Vòng xoáy thịt ngoại
Thịt ngoại giá rẻ thâm nhập sâu, rộng vào thị trường nội địa khiến ngành chăn nuôi ngày càng khó khăn, thậm chí là khủng hoảng nếu không có giải pháp phù hợp.
Vòng xoáy thịt ngoại
Thịt ngoại giá rẻ thâm nhập sâu, rộng vào thị trường nội địa khiến ngành chăn nuôi ngày càng khó khăn, thậm chí là khủng hoảng nếu không có giải pháp phù hợp.
Báo cáo thường kỳ của Bộ NN-PTNT cho biết hiện giá gà tại Đồng Nai đã giảm trung bình từ 1.000 – 2.000 đồng/kg so với đầu tháng 10, gà ta còn khoảng 63.000 đồng/kg, gà công nghiệp lông trắng 22.000 – 24.000 đồng/kg. Nguyên nhân là nguồn cung dồi dào thịt nhập khẩu giá rẻ, dù báo cáo không nói rõ số lượng thịt gà cũng như các loại thịt nhập khẩu khác là bao nhiêu.
Tràn ngập từ hàng giá rẻ đến cao cấp
Thực tế, với mặt hàng thịt gà nhiều năm qua người chăn nuôi trong nước đã phải khổ sở với hàng giá rẻ từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc ồ ạt đổ về VN. Giá thịt nhập rẻ vì các nước này có nền chăn nuôi phát triển cao, nên giá thành thấp. Một lý do nữa, theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, người phương Tây chỉ ăn thịt trắng là ức gà, các sản phẩm còn lại như cánh, đùi họ không ăn trong khi người Việt lại rất thích những sản phẩm này nên nhiều doanh nghiệp nhập về VN. Vì vậy, giá các sản phẩm này rất rẻ. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, tỷ lệ thịt gà ngoại đang chiếm đến 45% thị phần. Tương tự, nhóm sản phẩm cạnh tranh về giá với thịt trong nước còn có thịt trâu Ấn Độ, thịt bò Úc nguyên con về VN giết mổ…
Nhưng không chỉ các sản phẩm giá rẻ, các nhà xuất khẩu thịt nhiều nước phát triển còn xem VN là một thị trường đầy tiềm năng cho các dòng sản phẩm cao cấp. Cụ thể, thịt bò Mỹ, Úc nhập khẩu đã xuất hiện tại các hệ thống siêu thị của VN ngày càng nhiều. Trong chuyến thăm VN gần đây, chính Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack nói: “Chắc chắn khi nền kinh tế mở cửa sẽ có nhiều loại thịt bò hơn để người tiêu dùng lựa chọn”. Trong khi đó, các nhà sản xuất thịt châu Âu mấy năm qua cũng tăng cường xuất khẩu thịt vào VN và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm của họ. Tổ chức Các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành công nghiệp thịt (UPEMI) xem VN là thị trường mục tiêu cùng với Mỹ và Hàn Quốc. Báo cáo gần đây của tổ chức này cho thấy sản lượng thịt châu Âu vào VN không ngừng tăng lên ở cấp số nhân, từ mức 10 tấn năm 2012 lên 711 tấn năm 2014 và trong 6 tháng đầu năm 2015 đã có 971 tấn thịt heo từ EU được xuất vào VN. Đối với thịt bò, 6 tháng đầu năm 2015 là 8.405 tấn, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2014. Bà Agnieszka Rozanska, Giám đốc điều hành UPEMI, nhận định: “Theo Hiệp định Thương mại tự do giữa VN và EU, thuế nhập khẩu thịt từ EU vào VN sẽ được giảm trong vòng 3 – 7 năm và sau đó gỡ bỏ hoàn toàn. Điều này giúp cho giá thịt heo, bò, gà EU vào VN sẽ rẻ hơn so với hiện tại. Có khoảng 100 nhà xuất khẩu thuộc các nước EU đã được cấp phép xuất khẩu thịt vào VN, trong đó 40% đến từ Ba Lan”.
Thực tiễn trên đặt ngành chăn nuôi trong nước vào tình thế hết sức khó khăn. PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông Lâm TP.HCM, nhận xét: “Nếu không thay đổi hoàn toàn cách làm hiện tại thì ngành chăn nuôi không thể tồn tại và phát triển trong sân chơi hội nhập”.
|
Nhanh chóng tái cơ cấu ngành chăn nuôi
Có một nghịch lý là ngành chăn nuôi trong nước hiện sản xuất manh mún nhỏ lẻ, năng suất hiệu quả không cao, chi phí lớn nhưng vẫn sống ổn là nhờ xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Theo nhận định của ông Mười, đây là yếu tố rất nguy hiểm, khiến chúng ta chậm thay đổi và gây tâm lý ảo tưởng về sự phát triển. “Bởi đến một lúc nào đó khi thị trường nội địa đã tràn ngập thịt ngoại, sản phẩm nội không cạnh tranh được, mất sân chơi và chỉ còn trông chờ vào đầu ra Trung Quốc. Mà thực tế thị trường này hết sức bấp bênh và rủi ro”, ông Mười lo lắng và cho rằng: “Ở VN, muốn phát triển ngành chăn nuôi cũng phải đi theo hướng công nghiệp, hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Để làm được điều đó phải có chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật từ phía nhà nước. Một điều quan trọng khác là phải thay đổi cách thức buôn bán tiểu ngạch với Trung Quốc hiện nay”.
Còn ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, phân tích hiện tại, mặc dù thịt nhập khẩu phải chịu thuế nhưng giá bán vẫn thấp so với thịt nội cùng loại, nhờ các lợi thế sản xuất, giết mổ, chế biến quy mô và hiện đại. Điều này đe doạ ngành chăn nuôi trong nước khi giá cao, chất lượng không đồng đều và chưa đảm bảo truy xuất nguồn gốc cũng như chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. “Các nước khác cũng hội nhập, cũng mở cửa, nhưng họ mở cửa nhập khẩu thì cũng xuất khẩu tương ứng theo thế mạnh cạnh tranh toàn cầu. Hay cùng với việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan là gia tăng hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm trong khi VN kết hợp chưa thật sự đồng bộ việc này”, ông Hiệp nói.
Ông Âu Thanh Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, cũng cho rằng cần phải cải cách quản lý về vĩ mô và tạo lòng tin, sân chơi sòng phẳng cho doanh nghiệp trong nước. “Đơn cử, giá vật tư ngành chăn nuôi VN hiện cao hơn từ 25 – 30% so với các nước trong khu vực, chủ yếu do quản lý của Bộ NN-PTNT chưa tốt dẫn đến các doanh nghiệp FDI liên kết giá thao túng thị trường, độc quyền phân phối sản phẩm”, ông Long nói và kiến nghị các bộ, ngành phải quyết liệt hơn trong quản lý nhà nước; nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội bỏ chính sách hạn điền cho sản xuất lớn, thay đổi các tiêu chuẩn về khí, nước thải theo thông lệ quốc tế đang áp dụng thay vì gom về chung làm một tiêu chuẩn như hiện nay…
Học mô hình Hà Lan
Theo ông Văn Đức Mười, VN và Hà Lan có chương trình hợp tác để phát triển chăn nuôi theo chuỗi. Đầu năm nay, Cục Chăn nuôi – Bộ NN-PTNT đã có đoàn gồm lãnh đạo Cục và một số doanh nghiệp, nông dân sang Hà Lan học tập kinh nghiệm. “40 năm trước, Hà Lan cũng gặp hàng loạt vấn đề như VN bây giờ. Nhưng hiện nay họ trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi và xuất khẩu thịt đi 64 quốc gia. Thành công của họ được xây dựng trên chuỗi giá trị một cách hoàn chỉnh từ con giống đến bàn ăn. Hiện tại, Hà Lan đã tiến tới một bước rất cao là chăn nuôi không tiêm ngừa và không dùng thuốc kháng sinh. Cốt lõi của vấn đề là chăn nuôi và tập trung giết mổ theo hướng công nghiệp để kiểm soát dịch bệnh và giảm giá thành”, ông Mười cho biết.
|
Chí Nhân