23/01/2025

Mặt trận ngầm ở Mosul

Chiến dịch giải phóng thành phố Mosul, Iraq đang được tuyên truyền là rất thuận lợi và dường như chiến thắng đang đến rất gần. Nhưng thực tế đó là một trận chiến không hề dễ dàng, không chỉ vì sự chống trả quyết liệt từ IS…

 

Mặt trận ngầm ở Mosul

Chiến dịch giải phóng thành phố Mosul, Iraq đang được tuyên truyền là rất thuận lợi và dường như chiến thắng đang đến rất gần. Nhưng thực tế đó là một trận chiến không hề dễ dàng, không chỉ vì sự chống trả quyết liệt từ IS…

 

 

 

Mặt trận ngầm ở Mosul
Một người lính Iraq đứng cạnh hai tù nhân được coi là chiến binh IS tại khu vực giao tranh phía nam thành phố Mosul, ngày 27-10 – Ảnh: REUTERS
Các bên tranh chấp nhau cả trong và ngoài Iraq đều tham gia đánh IS ở Mosul với những toan tính riêng của mình. Những toan tính ấy đậm đặc ý đồ vụ lợi từ quốc gia vị kỷ đến giằng xé phe nhóm thiển cận”.

Từ ngày 16-10, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã chính thức tuyên bố phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giành lại thành phố Mosul vốn đã bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm đóng từ tháng 6-2014.

Đây được coi là trận chiến quyết định để xóa sổ thành trì cuối cùng của IS ở Iraq, sau khi các thành trì khác của tổ chức khủng bố này tại Tikrit, Ramadi, Fallujah… đã bị thu hồi.

Sau hai tuần lễ được coi là giai đoạn 1 của chiến dịch, nhiều khu vực bao quanh Mosul từ các hướng bắc, đông và nam đã bị các lực lượng Iraq chiếm lại. Thậm chí có nơi quân Iraq chỉ cách ranh giới thành phố chừng dăm bảy cây số.

Ngày 25-10, giai đoạn 1 được coi là hoàn thành thắng lợi; các lực lượng Iraq tạm ngưng tấn công để củng cố các khu vực đã chiếm được, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho giai đoạn 2: đánh vào thành phố.

Mặt trận nổi của chiến dịch giải phóng Mosul khỏi tay IS đang được tuyên truyền như tiến triển rất thuận lợi và chiến thắng đang đến rất gần. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Trận chiến không hề dễ dàng, không chỉ vì sự chống trả quyết liệt từ phía IS, mà còn vì có một mặt trận ngấm ngầm không kém phần quyết liệt đã và vẫn tiếp tục sôi động: không phải chống lại IS, mà giữa chính các lực lượng đánh IS với nhau.

Nhờ sự dàn xếp của Mỹ, đã đạt được một thoả thuận giữa các bên Iraq gồm các nội dung chủ yếu: chủ công của chiến dịch sẽ là quân đội Iraq và lực lượng vũ trang Peshmerga của người Kurd. Các lực lượng dân binh Suna địa phương và Hashad Shaabi được tham gia phối hợp trong giai đoạn đầu của chiến dịch đánh đuổi IS khỏi các vùng ngoại vi thành phố.

Đến giai đoạn 2 – đánh vào nội thành Mosul – thì chỉ có quân đội Iraq và dân binh Suna địa phương được xâm nhập. Người Kurd và dân binh Shi’a phải dừng lại bên ngoài thành phố.

Các bên Iraq buộc phải chấp nhận sự dàn xếp này bởi nếu không chấp nhận thì Mỹ không yểm trợ hỏa lực không quân. Nhưng chấp nhận là một chuyện. Vào cuộc thì hành xử thế nào lại là chuyện khác.

Vì khu vực do IS chiếm đóng ở tỉnh Ninawa, mà Mosul là thủ phủ, nằm lọt gần trọn trong lãnh thổ Kurdistan của người Kurd, nên lực lượng Peshmerga mở 5 mũi tấn công từ các hướng bắc và đông. Quân đội Iraq chỉ còn đánh lên từ hướng nam.

Người Kurd lại được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn từ tháng 8, khi Ankara cho một lực lượng, gồm cả xe tăng và pháo binh kéo vào khu vực Baasheeqa (đông bắc Mosul), với danh nghĩa “cố vấn và huấn luyện cho người Kurd chống khủng bố”.

Chính phủ al-Abadi chính thức phản đối sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Baasheeqa. Nhưng Ankara biện luận rằng họ “là thành viên của Liên minh quốc tế chống IS tại Iraq – Syria, nên có quyền đánh IS ở Mosul”.

Hơn nữa, sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Baasheeqa đã được sự chấp thuận của Mas’oud Barazani – người đứng đầu khu vực tự trị Kurdistan! Người Kurd làm sao có thể chịu dừng lại ở cửa ngõ Mosul để các lực lượng khác chiếm trọn thành phố!

Iran cũng trực tiếp công khai vào cuộc. Ngày 24-10, tướng Qasem Suleimani – tư lệnh lực lượng đặc nhiệm ở nước ngoài (gọi là Faylaq al-Qods) của Vệ binh cách mạng Iran – đã đến Suleimaniya, thủ phủ phía đông của Kurdistan Iraq, rồi sau đó đến thủ đô Baghdad nhằm tìm cách để lực lượng của Iran và dân binh Shi’a Iraq (Hashad Shaabi) được tham gia chiến dịch Mosul.

Theo truyền thông Ả Rập, mục tiêu chính của Iran là khu vực Tal’afa ở phía bắc thành phố Mosul, với cái cớ “bảo vệ đa số cư dân theo dòng Shi’a” ở khu vực này. Nhưng giới phân tích Ả Rập cho rằng Tal’afa có vị trí chiến lược rất quan trọng với Iran, bởi nằm ở khu vực ngã ba biên giới (Iraq – Thổ Nhĩ Kỳ – Syria) và trên hành lang mà Iran có thể sử dụng để qua Iraq đến Syria, tiếp cận gần nhất với Địa Trung Hải.

Iran bị coi là đang che chở cho các thế lực Shi’a Iraq quyết giành phần đáng kể tại Ninawa nói chung và Mosul nói riêng.

Bởi thế, lực lượng tham gia đánh IS ở Mosul nhìn bên ngoài có vẻ rất hoành tráng, nhưng không thực sự tạo thành một sức mạnh thống nhất chung mục đích để có thể nhanh chóng kết thúc thắng lợi chiến dịch. Hơn nữa, những xung đột tại Mosul “thời hậu IS” chắc chắn sẽ còn phức tạp gấp bội phần.

Miếng bánh nhiều người nhòm

Vài tháng trước khi mở màn chiến dịch, các chính khách Mỹ, từ Phó tổng thống Joe Biden đến Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và các tướng lĩnh Mỹ đang hiện diện tại Iraq đã phải ráo riết tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc với các bên liên quan để dàn xếp những tranh chấp quyết liệt.

Bên trong Iraq: người Kurd muốn giành quyền chủ công để “giải phóng Mosul” bởi coi thành phố này là “lãnh thổ lịch sử của khu vực Kurdistan”.

Thế lực Suna lại khẳng định họ mới là chủ nhân của thành phố này cũng như của toàn tỉnh Ninawa, bởi đây là một phần quan trọng thuộc “lãnh thổ truyền thống của dòng Suna Iraq”.

Thế lực Shi’a cũng đòi tham gia chiến dịch để bảo vệ những khu vực đông người Shi’a trong tỉnh Ninawa và thành phố Mosul.

Trong khi đó, lực lượng đặc nhiệm Iraq được liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu hậu thuẫn chưa thật sự có thể đánh đuổi IS khỏi Mosul mà không cần đến sự tham gia của các lực lượng khác, nhất là người Kurd.

NGUYỄN NGỌC HÙNG