23/01/2025

Sớm nhập cuộc vào chuỗi sản xuất ở đẳng cấp cao hơn

VN cần phải thoát khỏi xu hướng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc và nhập cuộc vào chuỗi sản xuất ở đẳng cấp cao hơn.

 

Sớm nhập cuộc vào chuỗi sản xuất ở đẳng cấp cao hơn

VN cần phải thoát khỏi xu hướng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc và nhập cuộc vào chuỗi sản xuất ở đẳng cấp cao hơn.




Gần 30 năm qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng rất thấp	 /// Ảnh: NgọcThắng

Gần 30 năm qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng rất thấpẢNH: NGỌCTHẮNG

Mạng lưới Chevening Vietnam và Đại sứ quán Anh đã tổ chức Đối thoại chính sách với chủ đề Hội nhập trong nền kinh tế toàn cầu thay đổi: Thách thức và cơ hội cho nền kinh tế VN và cộng đồng doanh nghiệp (DN) vào hôm qua (28.10). Tại hội thảo, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nhấn mạnh nhiều nguồn lực còn bị lãng phí trong khi nền kinh tế vẫn ở đẳng cấp phát triển thấp, chủ yếu dựa vào các ngành khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp, với hơn 80% số DN sử dụng công nghệ thấp và trung bình thấp.
Mỗi thập niên giảm 1 điểm tăng trưởng
Ông Thiên dẫn số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đang trong xu hướng giảm dần, khi cứ mỗi thập niên giảm đi 1 điểm tăng trưởng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hệ quả này. Thứ nhất, trong những năm qua, VN có tỷ lệ đầu tư khá cao so với thông lệ, nhưng hiệu quả đầu tư lại rất thấp. Chẳng hạn, thời kỳ tăng trưởng nhanh 2011 – 2015, VN có tỷ lệ đầu tư/GDP là 31,8%, nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ có 5,9%, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) chỉ đạt 5,39; trong khi Trung Quốc, thời kỳ 1991 – 2003, đầu tư/GDP là 39,1%, thì tốc độ tăng trưởng là 9,5%, chỉ số ICOR 4,1; hay Đài Loan trong giai đoạn 1981 – 1990, đầu tư/GDP là 21,9%, có tốc độ tăng trưởng 8% với ICOR chỉ 2,7 (ICOR càng cao thì hiệu quả đầu tư càng thấp). Bên cạnh đó, huy động qua thu ngân sách cao nhưng chi cũng rất cao, nợ công cũng leo thang và tăng nhanh, đến nay đã gần áp trần 65%. Đáng lưu ý, cùng xuất phát điểm, cùng thời gian, những nước khác đã lập nên kỳ tích, còn VN thì chưa. Theo đó, những năm qua luồng vốn FDI, ODA… đổ vào VN rất lớn, nhưng sau 30 năm, thu nhập bình quân đầu người VN chỉ xấp xỉ 2.000 USD, trong khi cùng thời gian, nguồn lực huy động ở Hàn Quốc thấp hơn nhiều, lại đạt 10.000 USD/đầu người. “Khoảng cách quá chênh lệch này đặt ra câu hỏi cực kỳ quan trọng là tiền đi đâu mất, cho thấy chúng ta đã lãng phí nguồn lực. Sau 30 năm đổi mới, quãng thời gian đủ để nước khác vươn lên thành nước công nghiệp phát triển, còn nước ta vẫn ở đẳng cấp thấp”, ông nói.
Ngoài ra, huy động vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng lên rất nhanh, ở mặt nào đó là tốt, nhưng cũng nảy sinh 2 vấn đề. Một là đẳng cấp của đầu tư nước ngoài còn thấp, trong khi với những ưu đãi, dần dần DN FDI lấn át khu vực DN nội địa. Chỉ riêng giá trị sản xuất công nghiệp, FDI đã chiếm hơn 50,1%, xuất khẩu của FDI chiếm hơn 70% tổng thu nhập xuất khẩu của VN. Số liệu chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế thời kỳ 1986 – 2013 cho thấy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của VN chỉ tăng 1,6%, từ 17,2 – 18,8%, có nghĩa là bị tụt lại quá xa. “Ngành biểu tượng cho đẳng cấp nền kinh tế chỉ tăng có 1,6% là rất đáng buồn. Những con số này hàm nghĩa rằng, dường như toàn bộ lợi ích, thời cơ hội nhập mà chúng ta mang về cho nền kinh tế, thì phần lớn FDI đón nhận, hấp thụ hết. Khu vực nội địa hầu như không hề và không đủ năng lực để tiếp nhận. Đây là vấn đề nghiêm trọng, lớn nhất hiện nay. Chúng ta đã không chuẩn bị năng lực hoạt động, sản xuất cho khu vực DN nội địa, đồng nghĩa chúng ta đánh mất cơ hội tăng trưởng, cũng là sự lãng phí rất lớn”, ông phân tích.


Sớm nhập cuộc vào chuỗi sản xuất ở đẳng cấp cao hơn - ảnh 1

Khó khăn còn rất nhiều. Nhưng nếu chúng ta hợp tác tốt với những đối tác FTA và “bám lưng” tốt, thì nhiều khả năng chúng ta sẽ bay lên theo. Để giải quyết được những điều này, chúng ta cần một nỗ lực phi thường

Sớm nhập cuộc vào chuỗi sản xuất ở đẳng cấp cao hơn - ảnh 2

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN


Sự lãng phí nguồn lực xã hội còn thể hiện rõ hơn, khi gần đây mức độ thua lỗ ở khu vực DN tư nhân trong nước tăng lên cao. Số lượng DN thành lập nhiều, nhưng sống ít. Số DN đăng ký hoạt động hằng năm trong giai đoạn 2005 – 2013 là 603.401 DN, nhưng sau 8 năm, số DN thực sự hoạt động chỉ là 272.627 DN, giảm 45%. “Lập ra mà không tồn tại được, đây là sự lãng phí nguồn lực xã hội, cho thấy có vấn đề về nguồn lực, về môi trường kinh doanh, về những yếu tố nền tảng cho nền kinh tế phát triển”, ông nói.

“Bám lưng” tốt, sẽ bay cao
Theo ông Vũ Thành Tự Anh, chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, tái cơ cấu vẫn đủng đỉnh trong 5 năm qua. Thí dụ, đầu tư công vẫn là cơ chế xin cho, dàn trải, cấp phát; hệ thống ngân hàng nợ xấu vẫn yếu kém và vẫn còn nguyên; cổ phần hóa DN nhà nước, trong giai đoạn 2011 – 9.2016 có 529 DN, nhưng số vốn cổ phần hoá chuyển cho khu vực tư nhân chỉ khoảng dưới 15%. “Mấu chốt ở đây không phải là cổ phần hóa, mấu chốt là chuyển nguồn lực từ khu vực này sang khu vực khác. Chúng ta cổ phần hóa đúng kế hoạch 100%, nhưng di chuyển nguồn lực chỉ 15%, nghĩa là cấu trúc và quản lý nguồn lực vẫn không có gì thay đổi, nếu không nói là còn y nguyên”, ông nói.
Ông Trần Đình Thiên cho rằng, nếu như 5 năm vừa qua là khó khăn nhất trong 30 năm trở lại đây, thì 5 năm tới sẽ còn khó hơn. Theo ông, có 2 vấn đề lớn cần phải giải quyết, là VN cần phải thoát khỏi xu hướng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc và nhập vào chuỗi sản xuất ở đẳng cấp cao hơn. Theo đó, VN vừa hoàn tất đàm phán xong 5 hiệp định, bao hàm những đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Cộng đồng kinh tế ASEAN, EU… Tuy nhiên, thách thức của những hiệp định thương mại tự do (FTA) còn là những đòi hỏi liên quan đến hàng rào phi thuế quan. Hàng rào thuế quan hầu hết liên quan đến thuế, còn rào cản phi thuế quan đa dạng và phức tạp hơn nhiều, gồm 2 loại chính là hàng rào kỹ thuật và các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch. Có 2 lý do khiến rào cản phi thuế quan được ưa chuộng, một là hướng đến bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, hai là ngăn cản hàng nhập khẩu hiệu quả hơn hàng rào thuế quan. Chính vì vậy, số lượng hàng rào phi thuế quan tăng nhanh: năm 1995 có 400 quy định, năm 2011 tăng lên 1.500, còn năm 2013, WTO thông báo con số đã tăng vọt lên 17.400. “Cuộc đọ sức trên lĩnh vực bảo hộ thương mại giữa các quốc gia giờ là cuộc đấu trí tuệ và công nghệ hơn là cuộc chơi đánh thuế. Nước nào trình độ công nghệ cao hơn sẽ có khả năng áp đặt hàng rào phi thuế quan khắt khe hơn”, ông nói.
Trong khi đó, DN VN chủ yếu là nhỏ, thiếu sự dày dạn kinh nghiệm, cách làm ăn, đầu cơ, chụp giật vẫn còn nặng. “Khó khăn còn rất nhiều. Nhưng nếu chúng ta hợp tác tốt với những đối tác FTA và “bám lưng” tốt, thì nhiều khả năng chúng ta sẽ bay lên theo. Để giải quyết được những điều này, chúng ta cần một nỗ lực phi thường”, ông Thiên nói.

 

Sơn An