Được khuyến khích, phân bón nội… điêu đứng
Việc đưa mặt hàng phân bón vào danh mục không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) chỉ giúp tăng thu ngân sách và khuyến khích nhập khẩu phân bón, trong khi doanh nghiệp sản xuất trong nước và nông dân đều gặp khó.
Được khuyến khích, phân bón nội… điêu đứng
Việc đưa mặt hàng phân bón vào danh mục không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) chỉ giúp tăng thu ngân sách và khuyến khích nhập khẩu phân bón, trong khi doanh nghiệp sản xuất trong nước và nông dân đều gặp khó.
Bà Trần Thị Bình (uỷ viên HĐQT Công ty CP phân bón Dầu khí Cà Mau) – – Ảnh: NAM TRẦN |
Chính sách loại phân bón ra khỏi danh mục chịu thuế VAT thực chất đã giúp Nhà nước tăng thu. Nông dân không được hưởng lợi |
Bà Trần Thị Bình (ủy viên HĐQT Công ty CP phân bón Dầu khí Cà Mau) |
Nhiều doanh nghiệp (DN) và đại biểu tham gia buổi toạ đàm gỡ khó cho hoạt động sản xuất phân bón trong nước, do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Hà Nội ngày 27-10.
Theo các DN, sau khi Luật số 71/2014 có hiệu lực (từ ngày 1-1-2015), trong đó phân bón được đưa vào diện không chịu thuế VAT, giá cả mặt hàng này không những không giảm như kỳ vọng, mà hầu hết DN sản xuất phân bón trong nước đều gặp khó, chỉ có phân bón nhập khẩu hưởng lợi.
Sản xuất trong nước giảm mạnh
Phát biểu tại toạ đàm, ông Trần Văn Chuyên, phó trưởng phòng kế hoạch vật tư Công ty CP supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao, cho biết sau khi mặt hàng phân bón được đưa vào danh mục không chịu thuế VAT từ đầu năm 2015, giá bán phân bón đã tăng 3-4% so với trước, trong khi khoản thuế mà công ty phải nộp cũng tăng mạnh.
Theo ông Chuyên, khi phân bón còn nằm trong danh sách mặt hàng chịu thuế VAT 5%, số thuế VAT mà DN này phải nộp chỉ có 60 tỉ đồng.
Nhưng sau khi mặt hàng này được đưa vào danh sách không chịu thuế VAT (không được khấu trừ thuế VAT đầu vào), khoản thuế mà DN này phải nộp tăng gấp ba lần, lên tới 180 tỉ đồng.
“Tiếng là giảm thuế, nhưng DN phải nộp thuế thêm từ 120-130 tỉ đồng/năm, khiến giá thành sản phẩm bị đội thêm 3-4% so với trước” – ông Chuyên nói. Để bù vào chi phí này, giá bán phân bón cũng phải tăng, nông dân bị thiệt hại và chính DN cũng gặp khó.
Theo ông Chuyên, sau khi phân bón được chuyển vào danh mục không chịu thuế VAT, lợi nhuận của Công ty CP supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao giảm mạnh.
Trong năm 2015, lợi nhuận của DN chỉ còn hơn 392 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 562 tỉ đồng của năm 2014. “Chẳng biết năm nay lợi nhuận của chúng tôi có đạt con số 200 tỉ đồng không” – ông Chuyên lo ngại.
Ông Takashi Yamada, giám đốc tài chính Công ty Phân bón Việt Nhật (Tập đoàn Sojittz), cho biết trong chín tháng đầu năm nay, khoản thuế VAT đầu vào mà DN này không được khấu trừ lên tới 28 tỉ đồng, trong khi lượng hàng bán ra ngày càng giảm.
Cụ thể, lượng hàng bán ra trong năm 2015 của DN này chỉ đạt 182.000 tấn, giảm 16.000 tấn so với năm trước đó và dự báo sẽ tiếp tục giảm mạnh trong năm nay.
“Trong khi DN sản xuất phân bón trong nước bị ảnh hưởng, phân bón ngoại nhập lại hưởng lợi do không phải chịu thuế VAT” – ông Takashi Yamada nói.
Theo ông Dương Trí Hội – phó tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo), không chỉ thiệt hại trước mắt, chính sách này cũng không khuyến khích đầu tư công nghệ mới, hiện đại.
“Như vậy, phân bón vẫn sản xuất theo công nghệ cuốc xẻng, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, ảnh hưởng chung đến ngành nông nghiệp VN” – ông Hội khuyến cáo.
Ông Trần Văn Chuyên (phó trưởng phòng kế hoạch vật tư Công ty CP supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao) – Ảnh: NAM TRẦN |
Tiếng là giảm thuế, nhưng DN phải nộp thuế thêm từ 120-130 tỉ đồng/năm, khiến giá thành sản phẩm bị đội thêm 3-4% so với trước |
Ông Trần Văn Chuyên (phó trưởng phòng kế hoạch vật tư Công ty CP supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao) |
Phân bón nhập hưởng lợi
Bà Trần Thị Bình, uỷ viên HĐQT Công ty CP phân bón Dầu khí Cà Mau, khẳng định thời gian qua nhiều DN sản xuất phân bón trong nước buộc phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa, do không cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu (được hưởng lợi do không chịu thuế VAT).
Theo khuyến cáo của ông Nguyễn Hoàng Trung – trưởng phòng kế hoạch Công ty CP DAP – VINACHEM (DAP-Đình Vũ), một khi DN sản xuất phân bón trong nước ngày càng thu hẹp, thị trường phân bón VN sẽ bị chi phối bởi phân bón nhập khẩu, người nông dân càng chịu thiệt.
Ông Nguyễn Như Cường – phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT – cho rằng chính sách phải đảm bảo để DN tồn tại và phát triển được.
Do đó cần phải đánh giá toàn diện từ khi phân bón không thuộc danh mục chịu thuế VAT, người nông dân có mua được phân bón chất lượng tốt, giá thành đảm bảo như kỳ vọng?
Ông Nguyễn Văn Thanh – cục trưởng Cục Hoá chất, Bộ Công thương – cũng thừa nhận việc đưa phân bón vào danh mục không phải chịu thuế VAT vô hình trung không khuyến khích đầu tư phát triển trong nước, khiến DN Việt phải cạnh tranh không bình đẳng với sản phẩm nhập khẩu.
Để sớm tháo gỡ khó khăn cho DN, theo ông Thanh, Hiệp hội Phân bón VN (FAV) và Bộ Công thương đã đề nghị Chính phủ điều chỉnh quy định về thuế VAT với phân bón.
Theo các DN, nếu không thể áp thuế VAT với phân bón ở mức 0% do ngân sách khó khăn, DN sẵn sàng chia sẻ, vẫn nộp thuế VAT 5% như trước đây và vẫn được hoàn thuế đầu vào như các ngành sản xuất khác.
“Đây là điều kiện cần thiết để DN giảm bớt chi phí sản xuất, qua đó giảm giá bán phân bón nhằm giúp nông dân được hưởng lợi” – bà Trần Thị Bình nói.
Thế nhưng, theo ông Nguyễn Hạc Thuế – phó chủ tịch kiêm tổng thư ký FAV, thời gian qua FAV và các DN đã nhiều lần kiến nghị sửa chính sách thuế VAT mới với phân bón nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi của Bộ Tài chính.
“Trước mắt nên cho áp dụng chính sách tự vệ trong nhập khẩu phân bón. Đồng thời, đề nghị Thủ tướng và các bộ ngành sớm kiến nghị lên Quốc hội sửa đổi Luật 71” – ông Thuý nói.
Ông Takashi Yamada (giám đốc tài chính Công ty Phân bón Việt Nhật) – Ảnh: NAM TRẦN |
Trong khi DN sản xuất phân bón trong nước bị ảnh hưởng, phân bón ngoại nhập lại hưởng lợi do không phải chịu thuế VAT |
Ông Takashi Yamada (giám đốc tài chính Công ty Phân bón Việt Nhật) |
Bộ Tài chính không trung thực? Theo ông Nguyễn Hạc Thuý, Bộ Tài chính đã không trung thực khi báo cáo về giá phân bón trong nước. “Bộ Tài chính báo cáo việc chuyển phân bón thành mặt hàng không thuộc đối tượng chịu thuế VAT đã giúp nông dân được hưởng lợi là không đúng” – ông Thuý nói. Dẫn công văn số 7083 gửi Văn phòng Chính phủ, ông Thuý cho rằng Bộ Tài chính đã lấy mức giảm giá phân bón thế giới (ure giảm 41,25%, DAP giảm 25,2%) để áp vào thị trường trong nước. Trong khi đó, thực tế giá ure trong nước chỉ giảm 20,26%. Và việc giảm giá này, ông Thuý khẳng định, do giá phân bón thế giới giảm chứ không phải do chính sách đưa phân bón ra khỏi diện chịu thuế VAT mà Bộ Tài chính đề xuất. |