Khó lường tình hình Scarborough
Ngư dân Philippines đã có thể hoạt động lại tại bãi cạn Scarborough nhưng tàu Trung Quốc vẫn hiện diện dày đặc tại đây.
Khó lường tình hình Scarborough
Ngư dân Philippines đã có thể hoạt động lại tại bãi cạn Scarborough nhưng tàu Trung Quốc vẫn hiện diện dày đặc tại đây.
Ngày 28.10, ông Ernesto Abella, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, xác nhận ngư dân nước này đã có thể trở lại đánh bắt ở bãi cạn tranh chấp Scarborough trong tuần này mà không bị tàu Trung Quốc quấy rối, xua đuổi như trước đây.
Trước đó, đài ABS-CBN đưa tin tàu cá Philippines đã “được phép” đến gần Scarborough từ hôm 25.10 và tự do đánh bắt trong 3 ngày. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố “không còn tàu, lực lượng cảnh sát biển hay hải quân của Trung Quốc” tại Scarborough, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Tuy nhiên, cũng trong ngày 28.10, truyền thông Philippines dẫn báo cáo mới nhất của Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) công bố cho thấy số lượng tàu hải cảnh và tàu dân sự của Trung Quốc bao vây xung quanh bãi cạn Scarborough đã tăng mạnh kể từ sau phán quyết của Toà trọng tài bác bỏ “đường lưỡi bò” phi lý và ấn định Scarborough là ngư trường chung. Dựa trên những hình ảnh chụp từ vệ tinh, AMTI cáo buộc lực lượng hải cảnh Trung Quốc tiếp tục phong tỏa đường vào khu vực tranh chấp.
Giới quan sát nhận định những thông tin trên cho thấy dù không xua đuổi hay cản trở tàu Philippines nhưng Trung Quốc vẫn muốn duy trì kiểm soát chặt chẽ tại Scarborough, nơi mà nước này đã chiếm giữ và phong tỏa từ năm 2012, để có thể nhanh chóng can thiệp “khi có biến”.
Quyền tiếp cận và đánh bắt của ngư dân Philippines tại Scarborough là một trong những vấn đề thảo luận trọng tâm khi Tổng thống Duterte thăm Trung Quốc hồi tuần trước. Tuy nhiên, theo giới chức Manila, hai bên vẫn chưa ký được thỏa thuận chính thức về vấn đề này vì bất đồng từ ngữ. Tờ Inquirer dẫn lời nghị sĩ Harry Roque, nằm trong phái đoàn đến Bắc Kinh, cho biết Philippines không đồng ý sử dụng cụm “Trung Quốc cho phép” khi đề cập đến vấn đề ngư dân trở lại Scarborough.
“Trung Quốc muốn dùng từ “cho phép” để củng cố lập trường của họ nhưng điều này là không thể chấp nhận”, nghị sĩ Roque nhấn mạnh.
Theo giới quan sát nước ngoài, dấu hiệu nhượng bộ của Trung Quốc về Scarborough có thể chỉ mang tính tạm thời và đẩy quan hệ quốc phòng Philippines – Mỹ vào thế khó lường. Bãi cạn này nằm gần cảng Subic, nơi thường xuyên đón tiếp lực lượng Mỹ đến thăm viếng, điều động luân phiên hoặc tập trận chung.
Theo một số nguồn tin, vấn đề Scarborough cũng nằm trong các thỏa thuận an ninh giữa Manila và Washington. Tờ The Washington Post dẫn lời chuyên gia Ian Storey thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nhận định: “Tổng thống Duterte đã nhấn mạnh việc này trong chuyến thăm Bắc Kinh tuần qua. Nếu Trung Quốc từ chối thì ông rất khó trả lời với dư luận trong nước và chính sách cải thiện quan hệ song phương sẽ bị ảnh hưởng”. Trong khi đó, Phó giáo sư Richard Javad Heydarian của Đại học De La Salle (Philippines) cho rằng sự thay đổi hiện trạng ở Scarborough sẽ làm giảm bớt căng thẳng trong ngắn hạn, dù bức tranh về lâu dài kém sáng sủa hơn. Trung Quốc vẫn sẽ không chịu thoả hiệp về chủ quyền, đồng nghĩa với việc tranh chấp vẫn tồn tại.
“Còn quá sớm để nói rằng thoả thuận cho ngư dân Philippines đánh bắt ở Scarborough sẽ trụ vững qua thời gian”, ông Heydarian nói.
Malaysia “sẽ mua tàu tuần tra Trung Quốc”
Malaysia sẽ ký hợp đồng mua các tàu thực hiện sứ mệnh cận bờ (LMS) của Trung Quốc, nhân chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Najib Razak vào tuần tới. Thông tin này được Reuters trích dẫn từ một bài đăng trên Facebook của Bộ Quốc phòng Malaysia và được cho là trích lời của Bộ trưởng Hishammuddin Hussein. Tuy nhiên, cũng theo Reuters, bài viết đã bị gỡ bỏ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 28.10 thì nói “không nắm thông tin cụ thể” nhưng tuyên bố nước này và Malaysia “tiếp tục hợp tác và trao đổi thường xuyên về mọi lĩnh vực”.
Nếu trở thành sự thật, thương vụ nói trên là thoả thuận quốc phòng đáng kể đầu tiên giữa Malaysia với Trung Quốc, hai nước đều đang tham gia tranh chấp trên Biển Đông, và có thể càng ảnh hưởng đến chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở khu vực. LMS là tàu tuần tra cao tốc có thể được trang bị bãi đáp trực thăng và mang tên lửa.
|
Trùng Quang