24/01/2025

Chờ “phi công người máy”

Thế giới có thể không còn phải lo việc thiếu phi công hoặc quá tốn kém cho việc đào tạo phi công, bởi sẽ có “phi công người máy” đảm trách công việc của phi công phụ.

 

Chờ “phi công người máy”

Thế giới có thể không còn phải lo việc thiếu phi công hoặc quá tốn kém cho việc đào tạo phi công, bởi sẽ có “phi công người máy” đảm trách công việc của phi công phụ.

 

 

 

Chờ “phi công người máy”
Robot Alias (bên phải) trong thử nghiệm cùng phi công người thật – Ảnh: Aurora Flight Sciences

Cơ quan đặc trách các dự án nghiên cứu quốc phòng cao cấp (DARPA) trực thuộc quân đội Mỹ đang phối hợp với công ty tư nhân Aurora Flight Sciences nghiên cứu và phát triển loại “phi công người máy” cho tương lai.

Điều này sẽ giúp giảm thiểu chi phí và thời gian dành cho việc đào tạo một phi công thực thụ, Hãng tin AP cho biết.

Tương đương phi công lão luyện 600.000 
giờ bay

Chuyến bay đầu tiên của dự án “Hệ thống phi công lái tự động” (ALIAS) đã được tiến hành vào ngày 18-10 vừa qua, mở ra hi vọng mới cho các nhà phát triển và quân đội Mỹ.

Cơ trưởng vào ngồi ghế chính của chiếc Cessna 208 “Caravan” cánh quạt một động cơ khởi hành từ bang Virginia vẫn là con người nhưng ngồi kế bên, ở ghế phụ, là một “phi công người máy” tự động thao tác đúng chuẩn cần thiết.

“Phi công người máy” này là một hệ thống cơ học gồm bốn cánh tay chuyển động theo điều khiển của hệ thống. Một cánh tay sẽ điều khiển “tay lái” bên phải, một cánh tay nắm tay gạt ga điều chỉnh vận tốc, hai cánh tay còn lại phối hợp điều khiển hai bàn đạp lái.

Điều khiển cho các cánh tay tự động đó là một bộ khung có gắn các camera ghi hình các số liệu của bảng điều khiển trên hệ thống lái và được xử lý thông qua một phần mềm đi kèm.

Hệ thống ALIAS được giới thiệu là có thể đưa vào trong bất kỳ máy bay hoặc trực thăng nào miễn là khoang lái không được nhỏ quá.

Ông John Langford, người đứng đầu đơn vị phát triển hệ thống ALIAS, mô tả dí dỏm: “Phi công người máy có thể làm bất cứ điều gì mà một phi công bình thường có thể làm, ngoại trừ việc nhìn ra cửa sổ”.

Ông Langford giới thiệu kỹ hơn: hệ thống xử lý và bộ nhớ của mỗi “phi công người máy” chứa tất cả dữ liệu bay và các tai nạn từ trước tới nay. Có nó, chuyến bay “sẽ như có thêm một phi công con người với kinh nghiệm hơn 600.000 giờ bay”.

Còn chút nghi ngờ

Thực tế, việc ứng dụng công nghệ lái tự động đã được triển khai trên máy bay thương mại từ khá lâu.

Trên các chuyến bay, phần lớn phi công chỉ thật sự thao tác cầm lái khi máy bay cất và hạ cánh. Toàn bộ quá trình còn lại đều có hệ thống lái tự động kiểm soát và thực hiện. Tuy nhiên, trên cabin lái vẫn buộc phải có đủ tổ lái hai người.

Những người phát minh ALIAS cho rằng hệ thống của họ hoàn toàn có thể thay thế phi công phụ trợ giúp cho phi công chính đối với tất cả các loại máy bay buộc phải sử dụng tổ lái hai người. Phi công chính chỉ cần ra lệnh để phần mềm ghi nhận và phát lệnh cho các cánh tay tự động thi hành.

Trong một thử nghiệm trên hệ thống bay giả định với một nhà báo của tuần san chuyên về hàng không Aviation Week, “phi công người máy” ALIAS thậm chí đã biết thông báo cho phi công chính về hiện tượng một bóng đèn báo hiệu đỏ cho biết tình trạng giảm áp lực dầu.

Bên phát minh ALIAS cho biết sắp thử nghiệm hệ thống của họ trên máy bay trực thăng và sau đó chứng minh là có thể phụ lái với bất kỳ loại máy bay nào, vì chỉ cần một tháng để viết hoặc chỉnh sửa phần mềm điều khiển cho phù hợp với loại máy bay mới.

Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu khả quan từ dự án ALIAS và tính ưu việt của phi công robot thế hệ mới, nhiều chuyên gia hàng không vẫn tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của nó.

Ông Keith Hagy, giám đốc kỹ thuật và an toàn của Hiệp hội Phi công quốc tế, cho rằng dù robot có thông minh tới cỡ nào cũng không thể thay thế con người, đặc biệt trong những trường hợp khẩn cấp đòi hỏi phải có kinh nghiệm xử lý và bộ óc nhạy bén của con người.

Ông lấy ví dụ là trường hợp tai nạn năm 2010 của máy bay Hãng hàng không Qantas Airlines. Khi đó chiếc máy bay chở 450 hành khách và phi hành đoàn gặp sự cố nổ động cơ. Lửa cháy đã làm hỏng một loạt thiết bị của máy bay và hệ thống hạ càng.

Hệ thống quản lý chuyến bay khi đó đã trở nên quá tải với những cảnh báo nguy hiểm liên tục và không thể đưa ra hướng xử lý. May mắn là trong chuyến bay đó có tới năm phi công, trong đó có ba cơ trưởng dày dạn kinh nghiệm đã phối hợp với nhau để hạ cánh an toàn.

DUY LINH – TÚ ANH