15/11/2024

Giúp học sinh nâng chất giờ học thí nghiệm

Kỹ sư Nguyễn Hướng Việt cùng các cộng sự, mạnh thường quân chế tạo và tặng hơn 1.000 bộ kết nối kính hiển vi – máy vi tính cho hàng trăm trường học, bệnh viện ở 63 tỉnh thành trong cả nước.

 

Giúp học sinh nâng chất giờ học thí nghiệm

Kỹ sư Nguyễn Hướng Việt cùng các cộng sự, mạnh thường quân chế tạo và tặng hơn 1.000 bộ kết nối kính hiển vi – máy vi tính cho hàng trăm trường học, bệnh viện ở 63 tỉnh thành trong cả nước.

 

 

 

Giúp học sinh nâng chất giờ học thí nghiệm
Một tiết thực hành môn sinh trên bộ thiết bị NHV-CAM của học sinh lớp 9/11 Trường THCS Nguyễn Văn Bé (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) – Ảnh: NHƯ HÙNG

Hình ảnh từ kính hiển vi được phóng đại qua tivi, máy vi tính giúp những giờ học thí nghiệm sinh, h ở các trường trở nên sinh động, hấp dẫn hơn, thay vì mỗi lần chỉ một học sinh quan sát như trước. Đây được xem là thay đổi lớn trong giờ học thí nghiệm sinh, hoá ở các trường phổ thông.

Nghiên cứu được thì phải xin tài trợ được, phải áp dụng được cho cộng đồng, phải sản xuất được số lượng lớn, chứ không phải nghiên cứu ra là xong

Kỹ sư NGUYỄN HƯỚNG VIỆT

Thấy yêu hơn môn học của mình

Giờ thực hành sinh học của lớp 9/11 Trường THCS Nguyễn Văn Bé (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) diễn ra khá sôi nổi.

Cô Đỗ Thị Phương – giáo viên môn sinh – hướng dẫn học sinh tách lấy một phần nhỏ thịt quả cà chua rồi cho vào tiêu bản, đặt dưới kính hiển vi.

Cô Phương bảo trước đây với một kính hiển vi, thời lượng tiết học không đủ để mọi học sinh đều quan sát được mẫu vật. Nhiều em không kịp quan sát sẽ khiến việc tiếp thu bài học không tốt lắm.

Nhưng hiện nay, với bộ kết nối kính hiển vi – máy vi tính được trang bị, trong giờ thực hành sinh, học sinh chỉ cần nhìn lên một chiếc tivi to đặt trên tường có thể quan sát rõ ràng cấu tạo tế bào của quả cà chua. Hình ảnh cấu tạo tế bào được phóng to rất sinh động trên màn hình khiến cả lớp ồ lên thích thú.

Nhiều học sinh vừa nhìn màn hình vừa vẽ lại hình dạng tế bào một cách dễ dàng. Em Nguyễn Hữu Phục Lâm hào hứng chia sẻ: “Em không ngờ mẫu vật khi phóng to lại thú vị như vậy. Với những buổi thực hành thế này, em thấy yêu hơn môn học của mình”.

Tiết sinh học lý thú trên của cô trò Trường THCS Nguyễn Văn Bé đã được hỗ trợ từ thiết bị “bộ kết nối” của kỹ sư Nguyễn Hướng Việt cùng các mạnh thường quân tặng cho nhà trường.

“Với bộ thiết bị này, giáo viên không còn tốn nhiều thời gian, công sức để lặp đi lặp lại thao tác làm mẫu trong một tiết thực hành thí nghiệm nữa.

Thay vào đó, giáo viên có thêm thời gian để đến từng nhóm kiểm tra, hướng dẫn chi tiết hơn. Chất lượng của một giờ thí nghiệm giờ hiệu quả hơn rất nhiều” – cô Đỗ Thị Phương đánh giá.

Bộ thiết bị kể trên được thầy Nguyễn Hướng Việt (khoa điện tử viễn thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng với nhóm sinh viên của mình bắt tay nghiên cứu từ năm 2004. Sau này, bộ thiết bị được nâng cấp và tích hợp thêm nhiều tính năng khác, và thầy Việt đã đổi tên thành “Thiết bị nhúng tốc độ cao, công suất thấp, kết nối kính hiển vi với thiết bị nghe nhìn” hay còn gọi là NHV-CAM.

Đến tháng 6-2012, thầy Việt cùng nhà tài trợ tặng, tư vấn hướng dẫn, lắp đặt miễn phí bộ thiết bị này cho tổng cộng 107 trường THCS, THPT ở TP.HCM.

Sau đó, thầy tiếp tục mở rộng việc tặng bộ thiết bị ra các trường từ Bình Thuận đến Cà Mau, rồi đến các tỉnh miền Bắc, Trung như Lạng Sơn, Sơn La, H Bình, Huế, Khánh Hoà, Ninh Thuận… tổng cộng đã hơn 1.000 bộ.

Nghiên cứu phải ứng dụng được cho cộng đồng

Luôn gắn với các hoạt động vì cộng đồng, thầy Việt trăn trở làm sao để sinh viên của mình có thể dùng kiến thức học được giúp đỡ người dân. Bộ kết nối kính hiển vi – máy vi tính được thầy trò bắt tay vào thực hiện cũng trên tinh thần ấy.

“Khi mới nghiên cứu, tôi phải tự bỏ tiền túi ra làm. Thu được kết quả mới dùng để trình xin tài trợ. Tôi nghiên cứu không phải vì tiền, mà vì muốn làm một điều gì đó cho nền công nghệ nước nhà, cho cộng đồng. Tuy vất vả nhưng giá trị mang lại rất xứng đáng” – thầy Việt tâm sự.

Thầy Việt kể thêm ông luôn tâm niệm và dạy sinh viên phải đi nhiều để nhìn xã hội cần gì, mình mới nghiên cứu cái đó.

Ông bảo: “Nghiên cứu được thì phải xin tài trợ được, phải áp dụng được cho cộng đồng, phải sản xuất được số lượng lớn, chứ không phải nghiên cứu ra là xong. Mà nhà tài trợ nói cho không phải cho ngay.

Bạn phải tới tận nơi, xin cho tỉnh nào thì đến tỉnh đó, giải trình chuyển giao công nghệ, xem người ta sử dụng hiệu quả như thế nào rồi về báo cáo cho nhà tài trợ. Sau đó, nhà tài trợ đi kiểm tra, thấy đạt, người ta mới chuyển tiền. Đó cũng là cách tôi xin tài trợ suốt mấy chục năm nay”.

Từ khi bắt đầu tặng bộ kết nối kính hiển vi – máy vi tính (sau này là NHV-CAM), trung bình mỗi năm thầy Việt có 30 chuyến đi đến các tỉnh thành khắp cả nước để giảng dạy, hợp tác nghiên cứu và trao tặng thiết bị.

Ông kể có những ngày trong chuyến đi ấy ông chỉ ngủ hai tiếng, thời gian còn lại dành hết cho nghiên cứu, hỗ trợ thầy cô ở địa phương đó.

Dù đã nghỉ hưu cách đây hai năm, thầy Việt vẫn thường xuyên đến phòng thí nghiệm của khoa, cặm cụi nghiên cứu khoa học cùng với sinh viên. Ở tuổi 62, tóc pha sương, nhưng đôi mắt người thầy ấy vẫn cháy rực nhiệt huyết khi nói về những nghiên cứu phục vụ cộng đồng.

Giờ đây, NHV-CAM không chỉ ứng dụng trong giáo dục mà mở rộng ra các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, thú y, thủy hải sản…

Hỗ trợ kinh phí để sinh viên nghiên cứu khoa học

Với nhiều thế hệ sinh viên, thầy Việt là người thầy gần gũi, tâm huyết cùng những công trình phục vụ cộng đồng. Song song hỗ trợ kiến thức, thầy còn hỗ trợ kinh phí để sinh viên thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, với điều kiện sinh viên phải chứng minh ý nghĩa thực tiễn của đề tài.

“Tôi được cộng tác cùng thầy Việt ở đề tài bộ kết nối kính hiển vi – máy vi tính từ năm thứ 4 đại học. Lúc bắt đầu làm việc cùng thầy, tôi cũng thường gặp khó khăn và bị ức chế, vì thầy đòi hỏi rất cao về kết quả.

Tuy nhiên, nhờ những khó khăn đó mà thiết bị NHV-CAM mới hình thành. Tới bây giờ, chúng tôi vẫn đang từng bước hoàn thiện và tối ưu thiết bị NHV-CAM” – anh Trần Hoàng Đạt, học trò đồng thời là đồng nghiệp của thầy Việt, chia sẻ.

PHƯƠNG NGUYỄN – THANH THẢO