24/12/2024

Nên cân nhắc việc đánh thuế người sở hữu nhiều nhà

Trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan đến đề xuất nghiên cứu tính thuế đối với căn nhà thứ hai trở lên, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải hết sức thận trọng khi người dân đang gánh quá nhiều thuế phí.

 

Nên cân nhắc việc đánh thuế người sở hữu nhiều nhà 

 Trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan đến đề xuất nghiên cứu tính thuế đối với căn nhà thứ hai trở lên, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải hết sức thận trọng khi người dân đang gánh quá nhiều thuế phí.

 

 

 

Nên cân nhắc việc đánh thuế người sở hữu nhiều nhà 
Nhiều chuyên gia cho rằng phải cân nhắc thận trọng việc đánh thuế người sở hữu nhiều nhà (ảnh minh hoạ) – Ảnh: Tự Trung

Theo các chuyên gia, chưa nên tính đến việc đánh thuế này để tránh việc dư luận cho rằng Nhà nước tận thu.

PGS.TS Đỗ Đức Định 
(chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu kinh tế 
xã hội Việt Nam):

Người dân đang gánh quá nhiều thuế, phí

Theo tôi, Bộ Tài chính cần cân nhắc thận trọng, đừng để người dân nghĩ rằng do ngân sách khó khăn quá nên đưa ra chính sách này. Trong thực tế, người dân và các tổ chức hiện đang nộp quá nhiều thuế, phí.

Nếu đánh thuế quá cao sẽ gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như túi tiền của người dân. Không cẩn thận, tính toán kỹ lưỡng, người dân sẽ không đồng thuận và sẽ nghĩ rằng Nhà nước tận thu.

Ông Nguyễn Hữu Cường (chủ tịch CLB Bất động sản 
Hà Nội):

Phải xem xét 
thấu đáo

Mục tiêu của chính sách thuế này là nhằm ngăn ngừa tình trạng đầu cơ bất động sản (BĐS), nhưng phải xem tình hình thị trường BĐS ở nước ta hiện nay ra sao.

Phát triển thị trường BĐS đóng góp một phần rất lớn vào sự phát triển nền kinh tế nói chung, mà phát triển thị trường này đồng nghĩa với việc đầu tư xây dựng BĐS, mua – bán, cho thuê…

Việc đầu cơ chỉ xảy ra trong bối cảnh khan hiếm hàng hoá, thị trường ảm đạm hoặc chính sách và thực tế tiếp cận cơ hội mua bán BĐS của người dân gặp khó khăn.

Các tổ chức hay cá nhân sẽ tận dụng tình trạng này để ém hàng, chờ thời cơ bung ra bán với giá cao hơn nhiều so với mức ban đầu để trục lợi cho cá nhân, gây bất lợi và thiệt hại cho người dân nói chung.
 Trong khi đó, thị trường BĐS trong nước, đặc biệt ở những đô thị lớn, đang có nguồn cung rất dồi dào.

Tình trạng đầu cơ để trục lợi không quá lo ngại, thậm chí hiếm khi xảy ra mà chủ yếu là hoạt động mua bán, đầu tư BĐS thông thường. Do vậy, mục tiêu nhằm “ngăn ngừa đầu cơ” của chính sách đánh thuế nói trên là chưa hiệu quả, chưa sát thực tế.

Chính sách này cũng không khả thi và có khả năng phát sinh nhiều tiêu cực, bởi việc kiểm soát tài sản cá nhân tại VN thời gian qua chưa chặt chẽ.

Để “lách” được việc đánh thuế, người sở hữu nhiều tài sản BĐS cùng lúc vẫn sẽ áp dụng “chiêu” quen thuộc là nhờ người thân (vợ – chồng, anh, chị, em, bạn bè thân quen…) đứng tên giúp. Và khi đó còn có nguy cơ phát sinh các hệ lụy đi kèm như tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, chưa kể chuyện cấu kết tiêu cực.

Ông Phạm Thanh Hưng (phó chủ tịch Tập đoàn 
CEN Group):

Không chỉ thị trường BĐS bị ảnh hưởng

Mục tiêu đánh thuế là để điều tiết thu nhập của người giàu cho người nghèo. Nếu đánh thuế với nhà thứ hai trở lên, những người có một nhà mà rộng tới 200 – 300m2 lại không phải nộp thuế, trong khi nhiều người có hai nhà nhưng diện tích cộng lại chỉ 
60 – 70m2 vẫn phải chịu thuế.

Như vậy là không công bằng. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp một nhà với diện tích rộng nhưng có đến ba thế hệ sinh sống. Nếu đánh thuế cũng không 
hợp lý.

Do đó, để chính sách hợp lòng dân, trước hết nên đưa ra hạn mức sử dụng nhà và chỉ nên tính thuế phần vượt hạn mức.

Trường hợp nhà rộng nhưng có nhiều thế hệ ở, không đảm bảo hạn mức sử dụng này thì không đánh thuế. Tuy nhiên, việc thu thuế với nhà nếu được áp dụng chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS nói riêng và các lĩnh vực liên quan nói chung.

TS Nguyễn Đức Độ 
(viện phó Viện kinh tế – tài chính, Học viện Tài chính):

Chỉ nên đánh theo giá trị nhà

Nếu nhằm đảm bảo mục tiêu điều tiết thu nhập, chỉ nên tính theo giá trị nhà. Trước đây, dự án Luật thuế nhà đất đưa ra là nhà 600 triệu đồng, sau đó nâng lên nhà 1 tỉ đồng sẽ chịu thuế. Tức là sẽ tính thuế trên phần giá trị trên 1 tỉ đồng.

Tuy nhiên, cơ quan xây dựng chính sách cần tính toán cho phù hợp với điều kiện thực tế. Trong thực tế, người giàu mới có tiền ở nhà rộng, còn người nghèo nếu có căn nhà thứ hai nhưng cả hai nhà đều có diện tích nhỏ cũng cần xem xét thấu đáo.

TS Đinh Thế Hiển (chuyên gia kinh tế):

Phải đảm bảo công bằng

Khái niệm đánh thuế theo số lượng sở hữu một, hai hay ba nhà hết sức trừu tượng. Người chỉ có một nhà nhưng diện tích rộng, được xây lên nhiều tầng cho thuê sẽ có giá trị còn gấp nhiều lần tổng diện tích của người có 2-3 nhà nhưng diện tích nhỏ.

Do đó, nếu áp dụng chỉ nên đánh thuế diện tích vượt quá diện tích nhà ở bình quân đầu người cho từng khu vực theo quy định.

Tuy nhiên, trước tiên Bộ Xây dựng phải tính toán chi tiết hơn về khung quy định diện tích nhà ở bình quân đầu người đối với từng đô thị trong cả nước để làm cơ sở mới tạo được sự công bằng trong việc đóng thuế nhà đất giữa người dân các đô thị.

Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):

Nhiều người có 2-3 nhà nhưng diện tích nhỏ

Nhà nước không nên thu thuế tài sản với nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị thấp…

Đặc biệt, không thu thuế này đối với các hộ gia đình có 2-3 nhà nhưng diện tích nhỏ, tổng diện tích dưới 200m2, không đạt mức chuẩn bình quân diện tích nhà ở tối thiểu theo quy định của TP… Phần lớn những đối tượng này là những người thu nhập thấp ở đô thị và người nhập cư.

TIẾN LONG ghi

LÊ THANH – LÂM HOÀI GHI