23/12/2024

“Tiểu vùng Mekong” không hề nhỏ

Năm nước tiểu vùng sông Mekong đều nhìn thấy cơ hội lẫn thách thức của việc kết nối sâu hơn cho quá trình phát triển của “Đông Nam Á lục địa”.

 

“Tiểu vùng Mekong” không hề nhỏ

Năm nước tiểu vùng sông Mekong đều nhìn thấy cơ hội lẫn thách thức của việc kết nối sâu hơn cho quá trình phát triển của “Đông Nam Á lục địa”.

 

 

 

“Tiểu vùng Mekong” không hề nhỏ
Ông Lê Viết Hải (thứ hai từ phải sang) – chủ tịch HĐQT Công ty Hòa Bình của Việt Nam – bấm nút cất nóc dự án chung cư GEMS cao 21 tầng xây dựng tại thành phố Yangon (Myanmar) vào ngày 6-3-2015 – Ảnh: ĐÌNH DÂN

Từ những gì đã được cam kết tại Hội nghị cấp cao hợp tác bốn nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) lần thứ 8 và Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS) lần thứ 7 vừa diễn ra tại Hà Nội, các quốc gia tiểu vùng sông Mekong sẽ được kết nối một cách chặt chẽ hơn, bằng cả giao thông và chính sách, để phát triển xứng với tiềm năng.

Đang có xu hướng đầu tư mạnh mẽ hơn vào khu vực tiểu vùng sông Mekong, nhất là đối với Việt Nam và Myanmar. Mà đối với các nhà đầu tư, phải có lợi họ mới đầu tư

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao ĐẶNG ĐÌNH QUÝ

Đánh thức các tiềm năng

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý, có thể coi các nước tiểu vùng sông Mekong chính là khu vực “Đông Nam Á lục địa”. Các quốc gia Đông Nam Á lục địa này tuy đang còn khoảng cách phát triển so với các quốc đảo trong ASEAN nhưng lại đang là khu vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vì là khu vực “đang trỗi dậy, có nhiều tiềm năng tiềm ẩn cần được đánh thức” – ông Quý đánh giá.

Cùng quan điểm đánh giá này, đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương nhìn nhận: “Myanmar đang có nhiều thay đổi đáng kinh ngạc. Vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Myanmar trải rộng khắp các lĩnh vực, từ tài chính đến khách sạn, chế biến thực phẩm, công nghệ tri thức, du lịch…

Myanmar thực sự có nhiều tiềm năng, rộng lớn và giàu tài nguyên. Dù xuất phát điểm chậm hơn so với nhiều nước trong khu vực, nhưng với sự chuyển biến mạnh mẽ ở trong nước cũng như sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Myanmar sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng”.

Phát biểu tại hai diễn đàn với vai trò là nước chủ nhà, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nhìn nhận về những thách thức mà các nước tiểu vùng sông Mekong, trong đó có Việt Nam, đang phải đối mặt như hạn chế về nguồn lực và năng lực, cơ sở hạ tầng yếu kém, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tình trạng bất ổn định của kinh tế khu vực và toàn cầu, tính dễ bị tổn thương của các nền kinh tế mở và nhỏ.

Các nhà lãnh đạo của các nước đã chia sẻ quan điểm của Thủ tướng và khẳng định trong tuyên bố chung cần phải “tạo ra động lực tăng trưởng mới trên cơ sở phát huy các thế mạnh và tranh thủ các cơ hội phát triển mới”.

Quyết tâm của các nhà lãnh đạo năm quốc gia “Đông Nam Á lục địa” đã được thể hiện bằng những cam kết rất cụ thể để kết nối năm nền kinh tế trong khu vực.

Có đi mới nên đường

Là một trong những nội dung hợp tác cụ thể nhất được nhất trí giữa năm nước, vấn đề kết nối giao thông của khu vực nhằm hướng tới một khu vực kinh tế kết nối thông suốt đã đạt được những kết quả cụ thể.

Chính phủ Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã cam kết tăng cường hợp tác nhằm hoàn thiện kết nối vận tải đa phương thức và tận dụng tối đa các mạng lưới giao thông đường bộ và hành lang kinh tế.

Chính phủ năm nước cũng nhất trí sẽ huy động nguồn lực nhằm đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến đường còn thiếu và cải thiện chất lượng các tuyến đường bộ dọc theo hành lang kinh tế Bắc – Nam (NSEC), hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) và hành lang kinh tế phía Nam (SEC).

Đặc biệt, một kết quả cụ thể đã được các quốc gia cam kết là cùng nhau xây dựng các tuyến cao tốc dọc hành lang kinh tế phía Nam, trong đó có tuyến cao tốc TP.HCM – Phnom Penh.

Đồng thời xây dựng tuyến đường cao tốc kết nối Vientiane (Lào) và Hà Nội (Việt Nam) để tạo thuận lợi cho việc di chuyển hàng hoá và con người giữa hai thủ đô.

Đặc biệt, các nước đều thống nhất chính sách khuyến khích khu vực doanh nghiệp tham gia phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Điều này sẽ mở ra những cơ hội đầu tư ra bốn nước còn lại trong tiểu vùng cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ở Myanmar.

Bởi theo đại sứ Luận Thuỳ Dương, cơ sở hạ tầng của nước này cũng như các hệ thống tiện ích đang trong tình trạng cần phải cải tạo. Sự yếu kém về đường sá, cảng biển, tình trạng thiếu điện… đang là những lĩnh vực có tiềm năng lớn thu hút đầu tư nước ngoài tại Myanmar.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý nhìn nhận sáng kiến lớn nhất của nước chủ nhà Việt Nam là đã mời Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tham gia và lần đầu tiên tổ chức hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về Mekong (WEF – Mekong) nhằm kết nối doanh nghiệp với các nguyên thủ, với các nhà hoạch định chính sách với nhau.

Ông Quý cho rằng: “Hi vọng họ gần nhau hơn và đi đến với những dự án cụ thể, biến những nội dung trên giấy tờ, trên tầm nhìn trở thành những dự án hợp tác cụ thể. Nói cho cùng, việc tham gia tích cực của các doanh nghiệp với các dự án cụ thể mới là thước đo 
hiệu quả”.

THANH HÀ ([email protected])