NATO và Nga rầm rộ động binh
Cuộc chạy đua quân sự giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga đã bước lên một nấc thang mới khi Anh tuyên bố đưa thêm 800 binh sĩ và máy bay chiến đấu áp sát sườn phía đông nước Nga.
NATO và Nga rầm rộ động binh
Cuộc chạy đua quân sự giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga đã bước lên một nấc thang mới khi Anh tuyên bố đưa thêm 800 binh sĩ và máy bay chiến đấu áp sát sườn phía đông nước Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chủ trì một phiên họp bộ trưởng quốc phòng các nước NATO tại tổng hành dinh ở Brussels (Bỉ) ngày 27-10 – Ảnh: Reuters |
Sự việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi biên đội tàu sân bay Nga di chuyển gần bờ biển một số nước trong khối NATO.
NATO ráo riết triển khai quân
Việc NATO tăng cường hiện diện quân sự ở một số nước thành viên gần Nga có thể khiến các nước này an tâm nhưng lại khiến Matxcơva bất an.
Người Nga sẽ buộc phải đẩy các lực lượng vũ trang ra sát rìa đông biên giới để đảm bảo an ninh cho chính mình và rồi lại khiến các quốc gia NATO gần Nga như ngồi trên lửa. Cứ như thế, cuộc đua giữa hai bên sẽ tiếp diễn và chỉ còn mang tính chất “ai nhanh tay hơn ai”.
Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 7-2016 đã quyết định sẽ đưa thêm các tiểu đoàn cơ giới thiết giáp tới ba nước Baltic là Latvia, Estonia và Lithuania.
Trước đó, ngay từ tháng 5, khối này đã “nổ phát súng đầu tiên” bằng một loạt động thái như khánh thành trạm phòng thủ tên lửa Aegis Ashore tại căn cứ không quân Deveselu, Romania (ngày 12-5) và động thổ tiếp một cơ sở thứ hai ở Ba Lan (13-5), ra tuyên bố chung với các nước Bắc Âu buộc Nga tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế trong hoạt động quân sự (13-5)…
Giới quan sát nhận định các động thái dồn dập này là lần động binh lớn nhất của NATO kể từ sau chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lại phân bua:
“NATO không tìm kiếm sự đối đầu với người Nga. Chúng tôi không muốn một cuộc chiến tranh lạnh mới lại bùng nổ, không muốn thấy một cuộc chạy đua vũ trang. Những gì NATO làm chỉ mang tính chất phòng thủ và tương xứng với phía Nga”.
Lập luận của khối này tiếp tục xoay quanh chuyện tăng cường an ninh cho các nước thành viên trước những diễn biến căng thẳng xuất phát từ Nga, rằng “họ đã cho thấy sự sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự để chống lại các nước láng giềng”.
Nga ăn miếng trả miếng
Đáp trả, đại diện thường trực của Nga tại NATO, ông Aleksandr Grushko, ngày 27-10 đã bày tỏ lo ngại trước diễn biến mới từ NATO.
Theo ông Grushko, động thái mà bộ trưởng quốc phòng Anh gọi là “tăng cường phòng thủ và an ninh cho các đồng minh từ bắc chí nam” thực chất lại đang làm xói mòn an ninh trong khu vực.
Thực tế Nga không “ngồi nhà chờ giặc đến” mà quyết “ăn miếng trả miếng”. Trong các quân bài đáp trả, Matxcơva đang nắm trong tay con át chủ bài trên thực địa là tỉnh Kaliningrad, vốn nằm sâu trong lòng châu Âu.
Hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander với tầm bắn hơn 500km và khả năng mang đầu đạn hạt nhân đã được Nga triển khai tới tỉnh này hồi đầu tháng 10. Quân đội Nga cũng liên tục tổ chức các cuộc tập trận bất ngờ quy mô lớn gần biên giới với NATO.
Hàng trăm nghìn binh sĩ và các thiết bị quân sự đã được huy động cho các cuộc tập trận mà Nga gọi là để kiểm tra năng lực sẵn sàng chiến đấu trong tình huống khẩn cấp.
Kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991, NATO đã ba lần mở rộng về phía đông bằng việc liên tục kết nạp các thành viên vốn thuộc Liên Xô cũ. Nước Nga, quốc gia kế tục Liên Xô trong những năm 1990 không thể và không đủ sức mạnh để làm chậm được quá trình đó.
Nhưng đó là câu chuyện cách đây hơn hai thập kỷ, nước Nga bây giờ dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã khác.
Nga bác bỏ đồn đoán về nguy cơ Thế chiến thứ 3 Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định “Nga không muốn tấn công châu Âu”, đồng thời cho rằng những đồn đoán về một cuộc chiến tranh sắp xảy ra là “ngu ngốc và thiếu thực tiễn”. Báo Mirror (Anh) ngày 27-10 dẫn phát biểu của tổng thống Nga tại diễn đàn quốc tế uy tín Valdai Club ở thủ đô Matxcơva nói rằng “thật ngu ngốc” khi ai đó nghĩ rằng nước Nga muốn tấn công nước nào đó tại châu Âu. “Nước Nga trân trọng nền độc lập cũng như bản sắc của mình. Chúng tôi không muốn thống trị thế giới cũng như không muốn bành trướng hay đối đầu với bất cứ ai” – ông Putin khẳng định. Tổng thống Nga cũng cáo buộc nhiều nước đã lợi dụng điều này để tự tô vẽ họ như là những người bảo vệ nền văn minh và uốn các đồng minh khác đi theo lợi ích của họ. Còn báo Russia Today (Nga) dẫn lại đánh giá của Tổng thống Putin rằng một số nước phương Tây đang sử dụng chiêu bài nói về nguy cơ tấn công của Nga để lái sự quan tâm của dư luận trong nước họ chệch khỏi những vấn đề nội bộ. |
Theo AP, thượng tướng Valery Kapashin – người phụ trách việc lưu trữ và huỷ bỏ kho vũ khí hóa học của Nga – ngày 27-10 cho biết tới cuối năm 2017 Nga sẽ hủy bỏ toàn bộ kho vũ khí hóa học của nước này, tức là sớm hơn một năm so với thời điểm chốt công bố trước đó. Ông Valery Kapashin khẳng định số vũ khí hóa học còn lại sẽ được tiêu hủy vào tháng 12-2017. Là nước tham gia ký kết trong Công ước quốc tế về vũ khí hóa học, cho tới nay Nga đã tiêu hủy khoảng 93% lượng vũ khí này. |