24/12/2024

Trung Quốc có thể táo tợn hơn trên Biển Đông

Đó là lo ngại của giới phân tích trước việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gạt bỏ truyền thống khi chọn đến thăm Trung Quốc trước các đồng minh chí cốt như Mỹ, Nhật Bản.

 

Trung Quốc có thể táo tợn hơn trên Biển Đông

 Đó là lo ngại của giới phân tích trước việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gạt bỏ truyền thống khi chọn đến thăm Trung Quốc trước các đồng minh chí cốt như Mỹ, Nhật Bản.

 

 

 

Trung Quốc có thể táo tợn hơn trên Biển Đông
USS Decatur, tàu khu trục Mỹ thực hiện tuần tra tự do đi lại trên Biển Đông, sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép – Ảnh: Reuters

Chuyến thăm Bắc Kinh bốn ngày của ông Duterte được coi là mang sứ mệnh “phá băng” mối quan hệ Philippines – Trung Quốc vốn căng thẳng do tranh chấp trên Biển Đông. Nhà tân lãnh đạo của Manila được tiếp đón nồng hậu với những “củ cà rốt” kinh tế trị giá hàng tỉ USD.

Nắm được mong muốn của chính quyền ông Duterte muốn chuyển Trung Quốc từ đối thủ thành đối tác phát triển, Bắc Kinh cũng vuốt ve nhà cầm quyền Manila bằng sự ủng hộ đối với cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi của ông, vốn bị phương Tây và Liên Hiệp Quốc đồng thanh chỉ trích.

Đến cuối chuyến thăm, thứ trưởng quốc phòng Trung Quốc tuyên bố quan hệ song phương đã “hoàn toàn khôi phục” và hai nước nối lại đàm phán, tham vấn về các vấn đề hàng hải.

Quà cho Bắc Kinh

Nhưng ông Duterte còn đi xa hơn khi tuyên bố “ly khai” khỏi đồng minh chiến lược Washington và nghiêng về khả năng tham gia cùng Trung Quốc và Nga. Trong mắt giới quan sát, Trung Quốc đã có cú chốt hạ quan hệ song phương Philippines – Mỹ khi xoáy vào chia rẽ giữa hai nước về vấn đề cuộc chiến chống tội phạm.

Bắc Kinh cũng tránh được một cuộc khủng hoảng hậu phán quyết của Toà trọng tài ở The Hague (Hà Lan) về tranh chấp Biển Đông khi ông Duterte không còn nhắc đến phán quyết này.

“Đây có lẽ là thắng lợi về chính sách ngoại giao lớn nhất cho Trung Quốc trong những năm gần đây” – chuyên gia Richard Javad Heydarian, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học De La Salle của Philippines, 
nhận xét.

“Điều khiến nhiều người Philippines thất vọng là ông Duterte đã không thể giành được bất cứ sự nhượng bộ cụ thể nào (từ Trung Quốc) trên Biển Đông, trọng tâm trong mối quan hệ bất h song phương – ông Heydarian viết trên tờ Straits Times – Sự cung kính, nếu không phải là khúm núm, của ông Duterte có thể gây ấn tượng với nước chủ nhà nhưng khiến nhiều người Philippines nhướng mày.

Một số người Philippines nói chua cay rằng chuyến thăm trông giống như một chuyến đi cống nạp của một bá vương Philippines cho hoàng đế Trung Quốc hơn là chuyến thăm cấp nhà nước của một nhà lãnh đạo tối cao”.

Chưa chắc ăn

Theo ông Heydarian, không có gì đảm bảo rằng những lời ngon ngọt mà ông Duterte nhận được có thể đem lại quan hệ chiến lược hay sự thoả hiệp trong tranh chấp trên Biển Đông. Chuyên gia Shi Yinhong, một cố vấn của Chính phủ Trung Quốc, cũng khó tin vào nhà lãnh đạo Philippines.

“Ông ấy vẫn có thể thay đổi lời trong tương lai… Tương lai không có gì là chắc chắn” – ông Shi Yinhong nói trên tờ Guardian.

Thay vào đó, sự đong đưa của ông Duterte chỉ phủ thêm sự mơ hồ trong chính sách đối ngoại của Philippines trong tương lai và có thể tiếp tay cho các tham vọng táo tợn của Trung Quốc tại vùng biển này.

Vì vậy, không có lý do gì để tin rằng Trung Quốc sẽ sớm bắt đầu đàm phán bất cứ sự nhượng bộ nào dành cho Philippines. Trong khi đó, khảo sát gần đây của Social Weather Station cho thấy phần lớn người dân Philippines vẫn tin tưởng Mỹ hơn Trung Quốc.

Về kinh tế, Tổ chức phân tích Capital Economics thậm chí cho rằng Manila có thể thiệt hại nhiều hơn do đổ vỡ quan hệ kinh tế với Mỹ so với các lợi ích từ Bắc Kinh.

“Dòng tiền và chuyên môn từ Trung Quốc có thể tạo nên sự thay đổi nhưng chúng tôi không tin rằng nó có thể dẫn đến một sự phát triển vượt bậc” – tổ chức này nhận định.

Xuất khẩu của Philippines sang Mỹ hiện gấp rưỡi so với Trung Quốc, trong khi các công ty của Washington cũng đang chiếm lĩnh các lĩnh vực đóng góp phần lớn GDP và tạo ra việc làm cho Philippines.

Chưa kể, kiều hối của những người Philippines sống ở Mỹ cũng chiếm đến 5% giá trị kinh tế của Manila.

TRẦN PHƯƠNG