Nhà đầu tư nhìn vô các TP lớn mới tính chuyện rót vốn
Trước thông tin có phương án cắt giảm tỉ lệ điều tiết ngân sách của một số địa phương như TP.HCM, các nhà đầu tư rất quan tâm vì họ thường kỳ vọng các chính sách thu hút đầu tư ở những TP lớn phải ổn định, lâu dài.
Nhà đầu tư nhìn vô các TP lớn mới tính chuyện rót vốn
Trước thông tin có phương án cắt giảm tỉ lệ điều tiết ngân sách của một số địa phương như TP.HCM, các nhà đầu tư rất quan tâm vì họ thường kỳ vọng các chính sách thu hút đầu tư ở những TP lớn phải ổn định, lâu dài.
Nhiều ý kiến lo ngại nếu ngân sách được giữ lại cho TP.HCM tiếp tục bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng đến các công trình giảm kẹt xe. Trong ảnh là cảnh xe cộ chen chúc trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP.HCM) – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Thực tế là các nhà đầu tư khi vào VN vẫn thường chọn những TP lớn như TP.HCM hay Hà Nội để đầu tư, sau đó mới lan ra các TP nhỏ hơn như Đà Nẵng, Hải Phòng…
Muốn thu hút đầu tư phải cải thiện cơ sở hạ tầng
Gần đây đang dấy lên một số lo lắng liệu các TP lớn có thay đổi chính sách đầu tư xã hội, hạ tầng khi tỉ lệ điều tiết ngân sách bị cắt giảm, hay nói cách khác nguồn lực đầu tư bị hạn chế đi? Rõ ràng điều quan trọng trong thu hút đầu tư là cơ sở hạ tầng cần phải được cải thiện.
Cả TP.HCM và Hà Nội đều là những TP dẫn đầu của VN, nhưng đều gặp phải vấn đề ùn tắc giao thông và năng lượng. Các nhà đầu tư nước ngoài đang ở TP.HCM đều muốn nhìn thấy hệ thống giao thông vận tải ở đây được cải thiện.
VN đang tiến tới quốc gia 100 triệu dân nên cũng cần nghĩ đến việc đầu tư phát triển cho những TP xếp ngay sau Hà Nội hay TP.HCM như TP Đà Nẵng… Một phần nào đó trong câu chuyện cắt giảm tỉ lệ điều tiết ở các TP lớn là muốn có sự phát triển đồng đều về môi trường cho nhiều địa phương.
Tôi hiểu VN có nhu cầu tập trung phát triển theo bề rộng, các TP khác cũng cần được đầu tư và phát triển trong quá trình này. Nhưng giải quyết trước mắt những vấn đề hạ tầng, xã hội mà các TP lớn đang phải đối mặt cũng cấp bách, có như vậy các TP này mới đảm bảo phát triển mạnh hơn, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài hơn.
VN hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển kinh tế như nợ công cao và tăng nhanh, hay tình hình xử lý nợ xấu… Có thể những yếu tố này sẽ làm dấy lên nhiều lo ngại, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không nhìn vào đó để quyết định chiến lược đầu tư của mình. Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá VN là điểm đến đầy hấp dẫn, đặc biệt là thị trường vốn.
Chính phủ VN đang rất nỗ lực cải thiện lẫn cải cách thủ tục hành chính, mở cửa tự do hơn cho một số lĩnh vực đầu tư, chẳng hạn gần đây là các chính sách liên quan đến bất động sản. Luôn luôn có những khoảng trống chính sách để Chính phủ có thể làm tốt hơn nữa, tự do hoá sẽ khuyến khích được các nhà đầu tư vào VN nhiều hơn.
Cần chính sách ổn định, lâu dài Chúng tôi cũng hiểu Chính phủ luôn muốn có một mức độ kiểm soát nhất định nhằm tránh những tình huống dòng vốn đầu tư nước ngoài “tràn vào nhiều rồi rút ra cũng nhanh”. Nhưng chúng ta đều thừa nhận khi có được tự do hóa nhiều hơn, những hoạt động đầu tư lâu dài sẽ duy trì. Trong bối cảnh đó, điều mà tất cả các nhà đầu tư cần là hệ thống chính sách pháp lý phải chắc chắn và dễ đoán trước. Các nhà đầu tư cần biết các nguyên tắc luật là gì, quy định đó như thế nào và được áp dụng một cách minh bạch, công bằng khi đầu tư vào VN. |
Luật sư Tom Vaizey – Ảnh: NHƯ BÌNH |
Phải có tầm nhìn lâu dài
Việc nuôi dưỡng nguồn lực cho các TP lớn, đầu tàu rất quan trọng vì nó còn gắn với các kế hoạch phát triển đô thị. Tôi ví dụ tại thời điểm hiện nay, ở nước Anh – quê hương tôi, chính phủ trung ương đã trì hoãn rất lâu việc cải thiện hạ tầng sân bay ở thủ đô London.
Hậu quả là các nhà đầu tư cho rằng hiện London đang phải gánh chịu sự ùn tắc, không thể gia tăng được lưu lượng vận chuyển hàng không trước nhu cầu phát triển của thực tế.
Bài học ở đây là chính phủ cần có tầm nhìn lâu dài về tầm quan trọng của việc lập kế hoạch phát triển đô thị, muốn vậy chúng ta phải cho các TP lớn nguồn lực đầu tư, phải tái đầu tư chứ không thể dùng các TP này chỉ như là “những con gà đẻ trứng”.
Kinh nghiệm trong khu vực ASEAN là Bangkok của Thái Lan, hiện đang có sự dịch chuyển từ đầu tư hạ tầng đường sá cho xe cộ sang hệ thống metro.
Một vấn đề nữa, theo cảm nhận của tôi ở TP.HCM là khoảng thời gian từ phê chuẩn một dự án xây dựng liên quan đến thời gian xin giấy phép thường kéo dài rất lâu, phải chờ đợi dù thực tế thời gian xây dựng rất nhanh.
Chưa kể nhu cầu duy trì năng lượng để phục vụ cho người dân và nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp hiện cũng rất cao. Trong khi đó, thời gian để phê chuẩn những dự án về năng lượng điện cũng là một mối quan ngại. Hiện nay các nhà đầu tư rất quan tâm đến dự án năng lượng tái tạo.
Chỉ mới liệt kê một vài gạch đầu dòng đã thấy các TP lớn như TP.HCM có quá nhiều việc để làm. Tôi nghĩ lúc này Chính phủ trung ương cần đảm bảo cho TP.HCM thực hiện được các kế hoạch dài hạn mà họ đã đề ra, tạo động lực để họ phát triển và quay trở lại đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung.