24/12/2024

Nguy cơ đụng độ Mỹ – Trung gia tăng ở Biển Đông

Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ đụng độ ở Biển Đông có thể gia tăng sau việc Mỹ mới điều chiến hạm thách thức Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa.

 

Nguy cơ đụng độ Mỹ – Trung gia tăng ở Biển Đông

Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ đụng độ ở Biển Đông có thể gia tăng sau việc Mỹ mới điều chiến hạm thách thức Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa.




Tàu USS Decatur (bìa trái) cùng hai khu trục lớp Arleigh Burke khác trong một lần hoạt động ở Biển Đông /// Hải quân Mỹ

Tàu USS Decatur (bìa trái) cùng hai khu trục lớp Arleigh Burke khác trong một lần hoạt động ở Biển ĐôngHẢI QUÂN MỸ

Ngày 21.10, khu trục hạm lớp Arleigh Burke mang tên USS Decatur đã có chuyến tuần tra xung quanh hai đảo Tri Tôn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đây là lần thứ hai chiến hạm Mỹ thực hiện hoạt động tuần tra duy trì tự do hàng hải xung quanh Hoàng Sa, sau lần khu trục hạm USS Curtis Wilbur, cũng thuộc lớp Arleigh Burke, đi vào phạm vi 12 hải lý xung quanh đảo Tri Tôn hồi cuối tháng 1.
Mục tiêu chọn lọc
Dù tàu USS Decatur không vào phạm vi 12 hải lý nhưng Trung Quốc có phản ứng quyết liệt. Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố đó là hành động “khiêu khích và bất hợp pháp”, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Bộ này còn lên giọng chỉ trích Mỹ là “bên gây rắc rối ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông – NV) và tuyên bố Trung Quốc “sẽ làm việc với các quốc gia khác để bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định ở khu vực”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh thì ngang nhiên chỉ trích động thái mới của Mỹ “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc” và gọi đó là hành động “cực kỳ vô trách nhiệm”. Giáo sư Tô Hạo thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc nhận định việc tàu Mỹ hoạt động gần đảo Phú Lâm là đặc biệt nghiêm trọng “vì đây là nơi đặt trụ sở chính quyền Tam Sa”. “Thành phố Tam Sa” là cái mà Trung Quốc ngang nhiên thành lập vào tháng 7.2012 để tự cho mình có quyền quản lý cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Ông Tô nhận định Phú Lâm “là đảo cốt lõi Trung Quốc đang kiểm soát”.
Giới chức Mỹ đã xác nhận động thái mới nhằm thách thức những “tuyên bố chủ quyền quá đáng” ở khu vực và thể hiện rằng không ai có thể hạn chế một cách bất hợp pháp quyền tự do hàng hải cũng như quyền sử dụng biển hợp pháp mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc vẫn ra sức đăng bài chỉ trích và lên giọng với Mỹ.
Ngày 23.10, Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài bình luận với tựa đề Trung Quốc sẽ không ngồi yên nhìn Mỹ hành động ngang ngạnh. Bài viết chỉ trích việc Mỹ cho USS Decatur vào xung quanh Hoàng Sa là trái phép, khiêu khích trong thời điểm Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thăm Trung Quốc và “khu vực đang xích lại gần nhau”. “Vai trò phá hoại của Mỹ ở Nam Hải cung cấp bằng chứng rõ ràng rằng Washington có ý đồ thâm hiểm”, Nhân Dân nhật báo viết và kết luận bằng câu: “Trung Quốc sẽ không cho phép Mỹ hành động ngang ngạnh bất chấp hòa bình và ổn định ở Nam Hải”.
Yếu tố Philippines
Sau khi tàu Mỹ áp sát Hoàng Sa, Hoàn Cầu thời báo, ấn phẩm của Nhân Dân nhật báo cũng đã đăng bài xã luận chỉ trích Mỹ “không muốn thấy hòa bình ở Nam Hải” và cho rằng “việc Mỹ triển khai tàu chiến vào thời điểm này là “phản ứng rõ ràng đối với chuyến thăm Trung Quốc của ông Duterte”. Trong khi đó, một nguồn thạo tin khẳng định với Reuters việc tàu USS Decatur tuần tra xung quanh Hoàng Sa lần này đã được lên kế hoạch từ trước.
Trước tình hình nói trên, nhiều nhà quan sát cảnh báo nguy cơ đụng độ quân sự Mỹ – Trung có thể sẽ gia tăng nếu cán cân quyền lực khu vực lệch đi theo sau mọi thay đổi mang tính chiến lược của Manila, theo SCMP. “Những gì ông Duterte đang làm đẩy căng thẳng Mỹ – Trung Quốc leo thang và đang mở ra lĩnh vực đối đầu khác giữa hai nước”, chuyên gia Renato Cruz De Castro thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông – Tây ở Washington nhận định và dự đoán Mỹ có thể “thắp thêm nhiều ngọn lửa khác” nếu mất chỗ đứng ở Philippines.
Trong khi đó, nhà bình luận quân sự ở Thượng Hải Nghê Lạc Hùng cho rằng nhiều quốc gia ở khu vực có thể theo Philippines “xoay trục” sang Trung Quốc sau khi “nhận ra những lợi ích từ việc chuyển sang Trung Quốc mang lại”. Mặt khác, ông Nghê nhận định: “Mỹ muốn cho thấy rằng dù không có sự hỗ trợ từ Philippines, nước này vẫn có ý chí và khả năng để tiếp tục thực hiện hoạt động tự do hàng hải”. Ông Nghê còn nhận định hải quân Trung Quốc ngày càng phản ứng quyết liệt, với bằng chứng là họ đã điều 2 khu trục hạm tới cảnh báo tàu Mỹ, nhưng khẳng định cả hai bên đều muốn tránh đụng độ bất ngờ.
Ngư dân Philippines có thể trở lại Scarborough
Hôm qua 23.10, Tổng thống Philippines Duterte bất ngờ tuyên bố ngư dân Philippines có thể sẽ được quay lại vùng biển gần bãi cạn Scarborough trong vài ngày tới, theo Reuters. Hãng tin dẫn nguồn không nêu tên của Trung Quốc cho biết phía Trung Quốc đã hứa xem xét cho phép ngư dân Philippines đến gần bãi cạn này một cách “có điều kiện” trong chuyến thăm của ông Duterte vào tuần rồi. Mới đây, ông Duterte tuyên bố phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Biển Đông của Philippines là “ưu tiên thấp” và không có gì đảm bảo Trung Quốc sẽ không quân sự hóa bãi cạn Scarborough mà nước này kiểm soát trên thực tế từ năm 2012.
Khánh An

 

Văn Khoa