01/11/2024

Nước mắm lo thiếu cá cơm

Tại hội nghị bàn giải pháp bảo vệ và phát triển nước mắm truyền thống diễn ra ở Phú Quốc (Kiên Giang) ngày 2-11, nhiều ý kiến lo ngại khi sản lượng cá cơm sụt giảm, đe dọa nghề sản xuất nước mắm truyền thống.

 

Nước mắm lo thiếu cá cơm

 

Tại hội nghị bàn giải pháp bảo vệ và phát triển nước mắm truyền thống diễn ra ở Phú Quốc (Kiên Giang) ngày 2-11, nhiều ý kiến lo ngại khi sản lượng cá cơm sụt giảm, đe dọa nghề sản xuất nước mắm truyền thống.

 

 

 

Nước mắm lo thiếu cá cơm
Nguồn cá cơm sụt giảm có nguy cơ ảnh hưởng đến nghề làm nước mắm truyền thống. Trong ảnh: cá cơm tại Phú Quốc – Ảnh: T.ĐỨC

Cũng tại hội nghị, vấn đề quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng bộ quy chuẩn riêng cho nước mắm và nước chấm, xây dựng thương hiệu nước mắm… cũng được nhiều đại biểu quan tâm.

Cần tính đến tái tạo nguồn cá cơm

Bà Hồ Kim Liên – chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc – kiến nghị Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) phối hợp cùng ngư dân trong việc khai thác đánh bắt cá cơm nhằm chủ động quản lý nguyên liệu đầu vào, bảo đảm chất lượng sản phẩm nước mắm đạt chỉ dẫn địa lý.

Ngoài ra, cần sớm ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia riêng cho nước chấm và sản phẩm nước mắm truyền thống, đặc biệt là nước mắm Phú Quốc nói riêng. Cũng theo bà Liên, việc quy hoạch làng nghề nước mắm truyền thống tập trung và thành lập Bảo tàng nước mắm Phú Quốc cũng cần sớm được thực hiện.

Ông Mai Anh Nhịn – phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – cho rằng việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn cho nước mắm cần căn cứ vào đặc điểm từng vùng miền, không thể lấy thực tế ở vùng này mà áp dụng cho vùng khác dẫn đến thiệt thòi cho người dân và DN.

Theo ông Nhịn, nước mắm Phú Quốc là một sản phẩm du lịch tại địa phương này, phải gắn liền với bảo tồn và phát triển nước mắm Phú Quốc, bảo tồn nguồn cá cơm. Tuy nhiên, các DN nước mắm phải nâng cao chất lượng, làm rõ thông tin sản phẩm.

Theo ông Vũ Văn Tám – thứ trưởng Bộ NN&PTNT, để bảo vệ nước mắm truyền thống phải làm rõ khái niệm và các quy trình, rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến nước mắm và nước chấm.

“Nhà nước cũng cần hỗ trợ các hội sản xuất nước mắm xúc tiến thương mại, đẩy mạnh truyền thông. Các hội nước mắm ở các địa phương phải liên kết để đấu tranh bảo vệ quyền lợi, đề xuất các biện pháp phù hợp để bảo vệ thương hiệu nước mắm truyền thống” – ông Tám nói.

Ông Tám cũng cho biết Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng các địa phương xác định vùng khai thác, truy xuất nguồn gốc, quy hoạch các làng nghề và bảo tàng nước mắm truyền thống. Theo đó, sẽ tập trung điều tra nguồn lợi, dự báo và xác định ngư trường, vùng sinh sản để có giải pháp bảo vệ nguồn lợi cá cơm, đồng thời đề xuất thí điểm quỹ tái tạo nguồn lợi cá cơm cho Phú Quốc.

“Ngành nông nghiệp sẽ tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, xúc tiến xây dựng trạm kiểm ngư, đội tàu kiểm ngư đặt tại Phú Quốc, phục vụ bảo vệ nguồn lợi cho vùng biển phía tây” – ông Tám cho biết.

Bị phản đối vì 
“không mời mà đến”

Cũng tham dự hội nghị, bà Lê Thị Nga – đại diện Tập đoàn Masan – cho biết Masan Phú Quốc hiện có gần 500 thùng chượp với quy trình ủ chượp 12 tháng và hằng năm mua khoảng 10.000 tấn cá, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của nguyên liệu cá cơm.

Theo bà Nga, sản lượng đánh bắt cá cơm trung bình tại vùng biển Kiên Giang cao hơn so với ngưỡng sản lượng khai thác bền vững, cho thấy việc khai thác cá cơm đang diễn ra dưới một áp lực cao.

Bà Nga cũng đề xuất giảm khai thác cá cơm vào mùa sinh sản, tăng kích thước mắt lưới, giảm số lượng phương tiện đánh bắt, đồng thời đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thể xem xét đến việc áp dụng mức thuế đối với ngư dân.

Tuy nhiên, dù thừa nhận Masan là thành viên của Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, nhưng bà Hồ Kim Liên cho rằng Masan không được mời nên “mọi phát biểu của Masan không đại diện cho quan điểm chung của hiệp hội”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tịnh, cố vấn của Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, cho rằng thời gian qua Masan nghiên cứu về nguồn cá và nước mắm cao đạm, bản thân DN này cứ áp dụng, hội nước mắm truyền thống không chấp nhận nghiên cứu này.

Cũng theo bà Tịnh, với các thông tin bất lợi vừa qua cho thấy có sự cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí phá hoại nhắm vào nước mắm truyền thống. “Hôm nay Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc không mời nhưng Masan vẫn đến, vậy thì ai mời và với mục đích gì?” – bà Tịnh nói.

Trước diễn biến này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng đây là chuyện riêng của Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, nên tổ chức cuộc họp riêng để làm rõ, không nên nêu ra trong hội nghị này nhằm tránh mất thời gian của các đại biểu. Về sự xuất hiện của Masan, theo ông Tám, “lịch công tác của lãnh đạo Bộ NN&PTNT được đăng tải công khai trên website nên có một số người quan tâm không mời mà đến”.

Nguồn lợi cá cơm giảm mạnh

Theo Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN&PTNT), trữ lượng cá cơm (nguyên liệu chính của nghề làm nước mắm truyền thống) tại vùng biển Tây Nam bộ đang bị suy giảm mạnh do khai thác ở mức cao. Trong giai đoạn 2014 – 2016, tổng sản lượng cá cơm đánh bắt được chỉ đạt 83.000 tấn/năm, giảm mạnh so với con số 120.000 tấn/năm trong giai đoạn 2004 – 2006.

Trong khi đó, theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, sản lượng cá cơm khai thác của ngư dân trên địa bàn đạt 18.000 – 20.000 tấn/năm, trong đó 70 – 80% phục vụ cho các nhà thùng chế biến nước mắm tại Phú Quốc.

Tuy nhiên, thời gian gần đây có thêm một số thương lái ngoài tỉnh đến mua cá cơm tươi với giá cao, dùng hình thức bảo quản lạnh đưa vào bờ để chế biến xuất khẩu. Do đó giá cá cơm bị đẩy lên tới 17.000 – 18.000 đồng/kg, cao hơn nhiều giá cá cơm ướp muối để đưa vào chế biến nước mắm (10.000 – 11.000 đồng/kg).

Không thể cạnh tranh về giá trong khi nguồn nguyên liệu cá cơm giảm, số nhà thùng ủ chượp nước mắm tại Phú Quốc đã giảm mạnh, từ hơn 100 hộ (năm 2012) còn 58 hộ (năm 2016).

H.TRUNG – T.ĐỨC