23/01/2025

Tự tạo cơ hội: Lên núi trồng rau an toàn

Vốn là thạc sĩ kinh tế, có công việc ổn định tại TP.HCM, nhưng bà Nguyễn Thị Thiện Mỹ (59 tuổi) vẫn quyết định lên khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen, H.Kon Plông (Kon Tum) để trồng rau quả.

 

Tự tạo cơ hội: Lên núi trồng rau an toàn

Vốn là thạc sĩ kinh tế, có công việc ổn định tại TP.HCM, nhưng bà Nguyễn Thị Thiện Mỹ (59 tuổi) vẫn quyết định lên khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen, H.Kon Plông (Kon Tum) để trồng rau quả.




Hoa phong lan, địa lan trong nhà kính của bà Mỹ  /// Ảnh: Phạm Anh

 

Hoa phong lan, địa lan trong nhà kính của bà MỹẢNH: PHẠM ANH

Những ngày đầu, bà Mỹ gặp thất bại liên tiếp. “Mùa đầu tiên, tôi trồng bắp và chuối, nhưng bắp cao chừng 20 cm thì chết, chuối không sinh trưởng, phát triển được”, bà Mỹ kể. Lý do là đất này vốn hoang hóa nên cây rau quả khó phát triển. Đó là chưa kể phải đối diện nhiều khó khăn, nhân công ở đây kỹ năng yếu, thiếu chuyên môn, giá công lao động lại còn cao hơn hẳn so với Đà Lạt.
Không nản chí, bà Mỹ tiếp tục cải tạo đất để tăng độ màu mỡ. Trong sản xuất, bà xoay qua sản xuất luân canh để thị trường dễ tiêu thụ hơn. Cứ thế trong 4 năm đầu, vừa cải tạo đất, bà Mỹ vừa trồng thử nghiệm các loại rau quả và tìm kiếm đối tác, thị trường. Bước qua năm 2015 và 2016, bà Mỹ đã thành công khi chọn trồng những loại rau củ quả thích hợp với khu đất này và bắt đầu thu lợi nhuận.
Theo bà Mỹ, vùng đất đang canh tác thích hợp với các loại rau, quả như: bắp cải, khoai tây, cà rốt, súp lơ, cà chua, măng tây, dâu tây, khoai lang Lệ Cần. Trong số những loại rau quả đó, nếu trồng đồng loạt một loại thì sản phẩm khó bán; hơn nữa có loại không thích hợp với trồng liên tục qua các vụ, nên bà Mỹ chọn cách trồng luân canh theo từng mùa với mỗi loại rau củ khác nhau.
Đưa chúng tôi đến vườn cà chua bi 3.000 m2 đang cho thu hoạch, bà Mỹ cho biết loại này trồng từ 100 – 110 ngày thì thu hoạch. Nếu trồng ngoài trời, thời gian thu giống cà chua này là 3 tháng, còn nếu trồng trong nhà kính thời gian thu hoạch đến 7 tháng.
Hiện tại với 3.000 gốc cà chua bi, cứ mỗi cây cho từ 4 – 5 kg, nếu đóng hộp bán thì có giá 35.000 đồng/kg, còn đóng thùng thì 25.000 đồng/kg. Theo tính toán, số cà chua cho sản lượng từ 12 – 15 tấn/vụ; xuất bán tại Kon Tum, TP.HCM, Gia Lai, Đà Nẵng sẽ thu từ 300 – 525 triệu đồng.
Song song với khoai tây, bà Mỹ trồng 2.500 m2 cây dâu tây trong nhà kính. Vườn dâu tây này đã thu hoạch một vụ, còn hiện tại đang ra hoa để bán trong dịp Tết Nguyên đán 2017. Sau đó, nếu chăm sóc tốt sẽ cho thu hoạch từ 2,5 – 3 năm mới phá bỏ. Loại dâu tây này không dùng chất kích thích, ngon và thơm hơn so các vùng khác, mỗi tháng cho sản lượng 1,5 tấn. Với giá bán 180.000 đồng/kg, bà Mỹ thu về 270 triệu đồng/tháng từ dâu tây. Ngoài bán dâu tây tươi, những quả còn lại hình thức kém hơn, bà Mỹ chế biến rượu, mứt và sấy khô để bán ra thị trường.
Bà Mỹ cho biết, tất cả những loại rau củ quả đang trồng đều được bao tiêu sản phẩm. Theo bà, còn có một cây có triển vọng rất lớn là cây măng tây đang trồng trên diện tích 7.000 m2 với 15.000 gốc. Bà Mỹ dự định bán măng tây trong dịp Tết 2017 để cung cấp cho các nhà hàng tại TP.HCM với giá 60.000 đồng/kg. Loại cây này thu hoạch dài từ 8 – 10 năm, mỗi năm cứ thu 3 tháng thì nghỉ 1 tháng và trong dự kiến, bà Mỹ thu 50 kg/ngày. “Các tư thương ở TP.HCM đang khuyến khích tôi trồng thêm cây măng tây. Bởi như số lượng hiện tại, không đủ cung cấp cho thị trường”, bà Mỹ cho hay.

 

Phạm Anh