tân Hoa xã.
Jasmine là gạo chủ lực của Thái Lan, nhưng đang phải chịu cảnh giảm giá mạnh do cung vượt quá cầu. Giá gạo Jasmine ngày 4.11 là 725 USD/tấn, thấp nhất kể từ mức 710 USD/tấn hồi tháng 1.2008, theo Reuters. “Khi bạn thấy tin tức những người nông dân gặp khó khăn, chúng ta có khuynh hướng muốn giúp đỡ họ và tôi đang giúp họ bằng khả năng của mình. Vì vậy, tôi hy vọng mỗi người sẽ muốn hỗ trợ nông dân”, bà Yingluck chia sẻ với Tân Hoa xã.
Cựu thủ tướng Thái cùng nhiều chính trị gia thuộc đảng Pheu Thai của bà đã đi đến tận tỉnh Ubon Ratchathani, miền đông bắc Thái Lan, vào ngày 3.11 để thu mua gạo trực tiếp từ các nông dân rồi chuyển về Bangkok bằng xe tải. Hiện không rõ bà Yingluck thu mua với giá bao nhiêu, nhưng bán lại với giá 20 baht (gần 13.000 đồng)/kg, thu hút hàng trăm người đến xếp hàng mua ủng hộ.
“Tôi có mặt ở đây để mua gạo từ bà Yingluck, tôi làm điều này để hỗ trợ bà ấy vì bà ấy từng giúp chúng tôi. Bà ấy là phụ nữ đẹp, có trái tim nhân hậu và sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khi có thể”, ông Umaporn Kaewthongkha, hành nghề chạy xe ôm, chia sẻ với AFP.
Sau lần bán gạo thành công này, bà Yingluck cho hay sẽ tổ chức những lần bán gạo tương tự với quy mô lớn hơn để hỗ trợ nông dân vùng đông bắc Thái Lan.
Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck đi bán gạo - ảnh 1

Những người ủng hộ cựu thủ tướng Yingluck tặng bông lúa cho bà tại Bangkok ngày 4.11REUTERS

Công ty xăng dầu vào cuộc
Một số công ty dầu khí Thái Lan cũng tham gia chương trình bán gạo để hỗ trợ nông dân vượt qua cơn khủng hoảng giá lần này. Trong đó, Tập đoàn PTT Plc vừa cho phép các nông dân bán gạo tại 1.400 trạm xăng của tập đoàn trên khắp Thái Lan mà không thu phí. Còn Công ty BCP đang chuẩn bị mặt bằng tại hơn 100 trạm xăng của mình để bán gạo hỗ trợ nông dân từ ngày 7.11. BCP dự định trong giai đoạn đầu sẽ bán 15 tấn gạo Jasmine cho người tiêu dùng với giá 30 baht (hơn 19.000 đồng)/kg, thấp hơn 3 baht so với giá mua từ nông dân.
Về phần mình, chính phủ Thái cũng đã đưa ra một số biện pháp để ứng phó cuộc khủng hoảng giá gạo. Cụ thể, Ủy ban Quản lý gạo Thái Lan hồi tuần trước thông báo sẽ cấp các khoản vay với tổng trị giá 45,3 tỉ baht (1,29 tỉ USD) cho 2 triệu hộ nông dân để cải thiện giá gạo Jasmine, theo Reuters. Điều kiện cho vay là nông dân phải trữ gạo trong 6 tháng nhằm giảm nguồn cung tuôn vào thị trường.
Chính phủ Thái cũng sẽ đẩy mạnh việc bán gạo thông qua một số biện pháp, như giữa chính phủ với chính phủ (G2G), giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng. Để xúc tiến việc bán gạo theo kiểu G2G, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ tiến hành các chuyến khảo sát tới nhiều thị trường xuất khẩu gạo, bắt đầu từ Malaysia trong tháng này, kế đến là Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Iran, Iraq, các nước châu Phi rồi tới Hồng Kông, Mỹ, Canada, châu Âu và Trung đông.
Dù đã có nhiều biện pháp ứng phó, nhưng giá gạo ở Thái Lan được cho là sẽ tiếp tục giảm sâu trong vài tuần tới vì nước này đang bước vào mùa gặt, với sản lượng có thể lên tới 25 triệu tấn, theo Bangkok Post.
Nông dân lao đao
Cuộc khủng hoảng giá gạo hiện nay khiến một số nông dân Thái lâm vào cảnh nợ nần khó trả. Theo báo The Nation, nông dân Supakit Panplaek ở tỉnh Phichit thuộc miền bắc Thái Lan hồi tuần rồi đã treo cổ tự sát trên cây trong cánh đồng lúa của ông và gia đình khẳng định nguyên nhân là do giá lúa giảm. Họ cho hay ông Supakit đã bị căng thẳng về món nợ gần 1 triệu baht (gần 643 triệu đồng). Theo tờ Bangkok Post, ban lãnh đạo Hiệp hội Các chủ nhà máy xay lúa Thái Lan vừa từ chức vì không giúp được nông dân nước này và đẩy giá gạo lên.
Trước đó, Thủ tướng Thái Prayut Chan-o-cha công khai cáo buộc các chủ nhà máy xay lúa câu kết với giới chính trị gia địa phương đẩy giá gạo xuống để phục vụ cho những mục đích chính trị. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Manas Kitprasert đã bác bỏ cáo buộc, lập luận rằng chủ nhà máy không phải là bên ra giá gạo mà vai trò này thuộc về những nhà xuất khẩu.

 

Văn Khoa