23/01/2025

Siêu tên lửa uy chấn toàn cầu của Nga

Nga đã bắt đầu thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa mới RS-28 Sarmat, được cho là có khả năng xuyên thủng mọi lá chắn phòng thủ hiện đại.

 

Siêu tên lửa uy chấn toàn cầu của Nga

Nga đã bắt đầu thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa mới RS-28 Sarmat, được cho là có khả năng xuyên thủng mọi lá chắn phòng thủ hiện đại.




Mô hình tên lửa RS-28 SarmatTRUNG TÂM THIẾT KẾ TÊN LỬA MAKEYEV

Hãng Sputnik đưa tin Trung tâm thiết kế tên lửa Makeyev của Nga mới đây công bố một thông cáo cùng loạt ảnh liên quan đến siêu tên lửa RS-28 Sarmat. Đây là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới đầu tiên của Moscow trong nhiều thập niên và do Trung tâm Makeyev, đặt tại TP.Miass (Nga), phát triển.
Trong thông cáo đưa ra ngày 23.10, Trung tâm thiết kế tên lửa Makeyev ghi rõ: “Theo sắc lệnh của chính phủ Nga về việc phòng thủ trong năm 2010 và giai đoạn hoạch định 2012 – 2013, Trung tâm thiết kế tên lửa Makeyev được giao triển khai thiết kế và phát triển Sarmat. Vào tháng 6.2011, Bộ Quốc phòng Nga đã ký hợp đồng phát triển Sarmat nhằm giúp nó trở thành công cụ chủ chốt trong hệ thống răn đe hạt nhân thuộc lực lượng tên lửa chiến lược Nga”.
RS-28 Sarmat được chế tạo nhằm thay thế loại tên lửa R-36M Voyevoda (NATO gọi là SS-18 Satan) ra đời vào năm 1986 và dự kiến sẽ bắt đầu được đưa vào hoạt động trong năm 2018.
Sức hủy diệt kinh hoàng
Với trọng lượng tầm 100 tấn, siêu tên lửa RS-28 Sarmat có thể mang đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân nặng tới 10 tấn. Giới chức Nga khẳng định tên lửa mới mang được cùng lúc 10 đầu đạn hạng nặng hoặc 16 đầu đạn loại nhẹ hơn nhờ công nghệ đầu đạn đa phân hướng (MIRV). Đây là công nghệ dẫn đường độc lập giúp các đầu đạn sau khi được phóng đi sẽ tự tách ra để phá hủy cùng lúc nhiều mục tiêu. Cộng thêm tầm bắn vượt trội lên tới khoảng 10.000 km, RS-28 Sarmat có sức công phá lớn đến mức san bằng được những khu vực lãnh thổ có diện tích tương đương nước Pháp hoặc bang Texas của Mỹ, theo Zvezda TV, kênh truyền hình của Bộ Quốc phòng Nga.
Truyền thông Nga loan tin rằng RS-28 Sarmat còn có sức công phá đến 40 megaton, gấp 2.000 lần các quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki tại Nhật Bản hồi năm 1945. Chuyên gia về kinh tế chính trị Mỹ, tiến sĩ Paul Craig Roberts, nhận định tên lửa mới một khi đi vào sử dụng sẽ khiến những quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki trở nên chỉ như “thuốc súng”. Ông Roberts còn nói rằng RS-28 Sarmat có sức công phá đủ mạnh để “xóa sạch 3/4 diện tích bang New York của Mỹ” trong chớp mắt.
Siêu tên lửa uy chấn toàn cầu của Nga - ảnh 1

Loại đạn thông minh mới sẽ được trang bị cho quân đội Nga vào năm 2020REUTERS

Là tên lửa đạn đạo chiến lược thế hệ thứ 5, RS-28 Sarmat được trang bị những công nghệ hiện đại nhất với tính năng kỹ thuật, chiến thuật ưu việt hơn hẳn so với các tên lửa thế hệ trước. Hiện có rất ít thông tin được tiết lộ về các thông số kỹ thuật của tên lửa mới, song truyền thông Nga dẫn các nguồn tin trong ngành cho biết RS-28 Sarmat sử dụng nhiên liệu lỏng và có 2 tầng, đồng thời có khả năng lẩn tránh radar của đối phương.
Theo Zvezda TV, một trong những sứ mệnh chính của RS-28 Sarmat là có thể vượt qua mọi lá chắn phòng thủ hiện đại nhất của Mỹ và các đồng minh NATO đặt tại châu Âu. Vì thế, đầu đạn được trang bị công nghệ dẫn đường tối tân để có thể né tránh tên lửa đánh chặn, cộng thêm tốc độ được cho là lên đến Mach 20 (tức 24.500 km/giờ) cùng nhiều năng lực phản công khác.
 
 
Quan hệ Nga – Mỹ lao dốc không phanh
Nga tiết lộ các loại vũ khí mới trên trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và phương Tây leo thang, liên quan đến vấn đề Ukraine và Syria. Hồi đầu tháng, Nga đã tiến hành cuộc diễn tập phòng vệ quốc phòng toàn dân quy mô lớn để đảm bảo nước này luôn sẵn sàng đối phó một vụ tấn công hạt nhân từ phương Tây. Cuộc diễn tập kéo dài 4 ngày với sự tham gia của 40 triệu người, 200.000 nhân viên cứu hộ khẩn cấp và khoảng 50.000 xe chuyên dụng… Zvezda TV còn phát tin cảnh báo rằng người Mỹ đang mài bén vũ khí hạt nhân để tấn công Moscow.

 

Sát thủ UAV

Không chỉ đẩy mạnh phát triển tên lửa, Bộ Quốc phòng Nga cũng đang thử nghiệm loại đạn pháo mới với hệ thống kích nổ thông minh để tiêu diệt các loại máy bay không người lái (UAV). Theo tờ Izvestiya dẫn lời giới chức Moscow, loại đạn pháo mới tuy có kích cỡ nhỏ song có khả năng tạo ra “đám mây kim loại” giúp phá hủy những thiết bị bay của đối phương chỉ bằng một phát đạn. Các chuyên gia cho biết thêm những quả đạn này sẽ phát nổ trên đường tiếp cận mục tiêu và có thể tiêu diệt dễ dàng những mục tiêu cỡ nhỏ có đường kính vài chục centimet.
“Loại đạn pháo trên sẽ được trang bị một hệ thống kích nổ từ xa, tức một loại ngòi nổ nhỏ đặt bên trong quả đạn và thời điểm nổ sẽ được thiết lập trên máy tính, dựa vào các thông số như khoảng cách tới mục tiêu”, trang Russia Beyond the Headlines (RBTH) dẫn nguồn tin trong ngành cho hay. Kết quả là khi tới gần mục tiêu, các mảnh đạn sẽ hình thành một “đám mây kim loại” có khả năng phá hủy mọi loại UAV chiến thuật của những đơn vị bộ binh cơ giới trong các nhiệm vụ trinh sát ở cự ly gần.
“Bắn hạ một thiết bị như vậy bằng một tên lửa phòng không thì quá đắt đỏ, mà bắn hạ bằng đạn súng trường tấn công thì quá khó do các mục tiêu biến hóa rất nhanh trên không trung. Nhưng hiện nay với loại đạn pháo thông minh trên, máy bay không người lái dễ dàng bị tiêu diệt chỉ bằng một phát đạn từ phương tiện bọc thép nào đó”, Giáo sư Vadim Kozyulin thuộc Học viện Khoa học quân sự Nga giải thích.
Ở giai đoạn đầu, loại đạn thông minh sẽ được thử nghiệm trên mô đun pháo tự động AU-220M Baikal cỡ nòng 57 mm – là vũ khí chính trên các xe thiết giáp hiện đại nhất của Nga như xe bọc thép Boomerang, Armata T-15. Sau đó, các nhà thiết kế có kế hoạch chế tạo dòng đạn thông minh cỡ 30 mm cho các phương tiện bọc thép cũ hơn của quân đội Nga như BMP-2, BMP-3 và BTR-82.
Cũng theo RBTH dẫn nguồn từ giới chức Moscow, đạn pháo thông minh trên sẽ được trang bị cho quân đội nước này vào năm 2020. Điều này sẽ cho phép mô đun pháo tự động trên những loại xe bọc thép mới nhất của Nga lựa chọn hàng loạt loại đạn khác nhau trong lúc khai hoả. Như vậy, xe thiết giáp Nga có thể sử dụng cả đạn pháo thông thường để tiêu diệt xe bọc thép hạng nhẹ lẫn pháo thông minh mới cho các mục tiêu trên không.

 

Huỳnh Thiềm