Trao niềm tin ở chợ phiên nông sản sạch
Cùng với nhu cầu nông sản sạch ngày càng tăng, các chợ phiên nông sản cuối tuần được tổ chức bài bản tại TP.HCM gần đây nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều người tiêu dùng.
Trao niềm tin ở chợ phiên nông sản sạch
Cùng với nhu cầu nông sản sạch ngày càng tăng, các chợ phiên nông sản cuối tuần được tổ chức bài bản tại TP.HCM gần đây nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều người tiêu dùng.
Chợ phiên nông sản được nhiều người dân TP.HCM ủng hộ – Ảnh: T.T.D. |
Với nhiều phiên chợ như phiên chợ Xanh Tử Tế, Lương Nông, Tâm Dân và mới đây nhất là phiên chợ nông sản an toàn do Sở NN&PTNT TP.HCM tổ chức, người tiêu dùng hi vọng đây là nơi họ có thể tìm được thực phẩm an toàn cho gia đình.
Nhu cầu nông sản sạch rất lớn
Thành lệ hơn hai tháng nay, chị Nguyễn Thu Hương (quận 2) đều dành sáng thứ bảy đi mua nông sản ở các chợ phiên cuối tuần. Điểm đến mà chị ưa thích nhất là phiên chợ Xanh Tử Tế ở quận 3.
Mỗi lần đi chợ, chị Hương mua ít nhất 500.000 đồng gồm các loại rau, trái cây và đồ khô cho gia đình. “Vì chợ phiên mỗi tuần tổ chức một lần nên tôi phải mua nhiều để dành, mua rau ngoài chợ không yên tâm” – chị Hương cho biết.
Theo chị Hương, điều đầu tiên mà chị quyết định mua rau củ ở chợ phiên cuối tuần là uy tín của đơn vị tổ chức. Gần đây, chị Hương tham gia thêm một phiên chợ do Sở NN&PTNT tổ chức vì tin các sản phẩm đã được kiểm tra chất lượng.
“Đến phiên chợ gặp và nói chuyện với những người sản xuất trực tiếp cũng tạo thêm niềm tin và thú vị” – chị Hương chia sẻ. Tuy nhiên, chị Hương thừa nhận chưa bao giờ hỏi người bán làm theo tiêu chuẩn nào vì tin rằng đưa sản phẩm vào chợ phiên tức là đã đảm bảo an toàn.
Cũng như chị Hương, nhiều bà nội trợ tại TP.HCM đang đặt trọn niềm tin vào các chợ phiên cuối tuần để mua thực phẩm cho gia đình, trong bối cảnh nhìn đâu cũng thấy mất an toàn thực phẩm. Các chợ phiên thường nhận được sự quan tâm của rất đông khách mỗi cuối tuần.
Dù tổ chức ở quận 1 và quận 3 nhưng rất nhiều khách từ các quận xa như Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức hay quận 8 vẫn có mặt từ rất sớm chỉ để mua dù một vài bó rau.
Chị Mai Chi, chủ một nhà hàng ở quận 3, cho hay dù thường mua thực phẩm ở một số cửa hàng cao cấp nhưng khi biết thông tin về các phiên chợ cuối tuần vẫn đến ủng hộ.
“Tôi thường chọn mua rau ở những nơi rõ ràng về nguồn gốc và chứng nhận cho sản phẩm” – chị Chi cho biết.
Tuy nhiên, theo chị Giang (Bình Thạnh), với nhu cầu nông sản thực phẩm sạch ngày càng tăng của người dân TP.HCM, các cơ quan chức năng nên mở rộng mô hình chợ phiên có kiểm soát chất lượng hàng hóa để vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, vừa khuyến khích nông dân đầu tư cho sản phẩm sạch, an toàn.
Kiểm tra ngay nếu nghi ngờ
Thực tế cho thấy mỗi chợ phiên lại có một cách quản lý chất lượng riêng, thay vì tiêu chuẩn chung. Bà Vũ Kim Anh, đại diện đơn vị tổ chức phiên chợ Xanh Tử Tế, cho biết để được bán hàng tại các phiên chợ mà đơn vị này tổ chức, người bán phải trải qua các bước kiểm tra và xác minh tính an toàn sản phẩm.
Ban tổ chức ưu tiên đảm bảo người bán phải có chứng nhận an toàn, chứng nhận VietGAP hoặc được các chuyên gia của phiên chợ này đến tận nơi thăm vườn và đánh giá.
Tương tự, tiêu chí để được bán hàng tại phiên chợ nông sản an toàn do Sở NN&PTNT TP.HCM tổ chức là phải có chứng nhận an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Trực, phó giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho biết đây là phiên chợ do sở trực tiếp đứng ra tổ chức nên các yêu cầu về chất lượng đầu vào khá khắt khe.
Theo đó, tất cả các đơn vị muốn tham gia đều phải đảm bảo có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hoặc tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố. Nếu một đơn vị chỉ được chứng nhận cho rau thì không được bán thêm các sản phẩm khác.
Theo ông Trực, mục tiêu của chợ phiên là tạo ra kết nối giữa người sản xuất sạch với người tiêu dùng. Cơ quan này đã mời các bếp ăn công cộng ở các trường học, khu công nghiệp đến tham quan hội chợ và gặp gỡ trực tiếp với các nhà sản xuất để có thể ký kết hợp đồng đưa thực phẩm sạch vào các bếp ăn.
Dù mỗi phiên chợ có một tiêu chí đảm bảo chất lượng khác nhau, nhưng vấn đề quan trọng là đảm bảo được các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhà nước và các tiêu chuẩn đã được công nhận rộng rãi.
Việc quản lý các chợ phiên là trách nhiệm của Sở Công thương và các đơn vị quản lý thị trường nhưng nếu cần hỗ trợ, Sở NN&PTNT sẵn sàng cử các đơn vị chuyên môn đi kiểm tra nguồn gốc và chất lượng sản phẩm bán trong chợ phiên cuối tuần.
“Ngay từ phiên chợ đầu tiên, chúng tôi đã phải từ chối cho một đơn vị rất lớn đưa thịt bò vào bán vì TP.HCM chưa có chuỗi thịt bò an toàn” – ông Trực cho hay.
Đối với rau củ quả, ông Trực khẳng định Chi cục Bảo vệ thực vật vẫn lấy mẫu kiểm tra dư lượng theo quy định. Còn đối với sản phẩm thịt gia súc, gia cầm thì Chi cục Thú y, phòng quản lý chất lượng nông sản phối hợp kiểm tra các giấy tờ tham gia chuỗi thực phẩm an toàn của thành phố…
“Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu phân tích ngay” – ông Trực cho biết.
Khuyến khích nông dân sản xuất sạch Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài các phiên chợ được tổ chức bài bản, trên địa bàn còn có những chợ phiên quy mô nhỏ lập ra với tiêu chí đem sản phẩm nhà trồng đến trao đổi và bán, nên không chú trọng các chứng chỉ chất lượng… Một số người tiêu dùng lo ngại chất lượng sản phẩm tại những phiên chợ này do chưa được giám sát và quản lý chất lượng của các sản phẩm bày bán. Anh H. – đầu bếp một nhà hàng ở quận 1 – cho rằng với nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng trong khi hàng sạch không nhiều, cần phải kiểm soát đầu vào sản phẩm chặt chẽ hơn, từng bước xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng cũng như khuyến khích các hợp tác xã nông sản và cả nông dân tham gia sản xuất nông sản sạch. “Một khi nông sản sạch được tiêu thụ tốt, giá cả đảm bảo người trồng có lợi nhuận, chắc chắn nông dân sẽ ý thức hơn việc tham gia sản xuất sạch, an toàn” – anh H. nói. |