23/01/2025

Có cơ chế để “miếng bánh” ngân sách to hơn

Do quy định của Luật ngân sách nhà nước và cách xây dựng, thực hiện chính sách ngân sách lồng ghép, việc phân bổ ngân sách hiện đang tồn tại một số bất hợp lý, còn theo lối bao cấp, xin cho.

 

Có cơ chế để “miếng bánh” ngân sách to hơn

Do quy định của Luật ngân sách nhà nước và cách xây dựng, thực hiện chính sách ngân sách lồng ghép, việc phân bổ ngân sách hiện đang tồn tại một số bất hợp lý, còn theo lối bao cấp, xin cho.

 

 

 

Có cơ chế để “miếng bánh” ngân sách to hơn
Hàng nghìn xe container, xe tải và ôtô kẹt cứng kéo dài từ vòng xoay Mỹ Thuỷ qua cầu Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM – Ảnh: HỮU KHOA

TS Nguyễn Đình Cung – viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) – đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ.

Ông Cung nói: “Trong thực tế, do bị giới hạn về ngân sách cứng nên những địa phương có đóng góp về trung ương thường phải chi tiêu cân nhắc hơn, trong khi một số địa phương được phân bổ ngân sách, thậm chí đang còn nghèo, lại chi tiêu sang hơn, kém hiệu quả hơn”.

* Liệu đây có phải là nguyên nhân dẫn tới tình trạng đầu tư lãng phí của không ít 
địa phương?

– Vì không phân định rõ vai trò địa phương cần làm gì để mang lại hiệu quả cao hơn cho nền kinh tế, dẫn tới không ít nơi sẽ “khịa” ra dự án để lấy tiền. Quan hệ phân bổ ngân sách theo kiểu xin cho có thể dẫn tới vẽ ra dự án để lấy tiền, bất kể dự án là cái gì, miễn đó là cái cớ để xin tiền, nên sẽ có vô vàn dự án vô lý.

Tình trạng bội chi và nợ công tăng cao cũng có nguyên do từ việc kỷ luật, kỷ cương ngân sách không cao, chi vượt dự toán vẫn được chấp thuận và không ai chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Việc phân bổ, sử dụng kém hiệu quả và lãng phí càng đẩy bội chi, nợ công tăng cao, gây hại cho tăng trưởng, bất ổn kinh tế vĩ mô.

* Một số địa phương cho biết hiện đang rất cần nguồn lực để đầu tư phát triển, việc giảm tỉ lệ ngân sách giữ lại của các địa phương này sẽ ảnh hưởng chung đến sự phát triển của nền kinh tế, thưa ông?

– Lo lắng này hoàn toàn có cơ sở. Chẳng hạn, TP.HCM hiện đang là đầu tàu kinh tế kéo cả vùng, thậm chí cả nước, đi lên. Nếu thiếu nguồn lực cho đầu tư phát triển, không chỉ TP.HCM bị ảnh hưởng mà nền kinh tế chung cũng bị tác động.

Do đó, theo tôi, cần phải có thể chế đặc thù cho các địa phương này theo nguyên lý tập trung nguồn vốn, dành tỉ lệ thích đáng cho địa phương mà đầu tư sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhằm tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, thay vì liên tục điều chỉnh, thậm chí giảm phần giữ lại.

Chẳng hạn với TP.HCM, cần có cơ chế vượt trội, đủ mạnh để chủ động hơn trong phát triển, tạo thêm nhiều nguồn thu hơn. Khi đã có cơ chế và động lực rõ ràng, địa phương này chắc chắn tạo ra miếng bánh to hơn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách.

* Có ý kiến cho rằng để giải quyết bất cập trong phân bổ ngân sách cần phải tái cơ cấu ngân sách, dựa trên việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Quan điểm của ông về vấn đề này?

– Vấn đề quan trọng hiện nay là cần áp đặt kỷ luật ngân sách thật chặt chẽ, mà Quốc hội phải đi đầu. Không thể năm trước phê duyệt dự toán thế này mà năm sau chấp thuận quyết toán khác.

Tái cơ cấu ngân sách phải dựa trên tái cơ cấu tổng thể, phân bổ nguồn lực hợp lý. Cần phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường, ở đâu hiệu quả, làm tốt hơn như TP.HCM thì phân bổ nguồn lực vào đó.

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, cần tính đến lựa chọn trong chi tiêu ngân sách, trong đó tập trung vào các dự án cấp bách, hiệu quả ở vùng kinh tế trọng điểm. Cần phải thay đổi quan niệm về khía cạnh xã hội trong thực hiện chính sách.

Về mặt tổng thể có thể nhấn mạnh vấn đề xã hội, nhưng trong từng chính sách kinh tế thì không nên bắt buộc mọi chính sách đều phải gánh vác trách nhiệm cho vấn đề xã hội.

Ông LƯU BÍCH HỒ (nguyên viện trưởng Viện Chiến lược phát triển):

Không nên áp tỉ lệ để lại cho cả giai đoạn

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay rất cần có sự chia sẻ của các địa phương, một số địa phương sẽ phải giảm tỉ lệ ngân sách để lại. Tuy nhiên không nên ấn định mức giảm, áp tỉ lệ này trong cả giai đoạn 2017-2020 do tình hình có thể thay đổi, thu ngân sách tốt hơn sau năm 2017.

Theo tôi, cần có cơ chế mềm để điều chỉnh tỉ lệ điều tiết thu ngân sách cho phù hợp. Nếu các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… có nguồn lực để đầu tư không chỉ giúp chính các địa phương này phát triển, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách trung ương, mà còn là động lực để kéo các địa phương lân cận tiến lên.

Ngoài ra, Chính phủ nên trao cho chính quyền các địa phương như Hà Nội, TP.HCM… một số cơ chế để họ có quyền tự chủ nhằm thu hút được nhiều nguồn lực.

Cơ chế nhiều khi còn quan trọng hơn cả tiền. Chẳng hạn, một số dự án quan trọng tại TP.HCM đã được nghiệm thu khối lượng rồi mà phải chờ vốn, trong khi nhiều dự án ở nơi khác lại không giải ngân được đồng nào.

Do đó, cần thiết phải cho dự án lớn ở các đô thị trung tâm như Hà Nội, TP.HCM… giải ngân theo tiến độ dự án. Nếu điều này được xử lý sẽ có nhiều dự án công trình sớm hoàn thành, tạo thuận lợi để thành phố phát triển.

L.THANH

Ông ĐẬU ANH TUẤN 
(trưởng Ban pháp chế VCCI):

Phải tạo được động lực phát triển

Việc phân chia ngân sách không bao giờ là câu chuyện dễ với các địa phương nhưng phải tạo được động lực phát triển, đảm bảo các địa phương nỗ lực phát triển hơn nữa, chứ phân bổ mà triệt tiêu động lực phát triển sẽ khó đạt mục tiêu chung. Đằng sau phân bổ ngân sách là câu chuyện chi tiêu công.

Một đồng để lại cho các địa phương có đóng góp lớn cho ngân sách, chẳng hạn như TP.HCM, là để giải quyết hàng loạt vấn đề, điểm nghẹn của quá trình phát triển, điều đó cấp bách hơn là chi tiêu một đồng cho những lĩnh vực khác, kém cấp thiết hơn.

Sự thiếu ổn định tỉ lệ ngân sách sẽ làm các địa phương gặp khó, nhiều chương trình xã hội, đầu tư mà địa phương tâm huyết, dày công thực hiện phải tạm ngừng vì nguồn ngân sách để lại không ổn định, thậm chí thu hẹp.

TP.HCM hay Hà Nội đều phải đối mặt với nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông… Nhu cầu giải quyết các vấn đề này khá cấp bách, không chỉ tháo gỡ, giải quyết vấn đề xã hội mà còn để đảm bảo chất lượng sống của người dân đô thị.

Rõ ràng giải quyết vấn đề của một người dân đô thị khác với người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa…

Tóm lại, theo tôi, việc phân bổ ngân sách phải hướng đến phương án tối ưu, đừng tạo áp lực lên các địa phương lớn. Cần phải cho họ nguồn lực để tái đầu tư, đó mới là phát triển bền vững.

N.BÌNH ghi

Ông LÊ ĐÌNH ÂN (nguyên giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, Bộ KH&ĐT)

Các đầu tàu kinh tế cần được tập trung đầu tư

Việc phân bổ và huy động ngân sách phải thay đổi quan điểm và tư duy, trong đó cần tập trung vào các đầu tàu kinh tế, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Những địa phương là động lực phát triển kinh tế cho cả nước mà giảm tỉ lệ ngân sách giữ lại là chưa hợp lý, chưa sát với tình hình thực tiễn.

Chẳng hạn TP.HCM đang rất cần nguồn đầu tư hạ tầng nhưng không có, trong khi một số địa phương được điều tiết ngân sách lại xây dựng các trụ sở cơ quan hành chính, tượng đài rất to… Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế chung.

Do đó, theo tôi, cần phải rà soát các công trình, hạng mục đầu tư tại các địa phương, không chỉ là các địa phương đóng góp ngân sách mà cả những địa phương được điều tiết ngân sách xem công trình nào là cần thiết, có thể đóng góp nhiều cho sự phát triển chung, công trình nào chưa cần thiết hoặc không nhất thiết phải đầu tư.

Trên cơ sở đó, tỉ lệ phân bổ ngân sách sẽ được tính toán sao cho phù hợp. Thậm chí các tỉnh nghèo nhưng chưa khai thác tốt nguồn thu từ đất đai cũng phải tính toán lại, thay vì chỉ tìm cách giảm tỉ lệ giữ lại của những địa phương có đóng góp nhiều cho ngân sách.

Ông VÕ THÀNH HƯNG 
(vụ trưởng Vụ Ngân sách 
nhà nước – Bộ Tài chính):

Hà Nội và TP.HCM luôn được ưu tiên!

Việc xác định lại tỉ lệ thu điều tiết ngân sách trung ương của một loạt địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… đã được tính toán kỹ lưỡng và đảm bảo đáp ứng nhu cầu chi của địa phương.

Chẳng hạn với TP.HCM, dù tỉ lệ thu điều tiết trong giai đoạn 2017-2020 sẽ chỉ còn 18% thay vì 23% như mấy năm trước, nhưng địa phương này cũng được trung ương bổ sung trên 7.000 tỉ đồng để đầu tư một số dự án. Trong đó có khoảng 3.200 tỉ đồng đầu tư xây dựng hai bệnh viện tuyến cuối là Hàm Nghi và Ung bướu.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2020, TP.HCM sẽ được bổ sung khoảng 3 tỉ USD vốn ODA xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, cấp thoát nước, xử lý các vấn đề môi trường…

Tương tự, các địa phương bị giảm tỉ lệ ngân sách giữ lại nhưng một số dự án, công trình hạ tầng lớn do trung ương quản lý, đầu tư bằng vốn ODA, chưa kể các khoản đóng góp của các doanh nghiệp khi đầu tư vào những địa phương này.

L.THANH

NGỌC AN