23/01/2025

Bấp bênh chanh dây

Với diện tích hơn 500 ha chanh dây, tổng năng suất chừng 300.000 tấn/năm, nhiều hộ nông dân ở H.Mang Yang (Gia Lai) đang như ngồi trên lửa khi giá quả chanh dây phập phù và theo xu hướng giảm.

 

Bấp bênh chanh dây

Với diện tích hơn 500 ha chanh dây, tổng năng suất chừng 300.000 tấn/năm, nhiều hộ nông dân ở H.Mang Yang (Gia Lai) đang như ngồi trên lửa khi giá quả chanh dây phập phù và theo xu hướng giảm.




Phân loại chanh dây để xuất sang Trung QuốcẢNH: TRẦN HIẾU

Lúc cao điểm vào cuối tháng 3.2016, giá quả chanh dây loại tốt đột ngột tăng từ 40.000 đồng lên 56.000 đồng/kg. Nhưng qua tháng 4, giá lại lao dốc còn 10.000 đồng/kg. Và đến nay, giá chanh dây dao động trong khoảng 12.000 – 15.000 đồng/kg. Toàn bộ chanh dây chủ yếu nhập cho thị trường Trung Quốc, giá cả cũng do bên mua định đoạt.
Chị Nguyễn Thị Hoà, một thương lái thu mua chanh dây ở H.Mang Yang, cho biết: “Mỗi ngày tôi thu mua từ 3 – 5 tấn chanh dây. Hiện chanh dây có ba loại gồm chanh chợ là loại chanh kém chất lượng, được mua với giá 5.000 – 6.000 đồng/kg; chanh múc, là loại chanh bị giập, hư trong quá trình thu hái, vận chuyển, khi mua về sẽ múc ruột, bỏ vỏ, giá 7.000 – 8.000 đồng/kg và cuối cùng là chanh tốt giá từ 12.000 – 15.000 đồng/kg. Nhưng đây cũng chỉ là giá tương đối, vì có khi buổi sáng giá này, buổi chiều giá khác. Tôi mua về rồi nhập cho thương lái lớn hơn, sau đó họ chuyển hàng ra phía bắc xuất qua Trung Quốc. Giá cả do bên Trung Quốc quyết định nên mình không thể đưa ra mức giá cố định tương đối trong quá trình mua hàng”.


Bấp bênh chanh dây - ảnh 1

Tôi mua về rồi nhập cho thương lái lớn hơn, sau đó họ chuyển hàng ra phía bắc xuất qua Trung Quốc. Giá cả do bên Trung Quốc quyết định nên mình không thể đưa ra mức giá cố định tương đối trong quá trình mua hàng

Bấp bênh chanh dây - ảnh 2

Chị Nguyễn Thị Hòa, một thương lái thu mua chanh dây ở H.Mang Yang


H.Mang Yang là vùng chuyên canh lớn nhất về chanh dây với hơn 500 ha, chưa kể 500 ha khác của một doanh nghiệp đang trồng. Hàng ngàn nông dân đang chăm sóc vườn chanh dây của mình với kỳ vọng làm giàu từ loại cây này. Nhiều nông dân khác vẫn đang tiến hành trồng chanh dây. Anh Aren, một người dân ở xã Đăk Djrăng, nói: “Nhà mình trồng 0,5 ha chanh dây, đầu tư 50 triệu đồng. Mới hái được 5 lần. Mới đây nhất thu được 50 kg bán với giá 13.000 đồng/kg. Không biết lần sau có bán được giá này không”.

Tuy giá chanh dây phập phù như thế nhưng giá cây giống có nguồn gốc từ Trung Quốc vẫn rất cao, do giống được cung cấp độc quyền. Hiện mỗi cây giống được bán với giá 36.000 đồng. Và thực tế, loại cây này đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên có của ăn của để. Nhưng với hơn 500 ha chanh dây với tổng sản lượng khoảng 300.000 tấn, xu hướng giá chanh lao dốc đang khiến nhiều hộ dân như ngồi trên lửa.
Theo tính toán của nông dân, nếu giá giữ mức ổn định khoảng 18.000 – 20.000 đồng/kg, cứ mỗi héc ta chanh dây người dân sẽ thu lợi chừng 500 triệu đồng. Giá cao, công đầu tư không cầu kỳ, chỉ trồng khoảng 3 tháng cây sẽ cho trái, là sức hấp dẫn cao so với loại cây đỏng đảnh như hồ tiêu hoặc lợi nhuận thấp như cà phê. Vì thế, người dân đã đổ xô trồng chanh dây, bất chấp những hệ luỵ khôn lường. Ngoài H.Mang Yang, người dân ở các huyện khác như Đăk Đoa, Ia Grai… cũng đang bắt đầu phát triển diện tích chanh dây.
Ông Phạm Ngọc Cơ, Trưởng phòng NN-PTNT H.Mang Yang, trăn trở: “Thực ra tôi vẫn chưa hoàn toàn yên tâm với loại cây này vì thị trường Trung Quốc chi phối toàn bộ. Bước đầu có lợi nhuận, giúp người dân an tâm trên đồng đất của mình. Nhưng về lâu dài, bộ rễ của chanh dây phát triển mạnh và cần dinh dưỡng nhiều để phát triển cây, tạo quả, dẫn đến dinh dưỡng trong đất giảm nhanh, sau này trồng các loại cây khác phải cải tạo rất tốn công, tốn tiền”.
Trong khi đó, ông Lê Văn Lịnh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, cho biết chanh dây vẫn chưa có trong quy hoạch cơ cấu cây trồng của Gia Lai. Giá cả do tư thương phía Trung Quốc áp đặt nên sản phẩm rất bấp bênh. “Hiện chúng tôi đề nghị tỉnh kêu gọi nhà đầu tư vào đầu tư nhà máy chế biến để có hướng phát triển loại cây này lâu dài, bền vững…”.

 

Trần Hiếu