01/11/2024

Nhiều doanh nghiệp niêm yết lãi lớn

Nhiều doanh nghiệp niêm yết bất ngờ báo lãi cao ngất ngưởng trong quý 3, khiến nhà đầu tư mừng như mở cờ trong bụng.

 

Nhiều doanh nghiệp niêm yết lãi lớn

Nhiều doanh nghiệp niêm yết bất ngờ báo lãi cao ngất ngưởng trong quý 3, khiến nhà đầu tư mừng như mở cờ trong bụng.




Ngành thủy sản đang gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp công bố lãi cao đột biến /// Ảnh: Dung Minh

 

Ngành thuỷ sản đang gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp công bố lãi cao đột biếnẢNH: DUNG MINH

Tính đến thời điểm này, có 400 doanh nghiệp (DN) niêm yết trên cả hai sàn công bố báo cáo tài chính quý 3. Bức tranh kết quả kinh doanh năm nay có vẻ sáng sủa khi nhiều DN báo lãi lớn và vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2016. Trong khi đó, số báo lỗ chỉ có 40 DN, chiếm tỷ trọng 10%, với tổng mức lỗ ròng khoảng 170 tỉ đồng. Đặc biệt, có 50/402 DN có lợi nhuận quý 3 tăng khủng từ 300% trở lên so cùng kỳ năm ngoái. Có những DN như Công ty CP Viglacera Hạ Long 1 (HLY), Công ty CP XNK An Giang (AGM) tuy con số lợi nhuận không cao, nhưng mức tăng đột biến cả ngàn lần.
Lợi nhuận DN tăng mạnh vì nhiều lý do, như giá bán tăng làm tăng lợi nhuận, chi phí lãi vay giảm, sản lượng hàng hóa tăng mạnh, thậm chí có công ty nhờ thanh lý tài sản… Như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) vừa báo lãi đột biến quý 3 với 131 tỉ đồng (sau thuế), tăng 122% so cùng kỳ. Nguyên nhân là doanh thu tăng vọt 30%, trong khi chi phí tài chính giảm mạnh 80%. Nhờ đó, lũy kế 9 tháng VHC đạt 456 tỉ đồng, tăng tương ứng 80% so cùng kỳ năm ngoái, vượt 30% kế hoạch lợi nhuận của cả năm là 350 tỉ đồng. Còn Công ty CP thương mại Bia Hà Nội (HAT), nhờ sản lượng bia tăng mạnh, như bia 50 lít vượt 11%, bia 2 lít vượt 42%, đã đưa lợi nhuận quý 3 đạt 23,7 tỉ đồng, tăng gần 100% so cùng kỳ, lũy kế 9 tháng đạt 40 tỉ đồng.
Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh đã đẩy lãi quý 3 của Công ty CP đầu tư cầu đường CII (LGC) tăng gấp gần 5 lần. Cụ thể, doanh thu của LGC tăng hơn 60% so cùng kỳ, giá vốn hàng bán cũng giảm từ gần 60% xuống khoảng 45%, đưa lãi gộp đạt 65 tỉ đồng, cao gấp 2 lần cùng kỳ. Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính của LGC tăng mạnh 54%, lên hơn 400 tỉ đồng, trong đó lãi tiền gửi tăng 376%, nên dù chi phí tài chính, chi phí quản lý DN tăng cao, thì LGC vẫn lãi ròng hơn 197 tỉ đồng, tăng mạnh so với 41 tỉ đồng của quý 3 năm trước.
Doanh nghiệp lớn lãi, doanh nghiệp nhỏ được nhờ
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, cho rằng hầu hết DN trong rổ chỉ số VN30 có kết quả kinh doanh đạt và vượt so với kế hoạch năm đề ra. Số DN lỗ trên sàn là nhỏ, phần lớn đang chịu áp lực từ nội tại của công ty, hay gặp rủi ro không lường trước được của thị trường. DN có sức bật nhờ GDP quý 3 tăng trưởng tốt hơn, với sức tăng trưởng trong xu thế đi lên. Ngoài ra, tính toán cho thấy số lượng DN đạt thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) khá cao. Số DN đạt EPS trên 5.000 đồng, nghĩa là cứ 2 đồng vốn DN sinh được 1 đồng lãi, là không ít. Ông dẫn chứng, hiện tượng trên sàn hiện nay là Coteccons với doanh thu 9 tháng đạt 13.462 tỉ đồng, tương đương doanh thu của năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 961 tỉ đồng, gấp đôi cùng kỳ và cao hơn 30% so với năm 2015. Tính ra, Coteccons có EPS là 19.445 đồng/CP và là đơn vị làm ra lãi lớn nhất trên sàn. “Những DN sinh lãi lớn sẽ còn hút thêm dòng tiền của nhà đầu tư trong thời gian tới”, ông nhận định.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, thống kê số lượng DN có lãi áp đảo, nhưng đó chưa cho thấy toàn bộ bức tranh kết quả kinh doanh năm nay. Bởi thị trường cũng vừa bắt đầu vào mùa công bố báo cáo tài chính quý 3 và thông thường các DN công bố kết quả cao, có lãi đi trước, các DN thua lỗ công bố trễ hơn. Hơn nữa, nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì có đến 40% DN công bố vẫn có lãi quý 3 nhưng lãi đã sụt giảm so cùng kỳ. Có những DN sụt giảm lãi 50 – 100%, như TIX giảm 55%, VE4 giảm 80%, PPI giảm 87%, BMC giảm 63%, SJS giảm lãi gần 100% so cùng kỳ… “DN vẫn có lãi nhưng tốc độ tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng, DN chưa ở phong độ tốt nhất của mình. Điều này cho thấy nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, và DN vẫn đang chật vật đối mặt với khó khăn”, ông Hiển phân tích.
Ngoài ra, theo ông Hiển, đa số các DN lên sàn là những DN mạnh, dẫn đầu thị trường, có thương hiệu, tiềm lực tài chính, là những DN ưu tú trong nền kinh tế, chưa phản ánh được hết tình hình kinh doanh của 99% DN trong nền kinh tế là vừa, nhỏ và siêu nhỏ đang gặp khó khăn. “Tuy nhiên, các DN trên sàn lãi, hoạt động tốt cũng là chỉ dấu cho thấy DN nhỏ được cậy nhờ vì đa phần DN nhỏ gia công, cung cấp dịch vụ cho DN lớn; nền kinh tế đang trong xu hướng đi lên, bởi thị trường chứng khoán được coi là kim chỉ nam của nền kinh tế”, ông Hiển nói.
Vị trí quán quân lãi cao nhất trên sàn đang thuộc về VCB, với lợi nhuận quý 3 đạt 1.636 tỉ đồng, tăng 40% cùng kỳ, luỹ kế 9 tháng đạt 5.000 tỉ đồng. Kế sau đó là GAS với 4.900 tỉ đồng, BIDV 4.500 tỉ đồng, HPG 4.650 tỉ đồng. Còn lỗ lớn nhất sàn, tính đến nay là Công ty CP nhiệt điện Phả Lại (PPC), với khoản lỗ quý 3 là 646 tỉ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 72 tỉ; lỗ lũy kế 9 tháng gần 300 tỉ đồng, trong khi năm trước lãi hơn 422 tỉ đồng. Nguyên nhân lỗ là lượng điện sản xuất thấp hơn 23% và lỗ chênh lệch tỷ giá gần 85 tỉ (năm ngoái lãi 252 tỉ đồng).

 

Hồng Sương