Dạy khởi nghiệp cho sinh viên
Bộ GD-ĐT sẽ ban hành đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, trong đó có việc đưa vào giảng dạy khởi nghiệp trong chương trình chính khoá bậc đại học.
Dạy khởi nghiệp cho sinh viên
Bộ GD-ĐT sẽ ban hành đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, trong đó có việc đưa vào giảng dạy khởi nghiệp trong chương trình chính khoá bậc đại học.
Nội dung này được đưa ra tại hội thảo góp ý xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 28.10 ở TP.HCM.
Đầu tư “đứt” hay cho vay ?
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, kinh phí là vấn đề quan trọng để triển khai khởi nghiệp. Vì vậy ông đề xuất mỗi trường cần trích 2% tổng thu để tạo quỹ khởi nghiệp cho sinh viên. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Khoa, Trường ĐH Tài nguyên – Môi trường TP.HCM, nói: “Trường tôi kiểm soát tài chính rất chặt ngay cả quỹ học bổng chứ chưa nói đến quỹ đầu tư mạo hiểm. Vì vậy, Bộ nên đề xuất Chính phủ quy định doanh nghiệp cần có nguồn quỹ trích riêng cho hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Khi doanh nghiệp đầu tư, chính họ cũng là nơi phát triển và thương mại hóa sản phẩm”.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết trường đã tạo được quỹ khởi nghiệp dành cho sinh viên với số tiền ban đầu 1 tỉ đồng. Theo ông Dũng, việc khởi nghiệp nên bắt đầu từ những sáng kiến nhỏ và có sự hỗ trợ của nhà trường trong thu hút đầu tư doanh nghiệp. “Có thể kể ra đây mô hình khởi nghiệp của nhóm sinh viên trường về cửa hàng rửa xe được mở ngay cạnh trường, từ vốn đầu tư ban đầu của một doanh nghiệp đến nay mô hình đang hoạt động rất thành công với doanh thu lên tới 400 triệu đồng/tháng”, ông Dũng ví dụ. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng để khởi nghiệp thành công thì ngoài tiền, chúng ta còn cần cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể.
TIN LIÊN QUAN
Học văn hóa hay chơi thể thao chuyên nghiệp?: Bác sĩ, tiến sĩ ở đấu trường Olympic
Tại các nước phát triển, thể thao là một phần quan trọng của chương trình giáo dục ở tất cả bậc học nên học sinh, sinh viên luôn được tạo mọi điều kiện để có thể vận động thể chất.
Về vấn đề này, ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT), cho rằng quỹ đầu tư khởi nghiệp cần được xác định là quỹ đầu tư mạo hiểm. Các trường phải chấp nhận đầu tư rủi ro, chứ không thể tính đến việc cho vay mượn và yêu cầu trả lại, vì như vậy sinh viên không dám vay để khởi nghiệp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Khoa nhìn nhận: “Bản thân tôi cho rằng việc cho tiền sinh viên cũng cần có điều kiện ràng buộc, chứ không nên quá dễ dàng. Dù đầu tư cho khởi nghiệp là đầu tư rủi ro, nhưng cần làm sao để sinh viên có trách nhiệm khi được cấp vốn và cần có lộ trình thu hồi vốn”.
|
Bắt đầu dạy vào năm 2017
Tại hội thảo, ông Dương Văn Bá cho biết hiện nay có nhiều đề án khởi nghiệp của các bộ ngành nhưng có phần giẫm chân lên nhau. Đáng nói hơn, các đề án chỉ mới đang “hớt phần ngọn”, vì chỉ sau khi ý tưởng của sinh viên giành được giải doanh nghiệp mới nhảy vào hỗ trợ. Có thể nói chính chúng ta đang loay hoay trong việc tìm kiếm cách thức hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Cũng theo ông Bá, một số trường ĐH hiện chỉ đào tạo kỹ năng nói chung chứ chưa đi sâu vào kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp. Do vậy, để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sinh viên, Bộ sẽ hoàn thành đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025 để cùng với các trường hỗ trợ sinh viên. “Bộ sẽ nghiên cứu để đưa vào chương trình đào tạo chính thức bậc ĐH năm 2017 nội dung về khởi nghiệp. Còn bậc phổ thông, Bộ cũng đã có chủ trương đưa vào khi đổi mới chương trình học bắt đầu từ năm 2018”, ông Bá cho biết thêm.
Ông Nguyễn Anh Đức cũng cho rằng: “Đã đến lúc hệ thống chương trình đào tạo từ bậc phổ thông đến ĐH cần đưa nội dung khởi nghiệp vào giảng dạy. Bộ cần đánh động và giao cho các nhà khoa học xây dựng kiến thức, nội dung giảng dạy phù hợp”. Ông Đức cho biết Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có đưa vào môn nhập môn ngành ngay ở học kỳ 1, chính môn học này đã có tác động đến việc hình thành nhiều ý tưởng khởi nghiệp sinh viên thời gian qua. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị hội đồng khoa học các khoa bổ sung kiến thức khởi nghiệp sâu hơn, nhiều hơn vào chương trình đào tạo sắp tới”, ông Đức nói.
TIN LIÊN QUAN
Học văn hóa hay chơi thể thao chuyên nghiệp?
Với cơ chế hiện nay thì học sinh rất khó vừa chơi thể thao chuyên nghiệp vừa đạt trình độ văn hóa như mong muốn.
Còn tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, Trưởng khoa Khởi nghiệp và sáng tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thì đề xuất: “Đề án cần có chính sách khuyến khích doanh nhân từng khởi nghiệp thành công đồng hành cùng nhà trường tham gia giảng dạy khởi nghiệp”.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Khánh Trung, Trường ĐH Kinh tế – Luật, cho biết từng có nghiên cứu về kết quả khởi nghiệp sinh viên. Theo đó, có tới 90% dự án bị thất bại, trong số 10% còn lại có tới 90% dự án dừng lại sau 3 năm hoạt động. Từ đó, ông Trung cho rằng yếu tố cần thiết để khởi nghiệp thành công là người dẫn dắt gồm có giảng viên. Vì vậy, đề án cần làm rõ cơ chế về tiêu chuẩn giảng viên khởi nghiệp vì theo luật công chức, việc giảng viên tham gia kinh doanh bên ngoài sẽ bị vi phạm.
Hà Ánh