23/12/2024

Quá phiền vì nhà mạng điện thoại di động

Nhiều bạn đọc tiếp tục bức xúc khi phát hiện thuê bao MobiFone của mình đang phải trả tiền cho các dịch vụ giá trị gia tăng mà họ không hề đăng ký, sử dụng. Điều đáng nói, việc đòi bồi thường có dấu hiệu khó hơn trước…

 

Quá phiền vì nhà mạng điện thoại di động

Nhiều bạn đọc tiếp tục bức xúc khi phát hiện thuê bao MobiFone của mình đang phải trả tiền cho các dịch vụ giá trị gia tăng mà họ không hề đăng ký, sử dụng. Điều đáng nói, việc đòi bồi thường có dấu hiệu khó hơn trước…

 

 

 

Tin nhắn kiểm tra Mobifone ngày 26-9 không có dịch vụ DEP 7, nhưng đến ngày 20-10 lại bất ngờ xuất hiện, trong khi chị Trâm Anh khẳng định không hề đăng ký dùng dịch vụ này – Ảnh: TRÂM ANH

Các dịch vụ giá trị gia tăng dễ gây nhầm lẫn, âm thầm trừ tiền của khách hàng, dù báo chí phản ánh nhiều nhưng đến nay vẫn nhan nhản, người tiêu dùng tiếp tục phải thành nạn nhân, mất thời gian, công sức đi khiếu nại.

Lén lút đăng ký, 
âm thầm thu tiền

Chị Trâm Anh (Q.1, TP.HCM) đang sử dụng thuê bao MobiFone cho biết: “Hồi tháng 9, tôi thấy báo chí lên tiếng về việc MobiFone tự động cho khách hàng xài các chương trình mà họ không hề đăng ký, thế là mình cũng nhắn tin kiểm tra thử.

Tin nhắn báo mình chỉ xài nhạc chuông, gói Internet MIU và báo cuộc gọi nhỡ. Thế nhưng ngày 20-10, chị Trâm Anh nhắn tin kiểm tra lại thì phát hiện mình đã được đăng ký sử dụng dịch vụ có tên DEP 7. Gọi hỏi tổng đài thì chị Trâm Anh mới tá hỏa khi biết cước của dịch vụ này đến 9.000 đồng/ngày.

Theo chị Trâm Anh, kiểm tra hồi tháng 9-2016 không thấy có dịch vụ DEP 7. Chị Trâm Anh đặt nghi vấn nhà mạng đã âm thầm đăng ký dịch vụ DEP 7, thu phí nhưng lại không thông báo ngay cả khi khách hàng nhắn tin kiểm tra.

“Hằng tháng, MobiFone cứ nhắn tin đổ về thông báo vừa gia hạn DEP 7 nhưng kèm sau đó là câu “bạn được sử dụng miễn phí khi truy cập…”. Do tôi không hề đăng ký và có chữ “miễn phí”, tôi lại cũng chả bao giờ xem Mobile TV của MobiFone nên tôi không quan tâm tin nhắn này” – chị Trâm Anh kể.

Tương tự, anh Trần Văn Chiến (Q.Tân Phú, TP.HCM) cũng bức xúc về việc nhà mạng MobiFone tự động cài dịch vụ vào máy của anh. “Tôi không hề đăng ký chơi game nhưng họ nhắn tin là tôi đã đăng ký dịch vụ thành công và suốt ngày họ khủng bố tin nhắn vào điện thoại của tôi” – anh Chiến kể.

Tin nhắn rác thường xuyên được gửi về điện thoại cá nhân – Ảnh tư liệu

Muốn hủy cũng khó

Chị Lê Thị Thu Lai phản ảnh số điện thoại 090836xxxx của chị bị nhà mạng tự cài hai dịch vụ rồi trừ tiền mỗi tháng. Mặc dù không biết đã bị nhà mạng trừ tiền từ khi nào, nhưng chị Lai vẫn bỏ qua và chỉ gọi đến tổng đài MobiFone yêu cầu hủy dịch vụ.

“Tôi gọi đến tổng đài yêu cầu huỷ dịch vụ từ ngày 17-10 và họ nói trong hai ngày sẽ huỷ. Sau đó tôi nhắn tin kiểm tra thấy vẫn còn nên gọi lại tổng đài và được trả lời “hai tiếng nữa sẽ huỷ” nhưng sau đó vẫn còn. Tôi gọi đến nữa thì tổng đài chỉ qua chỉ lại, không ai chịu giải quyết. Mỗi lần gọi lên tổng đài đều bị trừ tiền cước” – chị Lai bức xúc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện MobiFone cho biết: “Sau khi nhận được khiếu nại của khách hàng, MobiFone đã trực tiếp liên hệ để giải thích cụ thể về những thắc mắc của khách hàng, tổng đài viên đã hỗ trợ hủy dịch vụ và cập nhật trên hệ thống 994 theo yêu cầu của khách hàng”.

Chị Lai cũng cho biết MobiFone liên lạc với chị và báo đã huỷ dịch vụ, nhưng chị Lai đề nghị phải có tin nhắn thông báo rõ ràng bởi “họ nói đã hủy, nhưng tôi kiểm tra trên điện thoại thấy vẫn còn” – chị Lai nói.

Trong một trường hợp khác, chị Minh Hà (Q.Bình Thạnh) cũng cho biết sau khi phản ảnh đến Tuổi Trẻvề việc MobiFone tự động cài dịch vụ và trừ tiền, nhà mạng này đã liên lạc và trả lại cho chị 300.000 đồng.

Tuy nhiên, chị Hà cho biết thuê bao của chị bị đăng ký hai dịch vụ: một dịch vụ từ tháng 2-2016 và một dịch vụ từ tháng 6-2016.

Cước phí của các dịch vụ này đều là 2.000 đồng/ngày. Như vậy thời gian thuê bao chị Hà bị đăng ký hai dịch vụ đến hết tháng 9-2016 tổng cộng là 12 tháng, tương đương 720.000 đồng là số tiền đã bị trừ oan bởi hai dịch vụ mà chị không hề đăng ký.

“MobiFone hoàn trả tiền là rất tốt nhưng tôi vẫn có cảm giác chưa thật sự hài lòng, bởi không chỉ riêng tôi mà có thể rất nhiều người cũng bị tình trạng tương tự” – chị Hà cho biết.

Chặn tin nhắn quảng cáo 
từ nhà mạng

Để không bị làm phiền và tránh tình trạng bị trừ tiền oan, người dùng có thể lựa chọn không tiếp tục nhận các tin nhắn có nội dung quảng cáo dịch vụ từ nhà mạng di động. Cụ thể:

– Thuê bao MobiFone: soạn tin TC gửi đến 9241.

– Thuê bao Viettel: soạn tin TC gửi 199.

– Thuê bao VinaPhone: soạn tin TC gửi 18001091.

Cần giám sát, kiểm tra chặt chẽ các nhà mạng

Tôi thấy các cơ quan quản lý hiện nay hầu như chưa có cơ chế giám sát, kiểm tra chặt chẽ các dịch vụ “móc túi” người tiêu dùng từ các nhà mạng. Nếu xử phạt cũng quá nhỏ so với số tiền móc túi được. Do đó, cơ quan quản lý cần kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và đơn vị được giao quản lý.

Đồng thời để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, nhà mạng phải có chính sách đền bù, bồi thường thiệt hại. Nếu không thực hiện thì người tiêu dùng có thể kiện nhà mạng, yêu cầu bồi thường.

Ông VÕ ĐỖ THẮNG  (giám đốc Trung tâm đào tạo 
và an ninh mạng Athena)

 

ĐỨC THIỆN ([email protected])