23/01/2025

Người Singapore tin vào thế hệ lãnh đạo thứ tư

Cả hai quyền bộ trưởng giáo dục Ong Ye Kung (46 tuổi) và Ng Chee Meng (48 tuổi) của Singapore vừa được bổ nhiệm trở thành bộ trưởng chính thức và có hiệu lực từ ngày 1-11.

 

Người Singapore tin vào thế hệ lãnh đạo thứ tư

Cả hai quyền bộ trưởng giáo dục Ong Ye Kung (46 tuổi) và Ng Chee Meng (48 tuổi) của Singapore vừa được bổ nhiệm trở thành bộ trưởng chính thức và có hiệu lực từ ngày 1-11.

 

 

 

 

Người Singapore tin vào thế hệ lãnh đạo thứ tư
Hai tân bộ trưởng U-50 của Singapore: Ng Chee Meng (trái) và Ong Ye Kung – Ảnh: Bộ Giáo dục Singapore

Các nhà quan sát chính trị nhận định với nhật báo The Straits Times rằng trong vài năm nữa sẽ tiếp tục có những thay đổi trong các lãnh đạo của chính phủ vì quá trình chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo mới mà người dân Singapore gọi là “thế hệ lãnh đạo thứ tư” đang diễn ra nhanh chóng.

Việc hai quyền bộ trưởng được bổ nhiệm chính thức trong thời gian ngắn cho thấy sự chuẩn bị của thế hệ lãnh đạo thứ ba cho thế hệ kế nhiệm đang diễn ra tốt đẹp, các chuyên gia của Singapore nhận định.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 28-10, Văn phòng thủ tướng Singapore (PMO) cho biết ông Ong Ye Kung đã được chính thức bổ nhiệm làm bộ trưởng giáo dục phụ trách khối cao học và kỹ năng dạy nghề, và ông Ng Chee Meng làm bộ trưởng giáo dục phụ trách mảng trường phổ thông.

Hai ông Ng và Ong được bổ nhiệm làm quyền bộ trưởng trong năm ngoái, và việc thăng chức chính thức cho họ là trường hợp đầu tiên khi nội các mới của Singapore được thành lập.

Cả hai ông không chỉ trở thành bộ trưởng giáo dục chính thức phụ trách hai mảng mà còn thêm kiêm nhiệm từ đầu tháng 11 tới: ông Ng Chee Meng được bổ nhiệm kiêm nhiệm bộ trưởng thứ hai Bộ Giao thông, còn ông Ong Ye Kung được bổ nhiệm làm bộ trưởng thứ hai Bộ Quốc phòng.

Trên mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định: “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo là một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi. Những thay đổi này là một phần của quá trình đổi mới nhằm củng cố nội các, có được một đội ngũ lãnh đạo trẻ, sẵn sàng cho việc chuyển giao”.

Theo nhật báo The Straits Times, gần đây Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố đã lên kế hoạch rời chính trường vào khoảng sau kỳ bầu cử sắp tới, dự kiến tổ chức vào tháng 4-2021.

Phó giám đốc Viện Nghiên cứu chính trị của Singapore Gillian Koh bình luận: “Singapore đang thực hiện phương cách chuyển giao quyền lực theo kế hoạch. Một số bộ trưởng cao tuổi có thời gian dài trên chính trường chuẩn bị nhường chỗ cho những người xứng đáng hơn”.

Trong khi đó, ông Bilveer Singh – nhà nghiên cứu chính trị thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) – cho biết: “Tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu chúng ta thấy những thay đổi như vậy diễn ra trong những tháng tới, nếu không muốn nói là năm tới, như một cách mà thế hệ lãnh đạo thứ ba chuẩn bị trao gậy tiếp sức cho thế hệ thứ tư”.

Tại Singapore, hiến pháp quy định một nhiệm kỳ thủ tướng kéo dài 5 năm (tổng thống là 6 năm), tuy nhiên không có quy định giới hạn tối đa số nhiệm kỳ của một thủ tướng. Theo đó, kể từ năm 1959 tới nay, Singapore đã có ba thủ tướng.

Đầu tiên là ông Lý Quang Diệu với thời gian tại nhiệm là 31 năm 178 ngày; người thứ hai là ông Goh Chok Tong với thời gian tại nhiệm 13 năm 258 ngày; người thứ ba là ông Lý Hiển Long từ tháng 8-2004 cho tới nay.

TÚ ANH