16/11/2024

Có nên xưng “con” trong giảng đường?

Không biết từ lúc nào, ở trường THPT định hình dần thói quen học trò gọi thầy/cô và xưng con; nhiều thầy/cô mới ra trường, chắc cũng chỉ hơn học sinh lớp 12 khoảng 5-7 tuổi, thường gọi học trò bằng “con” một cách rất tự nhiên, thân mật.

 

Có nên xưng “con” trong giảng đường?

Không biết từ lúc nào, ở trường THPT định hình dần thói quen học trò gọi thầy/cô và xưng con; nhiều thầy/cô mới ra trường, chắc cũng chỉ hơn học sinh lớp 12 khoảng 5-7 tuổi, thường gọi học trò bằng “con” một cách rất tự nhiên, thân mật.

 

 

 

Có nên xưng “con” trong giảng đường?

Thậm chí, cách xưng hô này cũng bắt đầu xuất hiện trong môi trường ĐH, nơi mà trước kia giảng viên dù lớn tuổi đến mấy vẫn gọi sinh viên là anh/chị.

Có ý kiến cho rằng đó là chuyện nhỏ! Người Việt Nam vốn có truyền thống tôn sư, xem thầy như cha nên gọi như thế cũng là phải đạo. Vả lại, còn biết bao việc lớn phải lo, chuyện xưng hô thầy trò thế nào chỉ là thói quen, có gì mà phải băn khoăn cho rách việc.

Thiết nghĩ, chuyện tưởng nhỏ mà không hề nhỏ bởi trong môi trường sư phạm, mỗi hành vi, cử chỉ, từ dùng… đều phải mang tính chuẩn mực, có ý nghĩa nhất định về mặt giáo dục, nhất là khi những chi tiết rất nhỏ đó được lặp đi lặp lại suốt thời gian học tập.

Khi học sinh quen xưng “con” với thầy cô đến mức dùng cả từ này trong lúc phát biểu, thuyết trình, thảo luận hay kiêng dè cả việc xưng “tôi” để thể hiện nhận thức bản thân về một vấn đề của đời sống trong bài nghị luận xã hội thì đó thực sự là một hiện tượng đáng quan ngại.

Nó tác động sâu vào ý thức, định hình một lối suy nghĩ tự ti, thiếu bản lĩnh, ít dám phát biểu quan điểm riêng hay mạnh dạn đấu tranh cho chính kiến của cá nhân vì lúc nào cũng thấy mình nhỏ bé.

Thầy cô thì gọi học sinh của mình bằng “con” mãi thành nếp, cứ nghĩ chúng là “con cháu” trong nhà, sức vóc đã lớn nhưng tâm hồn vẫn bé bỏng, thơ ngây, phải đích thân dọn cỗ, “mớm” kiến thức đến tận miệng mà vẫn còn sợ học trò không tiêu hóa được.

Suy nghĩ đó vô tình đã khiến học sinh rơi vào tâm lý ỷ lại, trông chờ cha mẹ, thầy cô lo lắng, bảo bọc. Nó triệt tiêu nỗ lực của những nhân cách đang rất cần ý thức rõ mình phải chuẩn bị để trở thành người lớn.

Thực ra cũng không nhất thiết phải gọi học sinh THPT là “anh/ chị” trong môi trường học tập, nhưng nên chăng thầy/cô đừng gọi học sinh là “con”.

Hãy tìm mọi cách chú ý đến những chi tiết tưởng như nhỏ nhặt như chọn một cách xưng hô phù hợp để giúp học sinh mạnh mẽ, dạn dĩ trong giao tiếp, tranh luận, rèn luyện cho những người trẻ biết tự tin mang cái “tôi” của mình đàng hoàng bước vào đời!

“Không phải ngẫu nhiên trong các đề thi văn cấp THPT, người ra đề luôn dùng từ xưng hô “anh/chị” khi nêu yêu cầu trả lời. Đó không hẳn là một thói quen sử dụng ngôn từ có tính công thức, mà ẩn trong đó là một triết lý giáo dục thể hiện tinh thần tôn trọng, xem học sinh là những nhân cách đang trong thời kỳ chuẩn bị trưởng thành”

 
NGUYỄN KIM CHÂU, (TRƯỜNG ĐH CẦN THƠ)