25/01/2025

Đào tạo chưa gắn với nhu cầu xã hội

Doanh nghiệp cần nguồn lao động lớn nhưng không tìm được người phù hợp do không đáp ứng được nhu cầu, là câu chuyện không mới nhưng lại vô cùng nghiêm trọng trong giai đoạn hiện nay, khi mà sự cạnh tranh của lao động nước ngoài vào VN ngày càng khốc liệt, trong khi đó tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp ngày một tăng.

 

Đào tạo chưa gắn với nhu cầu xã hội

Doanh nghiệp cần nguồn lao động lớn nhưng không tìm được người phù hợp do không đáp ứng được nhu cầu, là câu chuyện không mới nhưng lại vô cùng nghiêm trọng trong giai đoạn hiện nay, khi mà sự cạnh tranh của lao động nước ngoài vào VN ngày càng khốc liệt, trong khi đó tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp ngày một tăng.


 



 

 

Theo các chuyên gia, hầu hết sinh viên ra trường phải đào tạo lại để làm việcẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 

Hầu hết phải đào tạo lại
Tại hội thảo về đào tạo và nghiên cứu kinh tế thị trường của các trường ĐH VN diễn ra hôm qua (4.11) ở Hà Nội, các diễn giả đã đưa ra những thách thức mà các trường đào tạo kinh tế ở VN hiện nay đang đối mặt.
Theo tiến sĩ Vũ Văn Họa, Phó tổng kiểm toán nhà nước, thực tế sử dụng lao động ở các doanh nghiệp cho thấy đào tạo nhân lực ngành kinh tế trong nước hiện có nhiều bất cập, hầu hết đều phải đào tạo lại. Lỗi này một phần do nhà nước vì các chính sách, chế độ thay đổi liên tục khiến sinh viên (SV) mới ra trường không kịp tiếp cận, một phần do cách nhà trường đào tạo. Thách thức này buộc các trường phải suy nghĩ làm thế nào để đào tạo gắn với nhu cầu xã hội. Chẳng hạn như tăng thời lượng đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, tăng thời gian đào tạo thực tế. Theo ông Họa, hiện nay việc SV đi thực tập rất hình thức, cốt hợp thức hoá các thủ tục, quy trình đào tạo.


PGS-TS Bùi Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển, đưa ra một thực tế khác là khoảng cách quá lớn giữa hoạt động nghiên cứu của giảng viên các trường kinh tế và nhu cầu của các cơ quan hoạch định chính sách. “Những nghiên cứu của chúng ta rất hàn lâm nhưng đưa được một vấn đề vào một chính sách cụ thể nào đó là quá trình hoàn toàn khác. Ngược lại, giới hoạch định chính sách rất cần nhiều nghiên cứu cơ bản để bổ sung vào chính sách nhưng lại rất khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin. Họ không biết là đã có những ai, ở đâu nghiên cứu về vấn đề họ đang phải giải quyết”, ông Hùng cho biết.
Một giảng viên của Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng cho biết khi ông và đồng nghiệp đi khảo sát, nghiên cứu ở địa phương thì nhận thấy việc điều hành ở đó không khác gì 30 năm trước đây. Một chi cục bảo vệ thực vật cho biết mỗi năm họ phải làm tới 8 kế hoạch mà những kế hoạch này chỉ để phục vụ mỗi việc… báo cáo cấp trên. Giảng viên này cho rằng đây là một khoảng trống trong trình độ nhân lực, thể hiện tư duy lạc hậu, rất đáng báo động.


Đốt đuốc tìm người
Ông Rechard Tsai, chủ tịch một tập đoàn sản xuất linh kiện xe đạp của Đài Loan, cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi có mặt ở VN đã 16 năm, có nhà máy sản xuất ở VN nhưng trong suốt những năm qua, chúng tôi không thể tìm kiếm được người phù hợp để làm công việc đúng chuyên môn và có năng lực tại đây. Việc tuyển dụng của chúng tôi rất khó khăn. Đa số phải tự đào tạo hoặc thuê các chuyên gia ở các nước khác với chi phí rất cao. Chẳng hạn chúng tôi cần một nhân viên thiết kế mẫu mã sản phẩm nhưng sau nhiều lần tuyển, cuối cùng không ai làm được, chúng tôi đành phải chọn người thợ trực tiếp làm ra sản phẩm ấy đào tạo thành một nhân viên thiết kế. Đặc biệt là quản lý cấp trung và cấp cao thì càng khó kiếm”.
Được biết, doanh nghiệp này đang chuẩn bị xây dựng một khu sản xuất tại VN cung cấp tới 15.000 – 20.000 việc làm cho người lao động trình độ trung cấp trở lên. Trong đó, cần nhiều nhất là kỹ thuật viên và kỹ sư nhưng họ đang lúng túng không biết sẽ tuyển từ những nguồn nào để đáp ứng được đúng yêu cầu công việc.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search, nhìn nhận: “Đúng là có những thách thức về nhân sự đối với những doanh nghiệp nước ngoài mới đến VN vì họ có những yêu cầu rất cao về chuyên môn, ngoại ngữ cũng như kỹ năng mềm”.


Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, một số doanh nghiệp nước ngoài phản ánh rất khó khăn trong việc tìm được nhân sự ở các vị trí kỹ thuật viên, kỹ sư, các vị trí quản lý cấp trung và cấp cao. “Có doanh nghiệp đầu tư tại VN từ năm 1999 phải chấp nhận lỗ mất vài năm đầu do không tuyển được nhân sự làm được việc. Đặc biệt, họ phàn nàn vì người lao động VN có nhận thức rất kém về vai trò chất lượng sản phẩm trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, nên làm việc rất thiếu trách nhiệm”, ông Vinh cho hay.
Một giảng viên tại TP.HCM buồn bã kể: “Để được làm một công nhân trong nhà máy chế tạo chip của Intel hay Samsung có khi người có bằng kỹ sư ở ta cũng khó mà được nhận. Bởi cái họ cần ngoài chuyên môn còn là kỹ năng, thái độ làm việc, những cái mà lao động VN còn rất yếu”.
Đào tạo chưa gắn với nhu cầu xã hội - ảnh 4

TIN LIÊN QUAN

Trường trung cấp ‘chết’ trước thời hạn

Bộ GD-ĐT quy định năm 2016 là thời hạn cuối cùng để các trường ĐH dừng việc tuyển sinh và đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Trên thực tế, nhiều trường ĐH đã bỏ hẳn bậc học này từ trước đó nhưng trường trung cấp vẫn ‘không sống được’.


Nhu cầu cao nhưng ít người đáp ứng
Theo bà Vân Anh, hằng năm có thêm rất nhiều cử nhân, kỹ sư nhưng lại khan hiếm người giỏi. “Người giỏi ở đây là người có thể làm tốt được nhiều việc một lúc, đáp ứng được yêu cầu không chỉ về chuyên môn mà còn cả các kỹ năng mềm, trong đó đặc biệt là phải thành thạo ngoại ngữ. Tuy nhiên, thực tế tìm được những nhân sự như vậy là rất khó khăn. Nhu cầu thì cao nhưng hiếm người đáp ứng được các tiêu chí đó”.
Để xây dựng được một chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng các trường phải mạnh dạn cắt bỏ những nội dung cũ, thừa không gắn với việc hình thành giá trị lao động và đổi mới phương pháp dạy theo hướng hình thành năng lực làm việc. “Nhưng vai trò của người học cũng vô cùng quan trọng. Nếu đi học với mục đích cần mảnh bằng hơn là giá trị thực của trình độ, nếu không chăm chỉ, tích cực học tập… thì sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp dù thị trường lao động rất rộng mở”, ông Vinh nhận định.
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, chia sẻ: “Với sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN, các hiệp định thương mại thế hệ mới thì rõ ràng sự cạnh tranh của lao động trong nước với lao động nước ngoài vào VN ngày càng khốc liệt. Chính vì thế bên cạnh việc đào tạo kiến thức, kỹ năng, chúng tôi rất ưu tiên đào tạo về ngoại ngữ, nếu không chúng ta thua ngay trên sân nhà, khi lao động Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia… vào thị trường lao động VN”.
Mấu chốt là khả năng tự học
Đại diện nhiều doanh nghiệp của Đài Loan trong một hội thảo gần đây nhận định trường ĐH ở VN đào tạo kiến thức chuyên môn rất tốt nhưng việc đào tạo kỹ năng để sinh viên có thể sẵn sàng đáp ứng công việc thì chưa làm được.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thừa nhận: “Các trường ĐH vẫn đang nỗ lực để đào tạo ra những kỹ sư, cử nhân giỏi chuyên môn nhưng chỉ cần 2 năm là chuyên môn ấy bị lạc hậu. Công nghệ thay đổi, thực tế xã hội thì vận động không ngừng. Vậy mấu chốt ở đây là phải đào tạo ra những con người có khả năng tự học để có thể thích nghi được với tốc độ phát triển của xã hội. Theo đó, có 2 yếu tố tiên quyết trong bối cảnh hiện nay là ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Doanh nghiệp nước ngoài ở VN đang rất khát nhân lực, đây chính là cơ hội của trường ĐH – CĐ ”.

 

Mỹ Quyên – Quý Hiên