23/01/2025

Phụ huynh là “lá chắn”, bạo lực học đường sẽ tăng

Bạo lực học đường dưới góc nhìn của một nhà giáo có hơn 30 năm giảng dạy và nhiều lần “ngồi ghế nóng” xử các vụ đánh nhau của học sinh.

 

Phụ huynh là “lá chắn”, bạo lực học đường sẽ tăng

Bạo lực học đường dưới góc nhìn của một nhà giáo có hơn 30 năm giảng dạy và nhiều lần “ngồi ghế nóng” xử các vụ đánh nhau của học sinh.

 

 

 

Phụ huynh là "lá chắn", bạo lực học đường sẽ tăng
Minh hoạ: NOP

Trên báo Tuổi Trẻ chủ nhật ra ngày 23-10-2016 có bài viết của thạc sĩNguyễn Văn Công, đưa ra những thông tin phân tích rất hay về hành vi bạo lực của trẻ em cấp 1 dưới góc độ tâm lý.

Thạc sĩ Công cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi trên có xuất phát từ những gia đình mà cha mẹ thường xuyên có hành vi bạo lực, hay con trẻ bị người lớn trong gia đình hành xử bạo lực. Đó là một phân tích vô cùng xác đáng.

Tuy nhiên, dưới góc độ của một nhà giáo từng xử lý nhiều vụ đánh nhau của các em học sinh, tôi nhận ra nguyên nhân dẫn trẻ con đến những hành xử không đúng như thế phần lớn đến từ nguồn gia đình – đó là các bậc phụ huynh.

Luôn bao che, 
bao biện…

Do mưu sinh, do điều kiện kinh tế, do công việc bận rộn… nên không chú ý lắm đến sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ. Đó là ba trong hàng trăm lý do mà phụ huynh đưa ra khi được mời vào trường giải quyết việc con em mình tham gia đánh nhau với bạn học.

Và sau những nguyên nhân này thì bao giờ cũng là những bao biện quen thuộc: “Cháu hiền lắm, ngoan lắm, ở nhà không nói lớn tiếng, không chửi thề, không đánh em”…

Nhưng khi được nhà trường hỏi tiếp tục, rằng hằng ngày phụ huynh gặp con em mình khi nào? Lúc đó, những phụ huynh này mới ngắc ngứ thú nhận: “Hôm nào sớm thì 7-8 giờ tối, hôm nào muộn hơn thì 9-10 giờ!”.

Cá biệt, có những phụ huynh làm việc ngoài tỉnh, chỉ có thể gặp con vào 2 ngày cuối tuần… Mọi sự trong nhà và chuyện học hành, sinh hoạt của con đều cậy nhờ ông bà, chú bác hoặc người giúp việc.

Khi biết được sự việc vi phạm của con mình, thái độ của đa số phụ huynh bao giờ cũng là tìm mọi cách bào chữa, đổ trách nhiệm lên… bạn học của con.

Cho đến khi nhận thêm thông tin về số lần vi phạm đánh nhau, số bạn bè con mình “kết giao” trong và ngoài nhà trường (để hình thành những băng nhóm “hùng cứ một phương”!)… từ chính những bản tường trình các em viết, thì phụ huynh mới thôi không bao biện nữa.

Tuy nhiên, việc phụ huynh hứa hẹn sẽ giáo dục lại con cái, trong khi công việc và thời gian dành cho con cái vẫn không có một cải thiện gì, thì tương lai dễ thấy nhất là như thế nào? Lâu lâu phụ huynh lại phải vào trường “hầu” thầy cô cho xong chuyện, bởi “hoàn cảnh đã thế, làm sao mà sửa”?!

Và là “bệ đỡ”

Gặp những phụ huynh không hiểu con cái nên luôn bênh vực con, không cần biết đến lý lẽ, giáo viên đã mệt mỏi lắm rồi.

Nay lại gặp phải những phụ huynh vừa vào đến trường đã ào ào: “Đứa nào, đứa nào đánh con tôi?”, “Con tôi có bị làm sao thì tôi không để yên cho nhà trường, cho đứa đó đâu”… thì việc giải quyết còn muôn phần khó khăn hơn.

Thậm chí có trường hợp sau khi giải quyết vụ ẩu đả, thầy cô đề nghị học sinh viết tường trình, em viết rất thành khẩn, nêu rõ sự việc, thấy được lỗi của mình.

Nhưng khi gặp cha mẹ vào trường và có thái độ như trên thì lập tức học sinh quay ngoắt 180 độ, và tỏ ra thách thức nội quy cũng như cách xử lý của nhà trường.

Cha mẹ và gia đình giờ đã trở thành “bệ đỡ” cho con, và đứa con – từ chỗ chỉ xô xát với bạn có nguyên nhân – khi được cha mẹ “tiếp sức” kiểu bất chấp lý lẽ như thế, dễ hiểu là hành vi, mức độ bạo lực mà em thực hiện với bạn học sẽ không giảm đi, mà chiều hướng tăng lên là tất yếu.

Chỉ giải quyết bạo lực học đường ở phần ngọn!

Bất kỳ phụ huynh nào khi gửi con đến trường đều mong muốn con mình học được điều hay lẽ phải, từ tri thức đến đạo đức để nên người, chúng tôi tin là như vậy.

Thế nhưng, do một số phụ huynh không nhận ra được thái độ đối xử với con cái của mình “có vấn đề”, nên việc hợp tác với nhà trường để giáo dục, điều chỉnh hành vi học sinh có độ chênh khá lớn.

Do vậy, Luật giáo dục sửa đổi năm 2015 và điều lệ trường phổ thông nếu chỉ dừng lại ở mức độ triển khai đến người dạy, còn người học và các đối tượng liên quan vẫn không nắm bắt được, thì chúng tôi e rằng việc giải quyết nạn bạo lực học đường giữa trẻ con với nhau chỉ có thể làm ở “phần ngọn” – nghĩa là xử lý, chứ không thể hi vọng giải quyết được đến “phần gốc”- nghĩa là ngăn chặn và hạn chế.

LÂM MINH TRANG (Gò Vấp)