23/01/2025

Chiến lược điệp viên côn trùng của Mỹ

Lầu Năm Góc trong nhiều thập niên qua không ngừng nỗ lực phát triển các cỗ máy gián điệp từ côn trùng, nhằm nâng hoạt động do thám lên tầm vóc mới.

 

Chiến lược điệp viên côn trùng của Mỹ

Lầu Năm Góc trong nhiều thập niên qua không ngừng nỗ lực phát triển các cỗ máy gián điệp từ côn trùng, nhằm nâng hoạt động do thám lên tầm vóc mới.



 

Bọ cánh cứng gián điệp của DARPAẢNH: DARPA

Theo chuyên san Popular Science, một loạt tài liệu mới được công bố cho thấy Cơ quan Phát triển dự án quốc phòng tiên tiến Mỹ (DARPA), thuộc Bộ Quốc phòng, đã đầu tư nghiên cứu chế tạo gián điệp côn trùng từ hàng chục năm qua. Các chuyên gia nuôi hy vọng sẽ phát triển “những điệp viên siêu nhỏ” để triển khai cho các sứ mệnh do thám trên chiến trường hoặc xâm nhập lãnh thổ của đối phương.
Điểm ưu việt của côn trùng gián điệp là dễ dàng qua mặt “người trần mắt thịt” vì không ai đề phòng với những con ruồi, con bọ, con bướm bay lảng vảng gần đó. Từ côn trùng được gắn chip cho đến những robot điệp viên có hình dáng sâu bọ, tất cả đều có kích cỡ rất nhỏ nên cũng rất khó bị phát hiện bằng radar. Ngoài ra, nếu “điệp viên” bị lạc mất thì cũng không gây hậu quả nghiêm trọng do chi phí sản xuất rẻ hơn nhiều so với chế tạo trực thăng hoặc máy bay do thám…
Bướm, bọ làm gián điệp
Theo tài liệu mật, DARPA đang bền bỉ theo đuổi dự án HI-MEMS nhằm nghiên cứu biến những loại côn trùng như sâu bướm đêm, bọ cánh cứng… thành những cỗ máy do thám điều khiển từ xa. Trong đó, các chuyên gia cấy thiết bị điều khiển vào con sâu bướm ngay trong giai đoạn còn là nhộng, kèm theo bộ phận phát điện có khả năng chuyển hóa động năng để biến chuyển động bay của côn trùng thành năng lượng. Phương cách này giúp những con sâu bọ đã được “phù phép” có khả năng hoạt động lâu hơn bình thường.
Ngoài ra, nhóm phát triển dự án còn nghiên cứu cấy những thiết bị theo dõi tinh vi như máy quay, thiết bị ghi âm… Do được cấy vào ngay từ giai đoạn đầu nên cơ thể con nhộng và sau này là bướm cũng thích ứng tốt, không đào thải vật thể lạ trong suốt quá trình trưởng thành.
 
 
Quân đội các nước trước đây từng dùng các sinh vật lớn hơn như bồ câu, mèo… để phục vụ mục tiêu quân sự. Nhiều con bồ câu thậm chí được thưởng huân chương vì công lao trong thời chiến. Chẳng hạn như bồ câu Cher Ami đã nhận được huân chương Croix de Guerre của Pháp vì cứu được mạng sống của nhiều binh sĩ thời Thế chiến 1, theo tạp chí Wired. Cụ thể trong sứ mạng hồi tháng 10.1918, Cher Ami đã vượt qua làn mưa bom đạn của lính Đức, nỗ lực bay về căn cứ truyền tin, qua đó giúp giải cứu hơn 500 binh sĩ mắc kẹt giữa vòng vây của kẻ thù.
Bên cạnh đó, trong thập niên 1960, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã cấy pin, micro và ăng ten vào đuôi mèo để nghe lén các cuộc đàm thoại của mục tiêu. Hiện nay, giới chức quân đội Mỹ còn liên tục thử nghiệm cài gắn thiết bị gián điệp vào chuột và cá mập với mức độ thành công khác nhau. Chẳng hạn chuột được cấy điện cực trong não và học cách phát hiện mùi cơ thể người hoặc chất nổ trong khi cá mập được huấn luyện phát hiện mùi hoá chất…

 

Song song đó, DARPA còn hợp tác với các nhà khoa học thuộc ĐH California (Mỹ) nghiên cứu thành công quy trình biến bọ cánh cứng thành điệp viên. Theo tờ Daily Mail, con bọ được cấy ghép chip điện tử vào thân rồi dùng máy tính điều khiển từ xa. Nhờ đó, đội điệp viên cánh cứng sẽ biết lúc nào thì cần bay, đến vị trí nào và hạ cánh ra sao.

Có 3 loài bọ nguồn gốc từ Cameroon đã được sử dụng trong công trình này. Con nhỏ nhất dài chừng 2 cm, trong khi con lớn nhất dài 20 cm. Trong tương lai, các chuyên gia còn hướng đến cấy ghép thiết bị truyền tin qua Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và cả máy ảnh nhỏ. Toàn bộ các thiết bị sẽ không quá nặng để tạo điều kiện hoạt động tốt nhất cho “điệp viên”.
Popular Science dẫn nguồn tin giấu tên từ DARPA tiết lộ thêm côn trùng đã cấy ghép sau khi phát triển hoàn chỉnh sẽ được tung ra những chiến trường ác liệt nhất để thu thập thông tin. Nhờ kích thước nhỏ, khả năng xâm nhập linh hoạt dễ dàng tránh né hoả lực cộng thêm khó phát hiện nên điệp viên côn trùng được kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả cao hơn nhiều các loại máy bay không người lái do thám hiện nay.
Dự án chim ruồi siêu nhỏ
Bên cạnh sử dụng sâu bọ thật, DARPA còn nuôi tham vọng chế tạo các thiết bị do thám siêu nhỏ dựa trên cách thức hoạt động và hình dạng của côn trùng. Tờ The Economist dẫn lời ông James McMichael, Giám đốc chương trình phát triển gián điệp côn trùng tại DARPA, cho biết mục tiêu trước mắt là phát triển robot dài tối đa 15 cm, hoạt động trong suốt 1 giờ, có thể gửi hình ảnh về trung tâm điều khiển và có giá thành không quá 1.000 USD/chiếc.
Sau khi công bố mục tiêu, DARPA đã nhận được nhiều dự án cho kết quả khả quan. Trong đó nổi bật nhất là dự án Nano-Hummingbird (chim ruồi siêu nhỏ) của Hãng AeroVironment ở bang California. Đây là một loại robot có thiết kế và cách bay giống hệt loài chim cùng tên gọi và có sức hoạt động bền bỉ, thậm chí có thể bay xoay vòng. Theo tờ Los Angeles Times, robot nặng 19 gr, sải cánh 16 cm và có tốc độ tối đa là 18 km/giờ. Con người có thể điều khiển Nano-Hummingbird từ xa và nhận tín hiệu hình ảnh thu trực tiếp từ máy quay đặt trên robot. DARPA đánh giá Nano-Hummingbird rất phù hợp cho hoạt động gián điệp, vì có thể ngụy trang hiệu quả bằng cách ẩn thân trong bầy chim ruồi thật.
Ngoài ra, một loại robot côn trùng đáng chú ý khác là “con bọ” Delfly do Đại học Kỹ thuật Delft (Mỹ) phát triển. Chỉ dài tầm 10 cm và có trọng lượng khoảng 3 gr, Delfly có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ do thám tại những vùng không phận được canh gác cẩn mật. Với các thông số phù hợp với tiêu chí thiết kế robot điệp viên có hình dáng côn trùng, Delfly đã được các chuyên gia DARPA phê duyệt. Tuy loại robot này hiện chỉ bay được 3 phút song các nhà thiết kế của Delft đang nỗ lực phát triển các phiên bản nâng cấp với khả năng bay kéo dài 20 phút, có tầm hoạt động hơn 1.000 m… 

 

Huỳnh Thiềm