23/01/2025

Hàng chục tỉnh thành nhận hỗ trợ ngân sách TƯ hàng ngàn tỉ

Nguồn đóng góp cho ngân sách đang dồn lên hơn chục tỉnh thành. Theo các chuyên gia, cơ cấu thu chi cho các địa phương cần được phân chia hợp lý hơn.

 

Hàng chục tỉnh thành nhận hỗ trợ ngân sách TƯ hàng ngàn tỉ 

 Nguồn đóng góp cho ngân sách đang dồn lên hơn chục tỉnh thành. Theo các chuyên gia, cơ cấu thu chi cho các địa phương cần được phân chia hợp lý hơn.

 

 

 

Hàng chục tỉnh thành nhận hỗ trợ ngân sách TƯ hàng ngàn tỉ 
Nguồn vốn ngân sách cần được tập trung để xây dựng cơ sở hạ tầng (cầu đường, bệnh viện, trường học…) thay vì xây trụ sở hoành tráng, tạo áp lực lên ngân sách chung. Trong ảnh: người đi đường vật vã giữa biển nước tại khu vực cầu Rạch Chiếc, TP.HCM – Ảnh: Lê Phan

Trong dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) 2016, hiện chỉ có 13/63 tỉnh thành có nguồn thu đủ lớn để điều tiết về trung ương. Bộ Tài chính dự toán năm 2016, các địa phương thu không đủ chi sẽ được bổ sung khoảng 211.221 tỉ đồng.

Choàng gánh quá nhiều

Theo tài liệu của Tuổi Trẻ, đang có sự mất cân đối về thu chi NSNN cho các vùng miền, địa phương (số liệu theo sơ đồ).

Nhiều tỉnh thành, do đặc điểm tình hình kinh tế – xã hội, nhiều năm liền nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương với tỉ trọng lớn.

Như Bắc Kạn (57,6% tổng chi ngân sách địa phương), Cao Bằng (56,9%), Lai Châu (54,6%), Sóc Trăng (51,1%).

Đáng lưu ý, có những tỉnh thành có điều kiện địa lý khá thuận lợi nhưng vẫn phải nhận bổ sung từ trung ương như Lạng Sơn (49,2%), Bắc Giang (44%), Nam Định (46,2%)…

Trong 50 tỉnh hằng năm phải nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương thì có 41 tỉnh được bổ sung tới hàng ngàn tỉ mà tỉnh nhận nhiều nhất là Thanh Hoá với trên 6.500 tỉ đồng. Tỉnh nhận ít nhất là Tây Ninh cũng lên tới 
gần 386 tỉ đồng.

Không tạo động lực

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng đang có sự mất cân đối và thiếu công bằng trong thu chi ngân sách địa phương suốt nhiều thập kỷ qua.

Nguyên nhân trực tiếp là do mức độ tập trung kinh tế quá lớn vào một số trung tâm và khoảng cách chênh lệch phát triển giữa các tỉnh thành, vùng miền quá lớn.

Theo ông Ánh, gánh nặng thu NSNN hiện đang dồn lên một số tỉnh thành, trong khi đại đa số tỉnh còn lại vẫn giậm chân tại chỗ ở tình trạng nông nghiệp kém phát triển hay khai thác tài nguyên thô, chưa phát hiện và khai thác được tiềm năng.

“Uỷ ban Tài chính – ngân sách đã đề nghị Chính phủ giải trình trước việc một số đoàn đại biểu Quốc hội cho rằng tỉ lệ điều tiết thu ngân sách để lại cho địa phương giai đoạn 2017 – 2020 là chưa hợp lý

Ông Nguyễn Đức Hải (chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – ngân sách Quốc hội)

Ông Ánh cho rằng việc phân cấp NSNN giữa trung ương và địa phương còn bất cập khi chưa khuyến khích tính chủ động của đại đa số tỉnh trong thu chi, để giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào ngân sách trung ương.

Bên cạnh đó, cơ cấu phân bổ ngân sách hiện nay không chỉ làm suy giảm động lực và điều kiện tăng thu của một số địa phương, mà còn chưa nuôi dưỡng nguồn thu cho một số ít tỉnh thành có khả năng tự cân đối ngân sách.

Một chuyên gia của Bộ KH-ĐT cho rằng không loại trừ có tình trạng nhiều địa phương vẫn có tâm lý muốn được hỗ trợ càng nhiều càng tốt.

Trong khi đó, vẫn thấy nhiều tỉnh thành nhận hỗ trợ ngân sách từ trung ương kiến nghị những dự án rất hoành tráng, gây bức xúc trong dư luận.

Vì vậy, cần công khai minh bạch hơn nữa công tác thu chi ngân sách ở địa phương, để giảm những dự án chưa thực sự cấp bách, hạn chế tối đa các dự án lãng phí, dân chưa cần, từ đó giảm áp lực chung. Lâu dài, cần có cơ chế khuyến khích sự sáng tạo, cách làm mới ở các địa phương khó khăn để tiến tới dần tự chủ ngân sách.

“Việc phân cấp thu chi NSNN cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện gắn với tiến trình cơ cấu lại thu chi ngân sách địa phương theo hướng công bằng, hiệu quả” – ông Vũ Đình Ánh khuyến nghị.

Đồng quan điểm, GS Nguyễn Quang Thái, phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế VN, cho rằng việc phân cấp ngân sách có nhiều điểm chưa hợp lý đã trở thành câu chuyện muôn thuở, song những giải pháp đưa ra lại chưa mang tính tổng thể. Ông Thái đề nghị cần tái cơ cấu thu chi ngân sách chứ ngân sách không thể phân bổ theo kiểu “tình thương”.

“Tôi ủng hộ TP.HCM là phải san sẻ. Nhưng đầu tàu kinh tế cả nước mà phải tiếp tục cắt giảm ngân sách thì sẽ rất khó khăn, cũng là trái với nghị quyết của Bộ Chính trị là cần phải tăng tỉ lệ TP.HCM được giữ lại. Cần để lại để TP.HCM làm ra miếng bánh to hơn nữa. Chứ có cái bánh to, cắt ra luôn và chia đều cho mọi người thì còn gì mà phát triển” – ông Thái nêu quan điểm.

*Đại biểu Quốc hội TRẦN HOÀNG NGÂN:

Chỉ tiêu thu tăng nhiều nhưng được giữ lại ít

Năm 2016, Chính phủ giao nhiệm vụ thu ngân sách của TP.HCM là 298.000 tỉ đồng, TP thu được 305.000 tỉ, trong đó phần chi lại cho ngân sách TP là 59.000 tỉ.

Năm 2017 TP được giao thu 348.000 tỉ đồng, tăng 43.000 tỉ. Nhưng nếu tỉ lệ thu ngân sách được giữ lại giảm từ 23% xuống 18% thì số tiền TP được giữ là 60.300 tỉ, chỉ tăng thêm 1.300 tỉ.

Điều đó nói nôm na là trung ương cho TP giữ lại thêm 1,3 đồng nhưng thu thêm về 43 đồng. Do đó không có tính động viên để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Tôi nghĩ rằng Chính phủ cần cân nhắc để xem lại tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.

Trong năm 2017, nếu tỉ lệ điều tiết ngân sách là 23% thì TP sẽ góp cho trung ương khoảng 136.000 tỉ đồng.

Nếu tỉ lệ điều tiết là 21% thì TP góp cho trung ương sẽ khoảng 140.000 tỉ đồng. Và nếu tỉ lệ điều tiết là 18% thì TP điều tiết về trung ương khoảng 145.000 tỉ đồng.

Như vậy, khi đưa ra kiến nghị mức điều tiết 21%, nghĩa là TP chấp nhận góp thêm 3.500 tỉ nữa cho trung ương trong năm 2017.

Con số này, đặt trong tổng thu ngân sách quốc gia năm tài khóa 2017 khoảng 1,2 triệu tỉ thì sẽ thấy vai trò của TP.HCM rất lớn, nên Chính phủ cần xem xét lại tỉ lệ điều tiết cho TP.

Nên tập trung tiết kiệm các khoản như trích từ khoản dự phòng, hoặc sử dụng nguồn lực khác chứ không phải là yêu cầu tăng điều tiết từ các địa phương. Bởi vì các địa phương như TP.HCM cũng có nhiệm vụ riêng của mình.

VIỄN SỰ ghi

TP.HCM góp 27%, nhận 10,7%

Là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước như TP.HCM đóng góp gần 27% tổng dự toán thu NSNN năm 2016 nhưng chỉ được nhận 10,7% tổng chi ngân sách.

Theo một số chuyên gia, có thể do con số tuyệt đối lớn nên tỉ lệ giữ lại của ngân sách địa phương tại TPHCM khá thấp so với 5 thành phố trực thuộc trung ương.

Chẳng hạn Hà Nội được giữ lại 42% nhưng Hải Phòng được giữ lại tới 88%, còn tỉ lệ này ở Đà Nẵng là 85% và ở Cần Thơ là 91%.

NGỌC AN – VIỆT HÀ