Tôi nhìn thấy lợi nhuận gấp đôi ba lần ở VN
Đó là một trong những nhận định của ông Steve Landman, giám đốc điều hành Quỹ Lotus Fund, nhà sáng lập Mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần Mekong, trong buổi gặp gỡ giữa các nhà đầu tư nước ngoài với các nhóm startup do Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng tổ chức.
Tôi nhìn thấy lợi nhuận gấp đôi ba lần ở VN
Đó là một trong những nhận định của ông Steve Landman, giám đốc điều hành Quỹ Lotus Fund, nhà sáng lập Mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần Mekong, trong buổi gặp gỡ giữa các nhà đầu tư nước ngoài với các nhóm startup do Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng tổ chức.
Ông Steve Landman (phải) cùng các nhà đầu tư thiên thần quốc tế trong chương trình tiếp xúc với các nhóm dự án ở Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng – Ảnh: TR.TRUNG |
Với kinh nghiệm gần 20 năm đầu tư startup và gần bảy năm sống tại VN, ông Steve Landman cho rằng cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư thiên thần – hay còn gọi là nhà đầu tư mạo hiểm – ở các quốc gia đang tập tành xây dựng các mạng lưới startup (khởi nghiệp). Ông chia sẻ:
– Tôi nhìn thấy nhiều cơ hội mang lại lợi nhuận gấp đôi, gấp ba cách đầu tư truyền thống từ thị trường startup ở VN.
Theo thống kê của nhiều nước mới xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, tỉ lệ thất bại trong đầu tư startup là 9/10. Tuy nhiên đầu tư truyền thống không phải lúc nào cũng mang về lợi nhuận nhiều hơn so với việc đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp startup ở giai đoạn sơ khởi.
Ở lĩnh vực startup, thông thường “danh mục” của nhà đầu tư không chỉ là một hai dự án mà đầu tư cùng lúc nhiều dự án. Một số dự án có thể thất bại, nhưng những dự án thành công sẽ tạo ra lợi nhuận bất thường.
Bạn hãy nhớ rằng mọi công ty đa quốc gia gần như đều có xuất phát điểm từ một ý tưởng khởi nghiệp. Điều gì sẽ xảy ra giả sử bạn từng bỏ ra 10.000 đôla để mua 10% giá trị Công ty Google?
* Ông đã đầu tư startup ở VN, ông thấy có những thách thức nào?
– Tôi là một doanh nhân xã hội. Tôi từng đầu tư vào doanh nghiệp xã hội KOTO ở VN và Tổ chức quốc tế Carego – một doanh nghiệp xã hội xây dựng các phòng khám chữa bệnh ở các nước đang phát triển. Cả hai công ty đều mang lại lợi nhuận tài chính cho tôi và lợi ích xã hội cho các nước đang phát triển.
Tôi nhận thấy việc đầu tư của mình không những giúp cho sự phát triển của công ty mà còn thúc đẩy sự đổi mới của doanh nghiệp, cũng như tạo ra mô hình kinh doanh bền vững.
Khi đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp ở đây, có ba hạn chế mà tôi thường thấy và nhắc đến là: không có những người sáng lập và tư vấn thực sự có kinh nghiệm trong việc phát triển các dự án startup.
Thị trường trong nước chưa đủ mạnh trong việc ứng dụng công nghệ. Sự hạn chế của các nhóm startup trong việc tiếp cận nguồn vốn. Hiện nay tại VN đang có một hạn chế thứ tư nổi lên gây khó khăn với nhà đầu tư là vấn đề sở hữu bản quyền trí tuệ.
Nguy cơ bị đánh cắp công nghệ rất phổ biến đến mức độ khi tôi xây dựng một ứng dụng khám chữa bệnh cho thị trường VN, dù biết doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhưng tôi đã phải thực hiện nó ở nước ngoài.
* Ông lo ngại như vậy có phải vì đầu tư khởi nghiệp gắn với lĩnh vực công nghệ?
– Mạng lưới của chúng tôi hiện nay gần như 100% các nhà đầu tư đều đang dồn tiền vào các startup công nghệ. Điều này là bình thường bởi hầu hết dự án startup đều dính dáng hoặc dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.
Ví dụ bạn đầu tư cho Hãng Uber chẳng hạn, bạn gọi đó là đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cũng đúng mà đầu tư cho lĩnh vực vận tải, taxi cũng không sai.
Ở thung lũng Silicon của Mỹ, các dự án startup không phải lúc nào cũng tự phát triển công nghệ của họ ngay từ đầu. Họ có thể mua bản quyền các ứng dụng công nghệ từ các công ty khác, từ các nhà đầu tư và các trường đại học.
Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đảm bảo cho tất cả mọi người trong chuỗi cung ứng giá trị đều được nhận phần xứng đáng. Và kết quả là các công nghệ mới có môi trường để phát triển, đi ra thị trường và mang lại lợi ích cho nhà đầu tư.
Ở Việt Nam, thiếu một nền tảng tin cậy trong khối ngành công nghệ. Rủi ro quá cao khi công nghệ bạn đầu tư dễ dàng bị đánh cắp.
Tất nhiên tôi không có ý cho rằng những mối lo ngại về quyền sở hữu trí tuệ đang làm giảm đi làn sóng đầu tư vào các công ty công nghệ của VN. Nhưng rõ ràng là các nhà đầu tư sẽ mạnh dạn hơn nếu như có sự siết chặt trong quy định về Luật sở hữu trí tuệ.
* Nhà đầu tư thiên thần có cần phải có tài sản lớn? – Ông Steve Landman: Không nhất thiết như vậy. Song, một khi đầu tư vào các doanh nghiệp đang ở giai đoạn rủi ro thì khả năng tài chính của họ thường ở mức trên 100.000 đôla. Nhiều người nhầm lẫn về sự “lãng mạn” trong đầu tư khởi nghiệp. Thực chất nhà đầu tư thiên thần không phải là những quỹ đầu tư từ thiện sẵn sàng chấp nhận thất bại. Họ đầu tư với mong muốn thu lợi nhuận về tài chính và sử dụng khoản đầu tư của mình một cách khôn ngoan, có chiến lược. Các nhà đầu tư hướng dẫn kinh nghiệm, đào tạo cho các dự án mà họ quyết định bỏ tiền vào. Họ tin rằng những kinh nghiệm kinh doanh và mạng lưới của họ sẽ giúp các ý tưởng của công ty mới này đứng được trên thị trường. Động lực về lợi nhuận tài chính là yếu tố cơ bản ban đầu, những yếu tố mang tính cá nhân khác chỉ đứng sau. |
“Tất nhiên một số nhà đầu tư sẽ có những lý do riêng nhưng đừng bao giờ cho rằng động cơ của các nhà đầu tư là dành cho mục đích từ thiện |
STEVE LANDMAN |