23/01/2025

Thời đại robot sát thủ

Lầu Năm Góc đã quyết định xây dựng chiến lược phòng thủ dựa trên cốt lõi là trí thông minh nhân tạo, trong đó có việc chế tạo các robot “sát thủ”.

 

Thời đại robot sát thủ

Lầu Năm Góc đã quyết định xây dựng chiến lược phòng thủ dựa trên cốt lõi là trí thông minh nhân tạo, trong đó có việc chế tạo các robot “sát thủ”.




Cuộc thử nghiệm thiết bị bay không người lái có khả năng nhận dạng mục tiêuTHE NEW YORK TIMES

Một thiết bị bay không người lái kích thước nhỏ di chuyển bên trên một khu dân cư mô phỏng làng mạc ở Trung Đông, với cả phiên bản của đền thờ Hồi giáo.
Không hề có ai đang điều khiển thiết bị này, và nó có bề ngoài không khác những mẫu dễ dàng đặt mua qua mạng. Tuy nhiên, nhờ vào phần mềm trí thông minh nhân tạo tối tân, thiết bị bay này là robot có khả năng truy lùng và xác định khoảng nửa tá mục tiêu cầm trên tay mô hình súng AK-47 đang di chuyển trong làng. Khi hạ dần độ cao, nó khoá mục tiêu nhắm vào một trong những người đang cầm vũ khí.
Đây chính là một cuộc thử nghiệm nhằm đánh giá kế hoạch của Lầu Năm Góc trong nỗ lực thay đổi hoàn toàn cách thức triển khai chiến tranh trong thời gian tới, theo tờ The New York Times.
Chiến lược nhân mã
Trong một động thái hầu như bất ngờ đối với người ngoài cuộc, Lầu Năm Góc đang đặt cược vào trí thông minh nhân tạo (AI) nhằm hy vọng duy trì được vị thế cường quốc quân sự hàng đầu của thế giới.
Theo trang tin Defense News, Washington đang chi hàng tỉ USD cho các dự án chế tạo vũ khí tự hoạt động và hoạt động có sự hỗ trợ của con người, đồng thời xây dựng một kho “đồ chơi” chứa toàn các dạng vũ khí mà mới đây vẫn chỉ tồn tại trong những bộ phim hay sách báo về đề tài khoa học viễn tưởng. Theo đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đang tập trung thiết kế các chiến đấu cơ robot phối hợp cùng chiến đấu cơ do người lái. Các dòng vũ khí này bao gồm tên lửa có thể tự xác định mục tiêu tấn công và thời điểm tiêu diệt, tàu tự hành truy lùng tàu ngầm đối thủ và bám theo đối tượng trong hàng ngàn ki lô mét mà không cần sự hỗ trợ của con người.
 
 
Hiện cuộc tranh luận trong quân đội Mỹ không còn là vấn đề có nên chế tạo vũ khí tự vận hành hay không, mà là chúng sẽ được phép tự quyết đến mức nào. Tướng không quân Paul J.Selva, Phó chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, gần đây tiết lộ Lầu Năm Góc chỉ còn cách khoảng một thập niên nữa trước khi tập hợp đủ công nghệ chế tạo được robot tự vận hành 100%, nghĩa là có thể tự quyết định mục tiêu giết chóc cũng như thời điểm khai hỏa. Đồng thời, tướng Selva cho hay Mỹ chưa hẳn đã bỏ xa những nước khác trên đường đua chế tạo robot chiến trường. Thậm chí, ông còn cảnh báo nhiều khả năng sẽ có cường quốc muốn sở hữu vũ khí như “Kẻ hủy diệt” trong thời gian tới. Thế nhưng, hiện chưa có bất cứ thỏa thuận nào được cộng đồng quốc tế thông qua để giới hạn các dự án phát minh và sản xuất hàng loạt robot chiến đấu, được mệnh danh là vũ khí của tương lai.
 

Cốt lõi của chiến lược chuyển trục đang được Lầu Năm Góc hướng đến là khái niệm được giới chức quân sự ví von là “chiến lược nhân mã”. Được đặt tên theo nhân vật nửa người nửa ngựa trong thần thoại Hy Lạp, đây là chiến lược đặt con người làm trung tâm kiểm soát và vũ khí tự khai hoả chỉ là cách thức nhằm tích hợp, tối đa hoá các kỹ năng sáng tạo và giải quyết vấn đề của binh sĩ, phi công, thủy thủ, chứ không nhằm mục đích thay thế họ. Nói cách khác, mục tiêu của Lầu Năm Góc là hướng tới việc tạo ra những vũ khí kiểu như “Người sắt” (Iron Man) chứ không phải là “Kẻ huỷ diệt” (The Terminator).

Nguy cơ chạy đua vũ trang robot
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Robert O.Work, người cổ súy nhiệt liệt cho sự ra đời của các vũ khí tự vận hành, nhấn mạnh Mỹ cần cấp tốc sở hữu những dòng vũ khí tối tân nếu muốn duy trì lợi thế tác chiến trước Trung Quốc, Nga và các đối thủ khác, những nước cũng đang theo đuổi sứ mệnh nghiên cứu tương tự. Do vậy, ngân sách mới nhất của Lầu Năm Góc cũng đã trích ra 18 tỉ USD trong vòng 3 năm để chi cho các dự án công nghệ nhằm phát triển các dòng vũ khí robot.
Tuy nhiên, những trấn an của giới lãnh đạo Lầu Năm Góc không thể nào xua tan những quan ngại của giới quan sát. Quy mô triển khai dự án của Bộ Quốc phòng Mỹ đang ở mức chưa từng có, làm dấy lên quan ngại trong cộng đồng khoa học gia và các nhà hoạt động về viễn cảnh khốc liệt của cuộc chạy đua vũ trang robot, theo tờ The New York Times. Hàng trăm nhà khoa học và chuyên gia đã cùng ký tên vào một bức thư ngỏ hồi năm ngoái, cảnh báo rằng ngay cả vũ khí kém thông minh nhất trong số này cũng có thể kích động một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu. Kết quả cuối cùng sẽ là những dòng robot sát thủ hoàn toàn tự hoạt động, được sản xuất với giá thành thấp và sẵn sàng gieo rắc nỗi kinh hoàng ở bất cứ nơi đâu.

 

Thụy Miên