23/12/2024

Những cách “cứu” hồ sơ học bổng du học

Không ít bạn trẻ tin rằng sẽ rất khó xin học bổng du học, cũng như không thể đậu vào các trường đại học tốp đầu tại Mỹ nếu hồ sơ của mình kém “hoành tráng”.

 

Những cách “cứu” hồ sơ học bổng du học

 Không ít bạn trẻ tin rằng sẽ rất khó xin học bổng du học, cũng như không thể đậu vào các trường đại học tốp đầu tại Mỹ nếu hồ sơ của mình kém “hoành tráng”. 

 

 

 

Những cách “cứu” hồ sơ học bổng du học
Bạn Châu Anh Quân (giữa) là đại diện của Trường ĐH Dickinson tại hội thảo du học VietAbroader 2016 – Ảnh: Q.A.

“Điểm số là một tài sản quý nhưng là “tài sản chết”, trong khi bài luận là một “tài sản sống động” và mang giá trị chiến thuật cao trong khâu ứng tuyển

TRẦN ĐẮC 
MINH TRUNG 
(thạc sĩ ĐH Harvard, 
Hoa Kỳ)

Tuy nhiên vẫn có những cách “cứu” hồ sơ xin học bổng, ứng tuyển vào các trường đại học lớn tại Mỹ. Dưới đây là chia sẻ của một số bạn trẻ xin học bổng thành công.

Tài năng không là tất cả

Nhiều học sinh Việt thường nghĩ các trường đại học tại Mỹ luôn xem điểm số và hoạt động xã hội là hai yếu tố sống còn để đánh giá hồ sơ nhưng trên thực tế, theo bạn Trần Đắc Minh Trung (sinh năm 1985, thạc sĩ ĐH Harvard, Hoa Kỳ), hai điều này chỉ mang tính tương đối, cần phải kể đến vài yếu tố khác như: hiểu rõ vấn đề tài chính của trường (mỗi trường có số học bổng và giá trị học bổng khác nhau), bộ hồ sơ hoàn chỉnh, độc đáo (từ thư giới thiệu, tài liệu cá nhân, bài luận… phải liền mạch, bổ sung cho nhau)…

Tự nhận bản thân “rất bất ngờ” khi nhận được học bổng ĐH Dickinson (Hoa Kỳ), bạn Châu Anh Quân (sinh 1998) dí dỏm cho biết kết quả này một phần đến từ sự “liều mạng” và may mắn khi nhận thấy hồ sơ mình chưa tốt: “Tôi cố gắng làm mọi cách để “cứu” hồ sơ của mình. Tôi tìm đến các anh chị đi trước xin lời khuyên từ họ về việc chọn trường hợp khả năng, trau chuốt hồ sơ kỹ nhất trong mức có thể, đầu tư vào bài luận và… động viên chính mình…”.

Bạn Vũ Kim Khánh (18 tuổi, học bổng ĐH Princeton, Hoa Kỳ) cho biết việc tạo được ấn tượng tốt trong vòng phỏng vấn cũng rất hiệu quả trong việc “cứu” hồ sơ.

Với bạn Nguyễn Duy Kiên (sinh năm 1990, học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường kỹ sư Viterbi thuộc ĐH Nam California, Hoa Kỳ), lưu ý cần tạo mối quan hệ tốt với các giáo sư trong ngành, những người cố vấn bởi điều ấy sẽ giúp bạn đánh giá khách quan hồ sơ, hiểu rõ thế mạnh hay bất lợi khi nộp đơn lựa trường, đặc biệt sẽ biết được các giáo sư ở những ĐH trên đang cần gì, từ đó mình chủ động liên hệ, tăng thêm cơ hội bản thân…

Những cách “cứu” hồ sơ học bổng du học
NCS.TS Nguyễn Duy Kiên (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm xin học bổng tại một hội thảo du học ở TP.HCM hè 2016 – Ảnh: C.NHẬT

Sức mạnh của bài luận

Nói về sức mạnh của bài luận, Minh Trung khuyên các bạn trẻ nên chuẩn bị viết luận thật kỹ lưỡng, không để xảy ra tình trạng “đua nước rút” vào giờ chót.

Bạn cũng chia sẻ thêm để viết tốt bài luận thì nên tránh đi vào lối mòn. Rất dễ xảy ra tình huống ban tuyển sinh đánh giá thấp ứng viên vì yếu tố trên do họ đã đọc qua rất nhiều bài luận tương tự.

Về nghệ thuật viết, cần có những chi tiết nào, cao trào ra sao, điểm nhấn gì… Nếu ứng viên có thể làm điều này thì khả năng thành công là khá lớn.

Đồng thời một bài luận còn phải thể hiện tính hàn lâm trong học thuật (đặc biệt cần thiết khi bạn học các ngành có tính kỹ thuật cao hoặc có dự định học lên cao học).

Còn theo Anh Quân, khi viết bài luận thì điều đầu tiên cần làm là đọc sách để biết nên viết như thế nào, cách diễn đạt ra sao… Kế đến là đọc các bài luận từ các trường ĐH danh tiếng để được truyền cảm hứng và xem mình được tự do đến đâu.

Đồng quan điểm, bạn Kim Khánh tiết lộ: “Bài luận nhất thiết cho thấy điểm gì đó riêng biệt, nhưng là về khía cạnh tốt chứ không phải “lập dị”, tránh kể lể chuyện riêng tư, sa đà vào các tiểu tiết, phải có sự lồng ghép kiến thức về xã hội”.

Với Anh Quân, bài luận là một vũ khí rất lợi hại để các ứng viên thể hiện được nhiều điều. “Người ta cần biết mình là con người như thế nào, thái độ sống ra sao…

Và cách hiểu rõ điều đó nhất không đâu khác là thông qua bài luận. Nếu điểm số thể hiện trình độ của bạn, thì bài luận sẽ thể hiện xem bạn có phù hợp với một trường ĐH hay không”.

Trong trường hợp may mắn vẫn chưa mỉm cười? “Hãy xem đó là cơ hội nhìn lại bản thân, các yếu tố bạn có thể cải thiện. Chúng ta không nên bị áp lực bằng mọi giá phải đậu ĐH, có học bổng ngay để rồi từ đó hoài nghi năng lực bản thân.

Cá nhân tôi khi mới ra trường nhận thức mình chưa có công trình nghiên cứu nào, điểm học ĐH thấp… nên hiểu khả năng nhận được học bổng là rất thấp.

Tôi từng dời việc nộp hồ sơ lại một năm, tập trung vào việc nghiên cứu và mở rộng các mối quan hệ, học thêm tiếng Anh… và thành công cuối cùng cũng đến” – Duy Kiên đúc kết.

Theo Huffington Post, khi phỏng vấn các chuyên gia tuyển sinh tại nhiều trường ĐH lớn, đa số họ đánh giá bài luận chiếm 30-50% “sức nặng” trong việc cân nhắc nhận, cấp học bổng cho sinh viên.

CÔNG NHẬT